Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 25,7 tỉ USD
Tin tức từ số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20-10, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 25,76 tỉ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ.
Đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm, cao hơn 7 điểm phần trăm so với mức tăng của 9 tháng.
Trong đó, có 2.608 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 15,29 tỉ USD, tăng 66,1% về số dự án và tăng 54% về số vốn so với cùng kỳ.
Có 1.051 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 5,33 tỉ USD, tăng 19,4% về số lượt nhưng giảm 39% về số vốn so với cùng kỳ.
Ngoài ra, còn có 2.836 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tuy giảm 5,4% so với cùng kỳ về số lượt, nhưng lại tăng 35,4% về số vốn, đạt hơn 5,13 tỉ USD.
Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang, Bình Dương…
Việt Nam thu 3,2 tỉ USD từ xuất khẩu xơ sợi
Tin tức thống kê, hết quý 3-2023, Việt Nam xuất khẩu 1,3 triệu tấn xơ sợi, thu về 3,2 tỉ USD, tăng 9,3% về lượng nhưng giảm 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu xơ sợi lớn nhất của Việt Nam, trong tháng 9 Việt Nam đã xuất khẩu 77.459 tấn xơ sợi sang thị trường này, trị giá hơn 203 triệu USD.
Tính chung 9 tháng năm 2023, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 647.862 tấn xơ sợi, thu về hơn 1,71 tỉ USD, tăng 18,1% về lượng nhưng giảm 2,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của xơ sợi Việt Nam. Tháng 9-2023, xuất khẩu mặt hàng này sang Hàn Quốc đạt 10.898 tấn, trị giá hơn 30 triệu USD, tăng 0,6% về lượng và tăng 2,8% về trị giá so với tháng 8-2023.
Tính chung 9 tháng, xuất khẩu đạt 101.880 tấn xơ sợi, thu về hơn 284 triệu USD, giảm 5,78% về lượng và giảm 24,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Mỹ là thị trường đứng thứ 3. Trong 9 tháng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 75.483 tấn xơ sợi, trị giá hơn 108 triệu USD, giảm 13,8% về lượng và giảm 29,4% về trị giá so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tôm tăng mạnh cuối năm
Sau nhiều tháng hoạt động cầm chừng, xuất khẩu tôm tăng mạnh trong 3 tháng cuối năm.
Ông Võ Văn Phục - tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết từ đầu tháng 9 đến nay, xuất khuẩu tôm sang các thị trường truyền thống tăng khoảng 40% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân, theo ông Phục, hiện hàng tồn kho các nước đã cạn, dự báo xuất khẩu tôm tháng cuối cùng của năm tiếp tục tăng trưởng khả quan.
Thường một khi giá trị xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh sẽ kéo giá tôm nguyên liệu tăng theo. Tuy nhiên tại vùng nuôi tôm lớn nhất cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua giá tôm nguyên liệu chỉ tăng nhẹ.
Anh Lý Thuận, một đại lý thu mua tôm ở Sóc Trăng, cho biết tuy đang là mùa nghịch, lượng tôm không còn nhiều, nhưng giá cả biến động cũng không đáng kể. Theo anh Thuận, tùy cỡ tôm, hiện giá chỉ tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với hai tháng trước.
Khách Việt tăng vọt, Thai Airways mở lại đường bay với Việt Nam
Trong 10 tháng đầu năm, gần 900.000 lượt khách Việt đến Thái Lan. Bangkok (Thái Lan) luôn nằm trong top 10 điểm đến quốc tế được khách Việt tìm kiếm nhiều nhất cho các dịp lễ kể từ sau dịch COVID-19 đến nay.
Trước nhu cầu này, từ ngày 29-10, Hãng hàng không quốc gia Thai Airways chính thức mở lại đường bay từ Bangkok tới Hà Nội, TP.HCM với tần suất 4 chuyến một ngày.
Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, ước tính lượng khách Việt sang Thái có thể đạt 1,2 - 1,3 triệu lượt trong hai năm tới.
Sau dịch, giá vé đi Thái Lan tăng khoảng 5-10% so với trước, tuy nhiên đây vẫn là đường bay được đánh giá có giá cả phù hợp, dịch vụ điểm đến không cao cấp hàng đầu thế giới.
Tin tức đáng chú ý: Xe máy bán ế, tồn kho nhiều; Trường học (thông qua hội đồng lựa chọn sách) được quyền tự chọn sách giáo khoa sử dụng tại trường; Bộ Xây dựng quy định sẽ không được để xe tại tầng có lối thoát nạn...