Thanh âm chữa lành là một phần của dự án Nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên tại TP.HCM về sức khỏe tâm thần, trong khuôn khổ dự án Bảo vệ tương lai do sinh viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM thực hiện.
Chương trình gây chú ý bởi chia sẻ của những con người đặc biệt khi họ phải tự đối mặt với chấn thương tâm lý và vượt qua nó.
Thu mình vì những nỗi đau quá khứ
Nguyễn Hồng Thục là khách mời đặc biệt của chương trình. Chị là cử nhân Tâm lý học và đã có 2 năm công tác trong mảng hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho cộng đồng yếu thế.
Chị Thục chia sẻ đã có một tuổi thơ không tốt đẹp khi bản thân từng là nạn nhân của việc bị xâm hại. Chị chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải gánh chịu những trải nghiệm tiêu cực ấy.
Và khi trải qua những điều đó, suy nghĩ của chị đã dần đi theo hướng tiêu cực. Chị Thục nhận định, mình đã có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
"Mình đã từng uống thuốc ngủ nhưng may mắn được phát hiện kịp thời. Hiện tại, mình vẫn chưa thể vượt qua được chướng ngại tâm lý của bản thân nhưng vẫn đang cố hết sức" - chị Thục tâm sự trong chương trình.
Đó là lý do và động lực để chị Thục theo đuổi ngành Tâm lý học mong có thể chữa lành cho chính mình và cho người khác.
Nguyễn Hồng Thục khẳng định cùng các bạn sinh viên, trong mỗi chúng ta ai cũng có những "đứa trẻ bên trong mình". Nếu chúng không khỏe mạnh thì sức khỏe tinh thần cũng bị ảnh hưởng.
Những chấn thương, nỗi đau trong quá khứ có thể khiến người ta thu mình lại và không dám bước ra ánh sáng.
Cần đọc tên cảm xúc của mình
Chị Thục cho rằng, dám đối diện với chấn thương tâm lý, nỗi sợ là cách tốt nhất để vượt qua nó. Trong đó, việc nhận diện và đọc tên cảm xúc của mình rất quan trọng.
Chị giải thích thêm: "Mình cần nói chuyện, đặt câu hỏi cho bản thân để có thể hiểu được là liệu mình có đang bị tổn thương tâm lý hay có những khúc mắc gì trong quá khứ hay không.
Đôi khi chúng ta nghĩ nó không ảnh hưởng đến mình nhưng khi dồn nén quá nhiều thì nó sẽ bùng phát theo chiều hướng tiêu cực".
Anh Trần Công Minh Đức - giảng viên, dược sĩ CKI, có 3 năm công tác trong lĩnh vực hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho cộng đồng yếu thế - nêu ý kiến sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất luôn song hành cùng nhau, chúng bổ trợ lẫn nhau và không tách rời ra được.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa, sức khỏe tâm thần là trạng thái hạnh phúc trong đó cá nhân cần nhận diện, xác định được mình, từ đó có thể hoàn thành tốt công việc, vượt qua được những rào cản và đóng góp cho xã hội.
Cũng theo tổ chức này, năm 2019, có khoảng 1 tỉ người bị rối loạn về tinh thần. 800.000 ca tự tử, nằm trong khoảng từ 15 đến 29 tuổi, do những áp lực từ học tập, tiền bạc, các mối quan hệ trong cuộc sống, bạo lực học đường.
Để chữa lành tổn thương tinh thần, anh Đức nêu ra một số giải pháp. Chúng ta cần phải là người chủ động chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ từ các bác sĩ tâm lý, cơ sở hỗ trợ cộng đồng người yếu thế để sàng lọc những phương thức điều trị phù hợp với tình trạng của bản thân.
Âm nhạc là một trong những biện pháp hiệu quả, đảm bảo về mặt kinh tế trong quá trình điều trị chấn thương tâm lý. Vì nó chữa lành cảm xúc một cách tự nhiên
Và có rất nhiều liệu pháp sử dụng âm nhạc trong điều trị tâm lý, chúng ta có thể sáng tác nhạc, nhảy, khiêu vũ, hòa âm phối khí, hay sử dụng âm nhạc như một món ăn tinh thần.
TTO - Theo một nghiên cứu mới đây của các chuyên gia y học Mỹ, những chấn thương từ lúc còn trẻ với các VĐV có thể dẫn đến sự suy thoái não khi lớn tuổi. Và đó là lý do chính dẫn đến những vụ tự tử hoặc sa sút tâm lý nặng nề của họ sau này.