Gặp Giáo sư Hugo Duminil-Copin tại hội thảo Heidelberg Laureate Forum 2023 ở Đức mới đây, bắt chuyện về toán học, anh cười lớn:
- Đâu đó chúng ta vẫn nghe không ít người nói toán là vô dụng, nhưng tôi tin họ đang nói theo hướng kiến thức về toán không thật sự tác động, hữu dụng cho cuộc sống, công việc đặc thù của họ khi nói vậy, chẳng hạn trong lĩnh vực thơ ca, nghệ thuật chứ không phải họ phủ nhận giá trị của toán học.
Có người có thể do không thấy rõ sự hiện diện của toán trong đời sống, mà mạng xã hội vốn liên quan mật thiết đến thuật toán. Cũng như họ, có lúc tôi thậm chí từng nghĩ việc nghiên cứu toán không thể nào là cái nghề và giúp tạo ra thu nhập nữa kìa.
Luôn trong trạng thái xuất phát lại
* Tức là anh từng không chọn theo đuổi toán từ đầu?
- Tôi đến với toán trễ lắm. Cha tôi là giáo viên thể dục, mẹ tôi là một vũ công. Gần như suốt thời trung học của tôi có thể nói là những tháng ngày chỉ vùi mình vào thể thao và âm nhạc. Cha thường khuyến khích tôi sẽ chuyển sang một môn thể thao mới sau mỗi hai năm.
Có lẽ vì thế mà tôi có thể chơi được nhiều môn thể thao và cả nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Tôi đi học nhẹ nhàng lắm vì hầu như không bị bất cứ áp lực nào từ gia đình.
Những năm cuối cấp phổ thông, tôi học khá chểnh mảng, môn toán còn từng bị điểm thấp gần như cuối lớp. Lúc đầu tôi chán nản và nghĩ chắc mình bỏ cuộc vì kiến thức toán quá khó nhưng nhờ thể thao, tôi chợt nhận ra một bài học vô giá.
Trong thể thao, một điều rất rõ là chúng ta học cách chơi từ những sai lầm, sau đó luyện tập nhiều và trở nên tốt hơn. Chưa kể việc cha khuyến khích tôi mỗi hai năm đổi sang môn thể thao mới giúp tôi quen với trạng thái luôn sẵn sàng xuất phát lại từ đầu. Khi vỡ ra như thế, tôi bắt đầu chuyên chăm hơn với toán học.
* Khá khó hiểu với người thành công lớn lại nhận ra đam mê khá trễ?
- Có một số sinh viên nói với tôi họ từng ghét toán nhưng ngẫm lại cái họ thật sự ghét là những trải nghiệm chưa được đẹp với toán. Nhưng chúng ta khó có thể đổ lỗi cho giáo viên khi một số chương trình dạy quá dày đặc kiến thức hàn lâm và thậm chí lỗi thời, chưa tạo không gian và thời gian phù hợp để người dạy được sáng tạo, được thổi bùng ngọn lửa đam mê, khả năng tư duy đến người học trong từng tiết dạy.
Song song đó, phải thừa nhận năng lượng, tinh thần cấp tiến của một số giáo viên có tuổi phần nào bị hạn chế.
Gia đình tôi có người theo nghề giáo nên tôi biết việc thay đổi chương trình học là câu chuyện vĩ mô và rất khó để bắt kịp với sự phát triển vũ bão của xã hội công nghệ, biết được cảm nhận "lực bất tòng tâm" trong giáo dục là như thế nào. Chắc không dễ để giải quyết các vấn đề trên nhưng với tôi, một xã hội chỉ có thể phát triển mạnh mẽ khi đứa trẻ nào cũng được nuôi dưỡng trong tình yêu toán học.
Hãy học trong sự cầu thị
* Anh có thần tượng nào trong đời mình không?
- Tôi chưa nghĩ đến điều này. Mà tôi cho rằng người trẻ không nhất thiết phải có thần tượng để có thể sống có mục đích, thành công và hạnh phúc. Có chăng tôi nghĩ rằng phụ nữ đi theo lĩnh vực toán học xứng đáng nhận được nhiều yêu thương và sự ngưỡng mộ hơn. Bởi đây vốn là lĩnh vực đặc thù đầy thử thách, tốn nhiều thời gian và ít phù hợp, thậm chí đầy áp lực với cuộc sống nữ giới.
* Là một người có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực, nếu cần khuyên điều nào đó cho các bạn trẻ để hun đúc tình yêu toán học, anh muốn chia sẻ gì?
- Thật lòng tôi rất ngại đưa những lời khuyên chung chung. Điều này sẽ hiệu quả hơn nếu người đó ngồi trước mặt và trải lòng với tôi về sở thích, năng lực, tính cách hay bối cảnh cuộc sống của họ. Nhưng nếu phải có một lời khuyên, tôi sẽ nói với họ hãy học trong sự cầu thị, hợp tác vì tinh thần đó sẽ giúp chúng ta học hiệu quả, vươn xa hơn.
Cá nhân tôi lúc trẻ khá mạnh về nghiên cứu, tìm tòi nhưng khả năng viết, diễn đạt lại rất chậm so với những nhà khoa học trẻ khác. Nếu bước vào một cuộc thi cần tốc độ, tôi khó nắm được phần thắng. Một số đồng nghiệp của tôi nhận ra điều đó và chủ động đề xuất hợp tác, nên từ đó chúng tôi đã thực hiện mọi thứ nhanh chóng, hiệu quả cao hơn hẳn.
Giáo sư tuổi 28
Hugo Duminil-Copin sinh năm 1985, lớn lên ở "kinh đô ánh sáng" Paris (Pháp) và tốt nghiệp loại ưu ĐH Paris-Saclay. Do có nhiều công bố vang danh quốc tế, anh được bổ nhiệm làm giáo sư tại ĐH Geneva (Thụy Sĩ) từ năm 2013 khi mới 28 tuổi, rồi trở thành giáo sư chính thức tại Viện IHES (Pháp) từ năm 2016.
Năm 2022, anh được trao Huy chương Fields cho công trình nghiên cứu "Lý thuyết xác suất về sự chuyển pha trong vật lý thống kê". Đây là giải thưởng toán học danh giá nhất thế giới, được coi như "Nobel Toán học". Giải thưởng mà giáo sư Ngô Bảo Châu đến nay là nhà toán học đầu tiên và duy nhất của Việt Nam, thứ hai của châu Á đoạt được vào năm 2010.
Từ 2012 - 2023, giáo sư Hugo Duminil-Copin bội thu với các giải thưởng khoa học danh tiếng của châu Âu và thế giới như Loeve Prize, Oberwolfach Prize, Dobrushin Prize, New Horizons Prize in Mathematics...
TTO - Phan Xuân Hành cho biết em yêu thích môn toán, và ước mơ bước vào ngành sư phạm. Một lần không được vào đội tuyển bồi dưỡng thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh, em chuyển sang học môn hóa và đã thành công trên cả mong đợi.