Một bệnh nhân bị chấn thương mắt do pháo đang điều trị tại Bệnh viện mắt Cao Nguyên, Gia Lai - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG
Ngày 17-2, ThS.BS chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Lành - giám đốc Bệnh viện mắt Cao Nguyên - cho biết từ ngày 30 đến mùng 5 Tết bệnh viện đã tiếp nhận 4 ca bệnh chấn thương vùng mắt liên quan pháo nổ.
Trong đó có 2 ca bệnh bị xuất huyết toàn nhãn, tổn thương thần kinh thị giác đến nay vẫn chưa tiên liệu có phục hồi được hay không.
4 ca bệnh đều nói đang ngồi chơi thì bạn bè và trẻ em đốt pháo văng trúng làm tổn thương mắt nặng.
Theo bác sĩ Lành, những năm trước đều có các ca bệnh cấp cứu do pháo. Thời gian gần đây thì chủ yếu chấn thương vùng mắt do pháo hoa. Các bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng chấn thương vùng hốc mắt, tổn thương nhãn cầu làm giảm thị lực, thậm chí có trường hợp không thể phục hồi.
"Sức ép pháo nổ có thể gây rách mi, vỡ nhãn cầu, làm thoát dịch và mô nội nhãn ra ngoài. Ngoại vật có thể vào trong nhãn cầu gây nhiễm trùng nội nhãn.
Nếu vỏ bọc nhãn cầu còn nguyên vẹn thì sức ép, xung chấn cũng sẽ gây tổn thương các môi trường nội nhãn như phù giác mạc, xuất huyết tiền phòng, tăng nhãn áp xuất huyết võng mạc, dịch kính, đứt chân mống mắt, sa lệch thể thủy tinh, bong dịch kính, phù và rách hoặc bong võng mạc.
Đặc biệt, chấn thương do pháo nổ có thể làm tổn thương thần kinh thị giác.
Chấn thương vùng mắt do pháo nổ phải được cấp cứu kịp thời vì một số trường hợp chậm trễ mất thời gian vàng để điều trị, có thể gây biến chứng tổn thương nặng không còn khả năng hồi phục, gây nên hậu quả rất đáng tiếc", bác sĩ Lành nói.
Về 2 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện do pháo nổ làm xuất huyết toàn nhãn, tổn thương thần kinh thị giác, bác sĩ Lành giải thích thêm: "Thần kinh thị giác thuộc thần kinh trung ương, vì vậy khi bị tổn thương thì rất khó phục hồi hoặc phục hồi chậm. Người bệnh có thể phải tốn rất nhiều thời gian và kinh phí để chữa trị. Khả năng mất thị lực rất cao".
Liên quan đến sử dụng pháo nổ trái phép, Công an tỉnh Gia Lai cho biết đã xử lý 29 trường hợp đốt pháo nổ trái phép. Trong đó TP Pleiku 13 vụ, huyện Đak Đoa 8 vụ, huyện Phú Thiện 7 vụ, thị xã An Khê 1 vụ.
TTO - Báo cáo công tác y tế 3 ngày tết, từ sáng 29 đến sáng mùng 2 Tết Tân Sửu, cho thấy ngoại trừ tai nạn do pháo nổ có tăng, còn các loại cấp cứu khác được thống kê như cấp cứu do đánh nhau, tai nạn giao thông, ngộ độc... đều giảm.
Xem thêm: mth.88923237171201202-neiv-hniv-um-ib-eht-oc-tam-gnouht-nahc-iougn-3-oahp-on/nv.ertiout