Xác heo chết vứt bừa bãi
Nhiều ngày qua, người dân đi qua kênh Đào đoạn chảy qua khu vực các xã Lăng Thằng, Bắc Thành, Nam Thành… huyện Yên Thành (Nghệ An) rất bức xúc trước tình trạng heo chết bị vứt bừa bãi.
Đây là con kênh dẫn nước từ sông Lam ở huyện Đô Lương về phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp các địa phương Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu.
Do heo chết nhiều ngày, bắt đầu phân hủy nặng nổi trên mặt nước không được thu gom nên bốc mùi hôi thối.
Thời điểm này tại huyện Yên Thành, nhiều địa phương xuất hiện dịch tả heo châu Phi, khiến nhiều đàn heo của người dân chăn nuôi nhỏ lẻ chết hàng loạt.
"Heo chết không biết ở đâu trôi về đây mấy ngày qua mắc lại cùng với rác thải sinh hoạt. Chúng tôi lo nguồn nước ô nhiễm và có thể mầm bệnh dịch tả heo châu Phi sẽ lây lan mạnh hơn", ông Phan Văn Trung - 46 tuổi, người dân sống gần kênh Đào, bức xúc.
Theo Xí nghiệp thủy lợi đầu mối, thuộc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An, thời gian qua có việc người dân vứt xác động vật, đặc biệt là heo chết nghi do mắc dịch tả heo châu Phi xuống kênh.
Đơn vị đã cử lực lượng phối hợp với các địa phương tuyên truyền bà con không vứt xác heo và thu gom xác heo chết đi chôn lấp nhưng tình trạng này vẫn diễn ra.
Ông Nguyễn Trọng Hương - giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành - cho hay toàn huyện Yên Thành có hơn 82.000 con heo. Đến nay dịch tả heo châu Phi đã được phát hiện ở 11 xã, thị trấn với hơn 500 con heo mắc bệnh phải tiêu hủy.
Sau khi phát hiện dịch bệnh, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng đã kiểm tra, rà soát và tiêu hủy đàn heo nhiễm bệnh. Đồng thời phun khử trùng tại các địa điểm phát hiện dịch, đặt biển cảnh báo, tránh người dân đưa heo ra khỏi vùng dịch làm lây lan diện rộng.
Ngăn dịch tả heo châu Phi lan rộng
Ngoài huyện Yên Thành, dịch tả heo châu Phi cũng được phát hiện lây lan diện rộng tại huyện Diễn Châu và Quỳ Hợp.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, trên địa bàn Nghệ An trong hơn 9 tháng đầu năm 2023 đã có 64 ổ dịch tả heo châu Phi, 3 ổ dịch cúm gia cầm và 10 ổ dịch dại.
Ông Đặng Văn Minh - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An - cho rằng nguyên nhân khiến mầm bệnh dịch tả heo châu Phi phát tán rộng ở tất cả các địa phương trong tỉnh là do chưa thực hiện tốt công tác khử trùng tiêu diệt mầm bệnh tại các ổ dịch.
Việc kiểm soát vận chuyển heo, sản phẩm từ heo bị buông lỏng, không nghiêm. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (chiếm 88,8% tổng đàn heo toàn tỉnh) nên rất khó áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.
UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành công điện khẩn yêu cầu các dịa phương tập trung mọi nguồn lực triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống, không để dịch lây lan, kéo dài và phát sinh ổ dịch mới.
Đồng thời chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch lây lan rộng, gây ảnh hưởng đến người dân và cộng đồng.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương áp dụng cơ chế nghị định 02/2017 của Chính phủ để hỗ trợ người dân bị thiệt hại kinh tế do bệnh dịch tả heo châu Phi và bệnh viêm da nổi cục, cho đến khi có nghị định mới.