Tại đây, các diễn giả đã chia sẻ quan điểm cho rằng sự chuyển dịch năng lượng toàn cầu không chỉ là cơ hội để thay đổi lĩnh vực năng lượng mà còn giúp mở rộng thêm các cơ hội kinh tế cho phụ nữ.
Theo dữ liệu mới đây từ gần 2.500 công ty và hơn 38.000 nhân viên đang làm việc trong lĩnh vực năng lượng trên toàn cầu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), phụ nữ chỉ chiếm khoảng 13,9% số vị trí quản lý cấp cao, trong khi tỉ lệ này là 15,5% ở các ngành không phải năng lượng khác.
Việc có thêm phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo cũng như đảm nhiệm vai trò kỹ thuật trong ngành năng lượng được nhìn nhận là vấn đề thiết yếu để đáp ứng nguồn lực cần thiết cho khoảng 14 triệu việc làm mới sẽ phát sinh cùng với sự phát triển của lĩnh vực năng lượng sạch vào năm 2030, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB).
Phụ nữ cần cho sự chuyển dịch năng lượng
Trên toàn cầu, phụ nữ hiện mới chỉ chiếm khoảng 32% trong lực lượng lao động ngành năng lượng tái tạo, so với 22% trong các ngành công nghiệp dầu và khí đốt.
Cùng với sự tăng trưởng đáng kể của năng lượng tái tạo, phụ nữ cũng đang ngày càng có sự hiện diện lớn hơn ở các vai trò khác nhau trong mảng này: doanh nhân, nhà nghiên cứu, người lao động, nhà đầu tư, người làm chính sách và các lãnh đạo ngành.
Theo IEA, đầu tư cho năng lượng sạch đã vượt 1.400 tỉ USD vào năm 2022.
Chỉ riêng tại Ấn Độ, để đạt mục tiêu trung hòa carbon (net zero) vào năm 2070, WB ước tính quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ phải đầu tư 190 tỉ USD mỗi năm cho nền kinh tế năng lượng cho tới năm 2030.
Sự chuyển dịch năng lượng đòi hỏi sự chuyển dịch tương ứng của lực lượng lao động. Không phải ngẫu nhiên khi bà Mandakini Kaul, điều phối viên khu vực Nam Á của WB, từng nhấn mạnh trong một hội nghị gần đây: "Phụ nữ phải là những tiếng nói mạnh mẽ trong sự chuyển dịch năng lượng đó!".
Dù phụ nữ vẫn chỉ đang chiếm một tỉ lệ nhỏ trong số các lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức về năng lượng tái tạo, song dấu ấn cũng như cảm hứng lan tỏa của họ là rất đáng kể.
Những gương mặt truyền cảm hứng
Mới đây, trang web của công ty chuyên về luật quốc tế HFW chia sẻ về những gương mặt theo họ đã có đóng góp đầy cảm hứng trong lĩnh vực này.
Trong số đó có bà Stephanie Unwin, một cựu luật sư đã chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch, hiện là CEO Công ty điện lực Horizon Power của Úc.
"Tự sâu thẳm trong lòng mình, tôi là người say mê với chuyển dịch năng lượng, vậy nên tôi muốn làm ở một vị trí sẽ mang lại cho tôi niềm vui mỗi ngày", người phụ nữ này chia sẻ.
Bà tự hào về nhiều dự án đã tham gia, nhưng có một cột mốc không bao giờ quên với bà là việc triển khai dự án điện mặt trời đầu tiên ở khu vực nam bán cầu khoảng 10 năm trước.
"Nó có công suất 10 MW - con số dường như quá nhỏ lúc này - nhưng nó đã đánh dấu một bước ngoặt và mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển của ngành năng lượng", bà Stephanie Unwin nói, chia sẻ thêm về dự định khai thác hydrogen trong tương lai như một nguồn năng lượng tái tạo giàu tiềm năng.
Một gương mặt nữa là bà Surena Ho, quản lý thương mại cao cấp tại Osaka Gas - một trong những công ty cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất tại Nhật.
Là người phụ trách các sáng kiến phát triển doanh nghiệp, thực thi những kế hoạch chiến lược và theo đuổi các cơ hội về nhiên liệu trong tương lai, bà Surena Ho đặc biệt quan tâm tới vai trò của e-methane với quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững.
E-methane là khí methane tổng hợp và kết hợp giữa methane hiện có hoặc CO2 tái chế với hydrogen.
Hạ tầng năng lượng hiện tại của các nước đang lệ thuộc rất lớn vào các nhiên liệu hóa thạch, nên để chuyển đổi sang các năng lượng sạch ngay lập tức là rất khó, do đó Osaka Gas coi e-methane như một bước quá độ trước khi hạ tầng năng lượng chuyển hoàn toàn sang hydrogen.
"Chúng tôi không nói e-methane là giải pháp, nhưng là một phần của nó", bà Surena Ho nói.
Từng là người có cả chục năm kinh nghiệm về năng lượng tái tạo trước khi thành lập Công ty Cheeditha Energy vào năm 2018 tại vùng đất Pilbara vốn là nơi sinh sống của rất đông thổ dân bản địa ở bang Tây Úc (Úc), bà Brigette McDowell thừa nhận bản thân đã học hỏi được nhiều từ tri thức bản địa, từ tầm nhìn đã có cả ngàn năm trước của họ để vận dụng vào các dự án điện mặt trời cũng như chương trình tiết kiệm năng lượng tại đây.
Người phụ nữ này khẳng định thế hệ hôm nay có thể học hỏi từ tầm nhìn đó, đặc biệt trong quá trình chuyển dịch năng lượng.
"Chúng ta có thể nhìn thấy tác động tiêu cực của việc không áp dụng tầm nhìn này - chẳng hạn như việc xóa bỏ sự đa dạng sinh học để xây dựng hạ tầng cho năng lượng tái tạo", bà chia sẻ.
Gắn với những điểm tích cực
Theo IEA, về trung bình, tỉ lệ phụ nữ làm việc trong ngành năng lượng thấp hơn tới 76% so với nam giới.
Những nước có tỉ lệ nữ giới tham gia nhiều nhất trong các công ty năng lượng là Nga (23,1%), Úc (15,5%) và thấp nhất là Nhật (3,1%).
Dù tỉ lệ không lớn, nhưng như đánh giá của Ngân hàng Thế giới, vai trò lãnh đạo của nữ giới trong mảng này "gắn với những điểm tích cực hơn trong quản trị tài nguyên, những thành quả bảo tồn và sự sẵn sàng trong ứng phó với thảm họa".
Quan niệm về cái đẹp khắt khe ở Hàn Quốc khiến quốc gia này trở thành cường quốc hàng đầu trong ngành công nghiệp thẩm mỹ. Tuy vậy, nhiều phụ nữ Hàn Quốc đã quyết định cởi bỏ áp lực 'phải đẹp' mà xã hội áp đặt.