Ông Lý Khắc Cường làm thủ tướng Trung Quốc đúng 10 năm, từ 3-2013 đến 2-2023. Báo chí phương Tây đánh giá cao cách tiếp cận kinh tế của ông, mặc dù nhận định không phải chính sách nào cũng tạo tác động lớn như mong đợi.
Vài tháng sau khi nghỉ hưu, ông Lý đã qua đời ngày 27-10 ở tuổi 68 sau một cơn đau tim đột ngột.
Thông tin này đã thu hút sự chú ý lớn của báo chí quốc tế, giữa lúc các nước theo dõi sát sao các chính sách kinh tế của Trung Quốc, vốn được liên hệ nhiều tới diễn biến trong những năm ông Lý Khắc Cường làm thủ tướng.
Ngã rẽ trong nền kinh tế Trung Quốc
Ông Lý Khắc Cường sinh ngày 7-1-1955 tại tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc. Ông học luật tại ĐH Bắc Kinh. Sau khi đảm nhiệm nhiều vị trí trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông nhận bằng tiến sĩ kinh tế vào năm 1994, tại ĐH Bắc Kinh.
Trong mắt các tờ báo phương Tây, ông Lý là một trong những quan chức có học vấn cao, người hứa hẹn những cải cách và chính sách phù hợp cho giai đoạn mới trong sự phát triển kinh tế Trung Quốc. "Ông Lý có học vấn vượt trội và năng lực rõ ràng trong vấn đề đối nội và đối ngoại, bao gồm trình độ tiếng Anh", tờ Wall Street Journal viết.
Ông Lý Khắc Cường bắt đầu làm thủ tướng vào tháng 3-2013, với nhiệm vụ được nhận xét rất nhiều áp lực. Kinh tế Trung Quốc đã trải qua vài chục năm tăng trưởng liên tục, và thường tự hào về chỉ số tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ấn tượng.
Nhưng việc "đứng trên vai người khổng lồ" không hề đơn giản. Sau tăng trưởng liên tục sẽ là áp lực duy trì sự tăng trưởng cao ấy, và quan trọng hơn là áp lực tìm kiếm hướng đi mới khi công cụ và tài nguyên cũ phải đến lúc cạn kiệt hoặc bão hòa.
Theo báo Politico, năm 2013 là thời điểm Trung Quốc đối diện với những cảnh báo ngày càng nhiều về tình trạng bùng nổ xuất khẩu và xây dựng. Đây là hai nhân tố chính giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng hai con số suốt vài chục năm, nhưng đang có khả năng cạn kiệt.
Trong một phát biểu năm 2010, ông Lý thừa nhận thách thức từ việc quá lệ thuộc vào đầu tư để kích thích kinh tế phát triển, trong khi chi tiêu tiêu dùng yếu đi, còn mất cân đối giàu - nghèo chưa được giải quyết. Các cố vấn chính sách kêu gọi Bắc Kinh thúc đẩy tăng trưởng dựa trên tiêu dùng trong nước và công nghiệp dịch vụ.
Trước tình huống đó, ông Lý được khen ngợi vì cách tiếp cận cân bằng giữa khuyến khích cải cách, thêm vai trò cho khu vực tư nhân và phát huy sức mạnh của công ty nhà nước. Wall Street Journal lưu ý rằng ông Lý là học trò của nhà kinh tế học nổi tiếng Lệ Dĩ Ninh, người phát triển lý luận về công cụ thúc đẩy công ty nhà nước theo hướng tạo ra lợi nhuận.
Dấu ấn ông Lý trong kinh tế Trung Quốc
Theo báo Nikkei, trong hai nhiệm kỳ thủ tướng, ông Lý đã đặt dấu ấn lên chính sách kinh tế Trung Quốc.
Giới quan sát đặc biệt chú ý vào việc ông Lý sẵn sàng chấp nhận tốc độ tăng trưởng chậm hơn cho nền kinh tế, đổi lại thực hiện các cải cách với những nguyên tắc như: không ra gói kích thích kinh tế, giảm đòn bẩy và cải cách cấu trúc.
Các nguyên tắc này góp phần đáng kể định hình nền kinh tế Trung Quốc trong nhiều năm sau. Trong giai đoạn 2015 tới 2019, tăng trưởng của Trung Quốc ở mốc 6%, mức phổ biến khi đề cập tới GDP Trung Quốc ngày nay.
Dưới sự giám sát của ông Lý, chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh vai trò của phát triển công nghệ cao và kích thích tiêu dùng nội địa trong việc duy trì tăng trưởng.
Ông được cho là người ủng hộ báo cáo "Trung Quốc 2030" của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và một cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc vào năm 2012, trong đó kêu gọi thay đổi căn bản nhằm giảm sự thống trị của các ngành công nghiệp nhà nước, đồng thời phát huy các lực lượng thị trường.
Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đầu những năm 2000, nền kinh tế nước này đã chuyển sang giai đoạn mới, với xu hướng hội nhập mạnh mẽ hơn.
Đó cũng là một trong những lý do phương Tây khá chú ý tới quan điểm được xem "phù hợp" của ông Lý, thậm chí xem ông là người có thể tiếp tục đẩy mạnh cải cách định hướng kinh tế thị trường của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình những năm 1980.
Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều ghi nhận kém khả quan, doanh số vé số tại Trung Quốc trong năm 2023 đã nhiều lần phá kỷ lục so với sức mua của năm trước đó.