Doanh thu tăng trưởng mạnh, duy trì hiệu quả kinh doanh top đầu ngành
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, VIB ghi nhận tổng doanh thu đạt trên 16.300 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng chính đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp và khối nguồn vốn.
Trong đó thu nhập lãi đạt 13.000 tỉ đồng, tăng 18% và thu nhập ngoài lãi đóng góp 20% vào tổng thu nhập hoạt động. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt, ở mức 4.840 tỉ đồng, chỉ tăng 4,5% so với năm trước. Nhờ vậy, hệ số chi phí/doanh thu (CIR) của VIB giảm còn 30% và là một trong những ngân hàng bán lẻ có hiệu quả quản trị chi phí dẫn đầu ngành.
Lợi nhuận trước dự phòng tín dụng của VIB tăng trưởng vượt bậc, đạt gần 11.500 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng quý 3 đạt 4.300 tỉ đồng - mức cao nhất của ngân hàng từ trước đến nay.
Bên cạnh kết quả kinh doanh giữ vững tăng trưởng ổn định, nhằm nâng cao chất lượng tài sản cũng như tạo bộ đệm dự phòng vững chắc, ngân hàng cũng chủ động trích lập dự phòng lên tới hơn 3.150 tỉ đồng, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ.
Sau 9 tháng, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 8.325 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 27%, duy trì hiệu quả sinh lời top đầu ngành.
Bảng cân đối tài sản vững mạnh, rủi ro tập trung thấp nhất thị trường.
Tại ngày 30-09-2023, tổng tài sản VIB đạt 384.500 tỉ đồng, tăng hơn 11% so với đầu năm. Nhờ triển khai các chiến lược thúc đẩy tăng trưởng, dư nợ tín dụng đạt gần 247.000 tỉ đồng, tăng 5,5% so với đầu năm.
Trong đó, đáng chú ý tăng trưởng tín dụng riêng quý 3 của VIB đạt hơn 4,5%, gấp đôi so với tăng trưởng tín dụng trung bình toàn ngành ngân hàng trong quý 3 - khoảng 2,2%.
Nhờ kiểm soát tăng trưởng tín dụng thận trọng trong nửa đầu năm 2023, hiện nay VIB đang là một trong những ngân hàng còn room tín dụng lớn nhất, gần 9%, đây là điều kiện rất tốt để ngân hàng tiếp tục tăng trưởng trong quý 4, trên nền lãi suất đã giảm rất mạnh so với đầu năm.
Nợ xấu của VIB hiện được duy trì ở mức 2,47%, giảm so với mức đỉnh 2,62% vào cuối quý 1 năm 2023 và đang có xu hướng tiếp tục giảm. Trong số nợ xấu này, hầu hết là các khoản vay được thế chấp bằng bất động sản, với tỉ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo được duy trì ở mức 60% - 70%.
Bên cạnh đó, chính sách tài sản đảm bảo chặt chẽ với 99,5% tài sản đảm bảo bằng bất động sản là nhà đã có sổ hồng, sổ đỏ, do vậy tỉ lệ mất vốn trên các khoản nợ xấu là rất thấp.
Hiện VIB là một trong những ngân hàng có rủi ro tín dụng tập trung thuộc nhóm thấp nhất thị trường với mức độ phân tán rủi ro tập trung tối đa. Tại thời điểm cuối quý 3 tỉ trọng dư nợ bán lẻ tại VIB đạt 86% tổng danh mục cho vay.
Bên cạnh đó, VIB cũng thận trọng trong việc cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tại ngày 30-9 dư nợ cho vay các hoạt động và lĩnh vực như: BOT, năng lượng tái tạo, bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư trái phiếu bất động sản đều bằng không.
VIB cũng có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nằm trong nhóm thấp nhất ngành, ở mức 877 tỉ đồng, chỉ tương đương khoảng 0,3% tổng dư nợ tín dụng và hoàn toàn không có nợ xấu. Các trái phiếu nắm giữ hầu hết thuộc lĩnh vực sản xuất thương mại và tiêu dùng.
Tại ngày 30-09-2023, tổng huy động vốn của VIB đạt 258.000 tỉ đồng, trong đó tiền gửi khách hàng gần 214.000 tỉ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Động lực tăng trưởng chính đến từ huy động tiền gửi khách hàng cá nhân tăng 10%, trong đó số dư CASA khách hàng cá nhân cũng tăng tới 9% so với đầu kỳ.
Kết quả đạt được thông qua các chiến lược thu hút khách hàng cá nhân bằng các sản phẩm tiền gửi hấp dẫn và tiện lợi. Bên cạnh đó, nhờ sự quản trị linh hoạt và điều hành cơ cấu nguồn vốn phù hợp trong bối cảnh lãi suất thị trường điều chỉnh cũng giúp VIB tối ưu chi phí huy động đáng kể.
Lãi suất huy động từ khách hàng giảm gần 3% so với đầu năm, qua đó tạo điều kiện giảm mạnh lãi suất cho vay và duy trì NIM một cách tích cực.
Các chỉ số quản trị của VIB được duy trì ở mức an toàn và tối ưu, với hệ số an toàn vốn CAR (Basel II) ở mức 11,8% (so với quy định là trên 8%), hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 28% (quy định dưới 34%), hệ số cho vay trên huy động (LDR) đạt 72% (quy định là dưới 85%), tỉ lệ dự trữ thanh khoản (MLH) là 17,5% (quy định là trên 10%).