Tại họp báo chiều 26-10, ông Nguyễn Sĩ Long - phó phòng công chức viên chức Sở Nội vụ TP.HCM - đã làm rõ thông tin về việc thí điểm cho một số vị trí cán bộ, công chức không tiếp xúc với công dân làm việc tại nhà. Đại diện Sở Nội vụ cho rằng việc này là phù hợp và xuất phát từ điều kiện thực tiễn của TP.HCM.
Theo ông Long, hiện nay TP là địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi số, trong đó có khu vực công. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đang thực hiện đề án xây dựng thành phố thành đô thị thông minh.
Các định hướng về cải cách hành chính và xây dựng chính quyền số với mô hình làm việc linh hoạt, hiện đại mà TP đang thực hiện là phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.
Thực tế cho thấy trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19, cán bộ, công chức TP đã thích ứng nhanh với phương pháp làm việc trực tuyến. Cán bộ, công chức, viên chức không cần có mặt tại cơ quan vẫn có thể nhận hồ sơ và xử lý văn bản bình thường trên môi trường mạng.
Do đó, việc nghiên cứu cho một số cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc ở các vị trí không tiếp xúc, không thực hiện thủ tục hành chính làm việc tại nhà sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đại diện Sở Nội vụ TP cũng cho biết TP đang tăng cường hiện đại hóa nền công vụ và đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4. Người dân và doanh nghiệp sẽ đăng ký sử dụng dịch vụ công và trả kết quả mà không phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, công chức. Vì vậy, việc cho phép một số cán bộ, công chức, viên chức làm việc ngoài công sở sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ và chất lượng xử lý, giải quyết thủ tục hành chính.
Không chỉ vậy, khi cán bộ, công chức được làm việc linh hoạt sẽ có thêm động lực, năng động sáng tạo để phục vụ nhân dân tốt hơn, đảm bảo được sức khỏe và thêm điều kiện chăm sóc gia đình.
Khi xây dựng đề án thí điểm, TP sẽ lựa chọn một số cơ quan, đơn vị tham gia để thí điểm, lựa chọn một số tổ chức, đơn vị thành phần và một số vị trí việc làm cụ thể để thí điểm. Trên cơ sở đó sẽ có sơ kết, đánh giá kỹ kết quả thực hiện, những tác dụng, hiệu quả mang lại đối với nền công vụ cũng như sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp so với trước khi thí điểm. Từ đó, TP mới nghiên cứu, cân nhắc mở rộng phạm vi thí điểm.
Trước mắt, chỉ thực hiện thí điểm đối với các vị trí không liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà với khối lượng công việc tương đương như làm việc tại công sở. Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà phải cam kết đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, khối lượng và đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phân công.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải theo dõi chặt chẽ và có đánh giá cụ thể theo hiệu quả công việc. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng của cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào kết quả và mức độ hoàn thành nhiệm vụ trên cơ sở các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch.
Việc thí điểm làm việc tại nhà không thay thế hoàn toàn cho mô hình làm việc tại công sở.
Trước đó, UBND TP.HCM có giao Viện Nghiên cứu phát triển chủ trì nghiên cứu dự thảo đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030, trình UBND TP.HCM trong quý 4-2023.
Đáng chú ý tại dự thảo đề cương, TP.HCM đang nghiên cứu thí điểm cho phép cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các vị trí việc làm không tiếp xúc với công dân có thể đăng ký làm việc tại nhà với tỉ lệ phù hợp.
Nhiều ý kiến cho rằng việc thí điểm cho một số vị trí cán bộ không tiếp xúc với dân làm việc tại nhà nhưng đảm bảo hiệu quả công việc là hợp lý.