Sau khi chạm đáy vào cuối tháng 4, thanh khoản của thị trường chứng khoán bắt đầu tăng trở lại, cùng với nhịp phục hồi của chỉ số. Riêng từ đầu tháng 6, sàn HoSE đã ghi nhận hai phiên có tổng giá trị khớp lệnh và thỏa thuận vượt 20.000 tỷ đồng, trong đó phiên 8/6 đạt gần 23.700 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD.
Đà tăng của thị trường không chỉ tập trung vào một số phiên giao dịch đột biến. Quy mô giao dịch bình quân phiên trong bốn tháng gần đây đã tăng liên tục.
Tháng 3, quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên trên HoSE chỉ đạt hơn 9.200 tỷ đồng. Con số này tăng hơn 20% lên gần 11.200 tỷ đồng trong tháng 4, tăng tiếp lên 12.200 tỷ trong tháng 5. Riêng trong nửa đầu tháng 6, quy mô giao dịch trung bình mỗi phiên của HoSE lên tới 17.400 tỷ đồng, gần gấp đôi so với trước đó ba tháng.
Riêng trong nửa đầu tháng 6, quy mô giao dịch trung bình mỗi phiên của HoSE lên tới 17.400 tỷ đồng, gần gấp đôi so với trước đó ba tháng và tương đương mức trung bình của năm 2022.
Giao dịch trên thị trường sôi động hơn khi VN-Index lấy lại đà tăng trong những tháng gần đây. Các nhóm cổ phiếu dẫn dắt dòng tiền như ngân hàng, chứng khoán hay bất động sản đều giao dịch khởi sắc, nhiều mã tăng với tốc độ hai chữ số so với vùng đáy cuối quý I. Chỉ số của sàn HoSE cũng trở lại ngưỡng 1.100 điểm và đang giao dịch giằng co gần vùng kháng cự 1.120-1.130 điểm.
Theo Công ty chứng khoán ACB (ACBS), một trong những động lực cho dòng tiền trở lại với thị trường là việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất cơ bản từ đầu năm.
"Điều này đã tạo hiệu ứng tích cực nhờ kỳ vọng dòng tiền nhàn rỗi sẽ chuyển dịch sang thị trường chứng khoán khi lãi suất huy động giảm", báo cáo của ACBS viết.
Lãi suất là chỉ báo ngược chiều với thị trường chứng khoán. Về mặt nguyên lý, các chuyên gia cho rằng khi lãi suất rẻ hoặc đi ngang thì giá cổ phiếu tăng và ngược lại khi lãi suất tăng thì giá cổ phiếu giảm. Lý do là lãi suất cao khiến hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì chịu chi phí cao hơn, tác động đến kỳ vọng của nhà đầu tư trên thị trường. Ngoài ra, lãi suất cao cũng khiến một phần tiền từ chứng khoán bị rút ra để gửi vào hệ thống ngân hàng.
Giai đoạn thanh khoản của thị trường giảm mạnh trong nửa cuối năm ngoái và quý I năm nay cùng thời điểm Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản, còn các nhà băng thương mại liên tục đẩy lãi suất huy động lên cao.
Tuy nhiên, khi lãi suất liên tục giảm từ đầu năm, dòng tiền có xu hướng trở lại với thị trường chứng khoán, đặc biệt ở nhóm nhà đầu tư cá nhân. Trong tháng 5, nhà đầu tư cá nhân là nhóm chi phối khi mua ròng mạnh mẽ, tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trên sàn HoSE trong tháng 5 đạt 85%, cao nhất trong 7 tháng trở lại.
Sự trở lại của nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng có thể thấy từ quy mô lượng tài khoản chứng khoán mở mới đã tăng trở lại. Tháng trước, quy mô tài khoản chứng khoán mở mới lần đầu vượt ngưỡng 100.000 tài khoản kể từ tháng 9/2022 và gấp hơn 4 lần so với tháng 4.
Môi trường lãi suất "dễ thở" hơn, theo nhóm phân tích ACBS, có thể cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp và thúc đẩy việc mở rộng kinh doanh nhờ tăng cường vay vốn để nắm bắt cơ hội trong bối cảnh nhu cầu yếu từ cả thị trường bên trong và bên ngoài. Những yếu tố này giúp cổ phiếu nhiều doanh nghiệp được chú ý nhờ vào triển vọng tích cực trong ngắn hạn.
"Sau tháng 4 diễn biến không đạt kỳ vọng thì tháng 5 ghi nhận sự hồi phục của VN-Index với các thông tin tích cực đã được hấp thụ vào giá. Dòng tiền được cải thiện đáng kể với động lượng tăng dần khi tiến về cuối tháng", báo cáo của Công ty chứng khoán An Bình nhận xét.
Minh Sơn