Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) chiều 26/10, nhiều đại biểu Quốc hội tham gia góp ý về quy định liên quan đến thời hạn sử dụng nhà chung cư.
Nhà xây dựng phải có thời hạn sử dụng
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đánh giá cao dự thảo luật trình Quốc hội lần này đã có nhiều điểm hợp lý hơn. Dự thảo Luật có quy định nhà chung cư có thời hạn sử dụng, thời hạn được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời hạn sử dụng thực tế, tuy nhiên ông Hạ cho rằng dự thảo Luật còn chưa quy định rõ về vấn đề này.
“Các kết cấu vật liệu không thể tồn tại, vững bền vĩnh cửu, nên nhà xây dựng phải có thời hạn sử dụng”, ông Tạ Văn Hạ nói.
Theo đại biểu, thực tế khi sửa chữa các nhà chung cư cũ, việc xử lý thỏa đáng còn gặp nhiều vướng mắc, rất khó khăn để tập hợp nguồn lực cho việc sửa lại các tòa nhà chung cư.
Đại biểu cho rằng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần quy định rõ ràng, nhất quán, rõ ràng, minh bạch “chung cư cần có thời hạn sử dụng”.
“Với quy định này, người dân sẽ có được đầy đủ thông tin cần thiết khi tham gia giao dịch, chuyển nhượng, mua bán, đảm bảo cao nhất lợi ích của người dân”, ông Hạ góp ý.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng bày tỏ thống nhất với quy định nhà chung cư phải có thời hạn sử dụng. “Thời hạn sử dụng phải trên chất lượng thẩm định, thẩm tra của cơ quan có thẩm quyền chứ không thể theo thiết kế của chủ đầu tư”, ông Hoà nói.
Phân biệt giữa “sử dụng” và “sở hữu”
Tham gia tranh luận, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cho biết, dự thảo Luật đã phân biệt rất rõ về thời hạn sử dụngvà vấn đề sở hữu. Việc sử dụng đã được quy định tại Điều 99 luật hiện hành và Điều 58 dự thảo Luật.
Đồng thời, đã bổ sung quy định công bố về thời hạn sử dụng nhà chung cư khi hết hạn. “Nội dung này được phân biệt rất rõ với quyền sở hữu, quyền tài sản. Trong quy định hiện hành cũng như trong dự thảo Luật, đối với nhà chung cư nói riêng và nhà ở nói chung thì không có quy định về thời hạn sở hữu. Quyền sở hữu được chấm dứt theo quy định của pháp luật”, ông Ba nêu.
Đại biểu đoàn Bình Định chia sẻ, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về các trường hợp chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản khi bị tiêu huỷ. Điều 214 có quy định riêng về vấn đề xử lý đối với sở hữu nhà chung cư khi nhà chung cư bị tiêu huỷ. Đại biểu cho rằng đây là cơ sở pháp lý đã rất rõ về vấn đề sở hữu.
Tuy nhiên, hiện nay có quy định thêm loại hình nhà chung cư có thời hạn sở hữu hay không thì cần phải xem xét kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn. Cùng với đó, nội dung này liên quan trực tiếp tới vấn đề Luật Đất đai có quy định loại đất xây dựng nhà chung cư có thời hạn hay không.
Từ đó, đại biểu Đồng Ngọc Ba cho rằng, cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn về vấn đề này chưa đủ độ “chín”. Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay vẫn chưa đặt ra vấn đề quy định đất ở nói chung, đất xây dựng nhà chung nói riêng có thời hạn.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) lại cho rằng, cần phân biệt giữa “thời hạn sử dụng” và “thời hạn sở hữu”.
Ông Nghĩa cho rằng, đối với trường hợp mà đất giao sở hữu không xác định thời hạn thì thời gian sử dụng nhà chung cư vẫn phải có thời hạn theo tiêu chuẩn về kỹ thuật đối với nhà chung cư.
Cũng phát biểu tranh luận, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho rằng, vấn đề thời hạn sử dụng chung cư chỉ có thể giải quyết được nếu Luật Đất đai có quy định về quyền sử dụng đất ở có thời hạn.
“Nếu quy định các dự án bất động sản, đất ở, nhà ở, trong đó có chung cư được triển khai sau ngày các Luật Nhà ở, Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực, mà cơ bản đều gắn với quyền sử dụng đất ở có thời hạn thì sẽ là bước đột phá mang lại nhiều lợi ích cho đất nước”, ông Thịnh chỉ ra.
Theo đại biểu, quy định như vậy giúp triệt tiêu tính hấp dẫn đầu cơ quyền sử dụng đất ở mới, hỗ trợ được thị trường bất động sản hiện nay của nước ta, giúp Nhà nước thực hiện được trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm chỗ ở cho mọi người dân, có đất nông nghiệp cho mọi người có nhu cầu sản xuất.