Ít nhất 29 nhà báo đã thiệt mạng kể từ cuộc tấn công đầu tiên của Hamas vào ngày 7/10 - CPJ cho biết trong một tuyên bố đưa ra ngày 27/10. Tổ chức này cho biết họ bắt đầu theo dõi cái chết của các nhà báo đưa tin về một cuộc xung đột vào năm 1992.
CPJ cho biết, trong số các nhà báo thiệt mạng, có ít nhất 24 người Palestine, 4 người Israel và 1 người Liban.
Nhóm vận động báo chí cho biết thêm họ "rất lo lắng" trước các báo cáo về tình trạng mất liên lạc ở Gaza.
"Khi các văn phòng tin tức mất liên lạc với đội ngũ và phóng viên của họ ở Gaza - những người độc lập làm chứng để cung cấp thông tin về diễn biến và số người thiệt mạng trong cuộc chiến này, thế giới đang mất đi một cánh cửa nhìn vào thực tế của tất cả các bên tham gia vào cuộc xung đột", tuyên bố của CPJ nhấn mạnh.
Theo nhà cung cấp dịch vụ viễn thông địa phương Jawwal, liên lạc ở Gaza đã bị gián đoạn nghiêm trọng trong vài giờ qua do các cuộc không kích của Israel.
NetBlocks, một công ty giám sát tình trạng ngừng hoạt động Internet có trụ sở tại London, cũng cho hay nhà khai thác internet lớn cuối cùng trong khu vực, Paltel, đã gặp phải thiệt hại đối với các tuyến cáp quốc tế của mình.
Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết họ không thể đảm bảo an toàn cho các nhà báo đưa tin từ Gaza.
Theo Reuters, ngày 27/10 IDF thông báo với các tổ chức tin tức quốc tế rằng họ không thể đảm bảo an toàn cho các nhà báo đưa tin từ Gaza. Trước đó, các hãng thông tấn quốc tế Reuters và AFP đã liên lạc với quân đội Israel trong tuần này để đảm bảo các nhà báo của họ ở Gaza sẽ không trở thành mục tiêu của các cuộc không kích mà Israel tiến hành.
IDF đã trả lời trong một lá thư gửi cho cả hai hãng tin trên nói rằng họ đang "nhắm mục tiêu vào tất cả các hoạt động quân sự của Hamas trên khắp Gaza" và "trong những trường hợp này, Israel không thể đảm bảo an toàn cho nhân viên (các cơ quan báo chí) và mạnh mẽ thúc giục họ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết cho sự an toàn của mình."
Bức thư cũng cho biết Hamas đã cố tình đưa các hoạt động quân sự đến “gần khu vực các nhà báo và dân thường”, theo trích dẫn của Reuters. Hãng tin này cũng cho biết đại diện Hamas đã không trả lời ngay lập tức khi được hỏi liệu những cáo buộc này do IDF đưa ra có đúng hay không.
Cả Reuters và AFP đều bày tỏ lo ngại về sự an toàn của các nhà báo ở Gaza.
Reuters giải thích trong một tuyên bố: “Tình hình thực tế rất nghiêm trọng và việc IDF không sẵn lòng đưa ra đảm bảo về sự an toàn của nhân viên chúng tôi đe dọa khả năng đưa tin tức về cuộc xung đột này trước nguy cơ bị thương hoặc thiệt mạng”.
Trong khi đó, Giám đốc Tin tức Toàn cầu AFP Phil Chetwynd cho biết: “Chúng tôi đang ở tình thế cực kỳ bấp bênh và điều quan trọng là thế giới phải hiểu rằng, một đội ngũ lớn các nhà báo đang làm việc trong điều kiện cực kỳ nguy hiểm”.
Không chỉ các nhà báo, nhân viên của các tổ chức quốc tế, tổ chức nhân đạo cũng đứng trước nguy hiểm tính mạng ở Gaza. Theo tuyên bố của Cơ quan Công tác cứu trợ Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) vào ngày 27/10, số nhân viên Liên hợp quốc thiệt mạng ở Gaza đã tăng lên 53 người sau khi 14 người thiệt mạng trong 24 giờ qua.
Tuyên bố cho biết gần 640.000 trong số 1,4 triệu người sơ tán ở Gaza đang trú ẩn tại 150 cơ sở của UNRWA trên khắp dải đất này, đồng thời cho biết thêm rằng nhiều người đã thiệt mạng tại các trường học do cơ quan cứu trợ điều hành.
UNRWA cho biết kể từ cuộc tấn công tàn khốc của Hamas vào Israel ngày 7/10, dẫn đến chiến dịch trả đũa ở Gaza, 18 người đang trú ẩn tại các trường học đã thiệt mạng và 282 người bị thương.