Khi vào Sài Gòn học, tôi bồi hồi khi bạn bè "lục lọi" được ngày sinh, nhớ và tổ chức một buổi sinh nhật ấm cúng ở phòng ký túc xá. Lúc đó tôi rưng rưng, xúc động vì đây là lần đầu tiên được có một sinh nhật với bánh kem với dòng chữ đỏ xinh "Happy birthday to you".
Sinh nhật là dịp đặc biệt nhắc nhớ về sự hiện diện của một con người trên cuộc đời này. Đó là ngày đặc biệt đối với một cá nhân, đôi khi sinh nhật của mình cũng là ngày đặc biệt đối với ai đó - là người thân, người thương của ta.
Họ ghi nhớ, chúc mừng mình ngay từ giây đầu tiên của ngày kỷ niệm mình hiện diện trên cuộc đời, rồi dành cho ta thật nhiều ấm áp trọn hôm đó để ta vui.
Nhớ đến ngày sinh nhật cũng là cách chúng ta tự nhắc nhớ mình vừa thêm một tuổi, đếm con số mỗi năm một tăng và tự hứa, mình cần phải chín chắn, trưởng thành hơn.
Từ ngày sinh nhật đầu tiên thời sinh viên, sau đó tôi lại được có thêm nhiều ngày sinh nhật đáng nhớ khác. Có năm được cùng bạn bè quây quần ở quán cà phê nhỏ, nhận những món quà tự làm, lời chúc viết tay của những người thương quý mà cảm thấy biết ơn vô hạn.
Ai thương quý mình cũng đều mong mình hạnh phúc. Nhớ điều này để mình nỗ lực sống thật hạnh phúc, buông được phiền não nào thì buông thật nhẹ. Mình hạnh phúc thì họ cũng vui, đó là món quà tinh thần quý giá trao nhau.
Sinh nhật tuổi 23, tôi nghe được một chia sẻ thú vị khác của một vị thầy. Thầy nói: "Đa số chúng ta đến ngày sinh nhật chỉ nghĩ, đó là ngày đặc biệt cho mình, của mình mà quên mất, ngày đó cũng là dịp kỷ niệm sự kiện hạnh phúc nhất của ba mẹ mình. Ba mẹ nào nếu đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự ra đời của một đứa trẻ, khi có con cũng hạnh phúc cả. Và quan trọng hơn, đó còn là dịp kỷ niệm ngày mẫu thân nạn".
Rồi thầy giải thích thêm, vì sao gọi ngày sinh nhật của mình đồng thời là ngày mẫu thân nạn. Đó là vì, trước khi sinh mình, mẹ chúng ta đã phải chịu đau đớn của việc thai sản, nguy hiểm khôn lường với những biến chứng trước, trong và sau khi sinh.
Buổi chia sẻ ấy có tôi và một vài bạn nữa, ai cũng im lặng, bồi hồi, chợt thấy mình thiếu sót. Có bạn còn không ngại ngần cảm ơn thầy và nói: "Vậy mà lâu nay con không nghĩ ra điều này, chỉ nghĩ đó là dịp để mình nhận thật nhiều lời chúc và quà tặng thôi. Từ nay, sinh nhật của mình, con sẽ gọi điện cảm ơn mẹ đã chịu đau đớn sinh ra con và dành cho mẹ một món quà tri ân thật ý nghĩa".
Ngày sinh nhật của mình là ngày mẫu thân nạn, ngày mẹ phải đau đớn trên bàn mổ hoặc nhà hộ sinh nào đó. Cho đến khi ta khóc oe oe mẹ mới an lòng.
Tôi vẫn hay hỏi những người bạn của mình - khi làm mẹ, điều đầu tiên bạn làm với con mình là gì. Có người bảo kiểm tra con có vuông tròn, người bảo ngắm con mà quên hết đớn đau... Tình mẫu tử truyền từ sợi nhau rốn đến ý thức bảo vệ, chăm sóc, lắng lo, vui cùng...
Tôi đọc kinh Vu lan Báo hiếu, thấy Phật dạy: "Mẹ già trăm tuổi còn lo con tám mươi". Câu kinh ấy chạm vào lòng mình không chỉ mùa Vu lan mà đến cả dịp sinh nhật mỗi độ tháng 10...
Căn bệnh suy thận mãn tính đã bào mòn sức khỏe khiến mẹ của Hoàng Duy mất khả năng lao động. Thấy mẹ than đau, Duy cũng đau theo.