Đối soát thông tin làm chậm tốc độ thanh toán
Nhiều chủ shop cho biết họ vẫn cần có giải pháp quản lý dòng tiền tốt hơn, an toàn hơn khi sử dụng phương thức thanh toán mã QR.
Tại một cửa hàng, sau khi chuyển tiền khách hàng thường phải chờ một vài phút để được xác nhận đã hoàn tất giao dịch.
"Khi khách chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng, thì bên em thường phải gọi điện cho sếp để kiểm tra tài khoản", chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, nhân viên thu ngân tại nha khoa Dental, chia sẻ.
"Nhân viên sẽ phải gọi điện cho mình để hỏi: Anh ơi khách hàng thanh toán số tiền này anh đã nhận được hay chưa? Tôi sẽ xác nhận và lúc đấy nhân viên sẽ làm phiếu thu cho khách hàng", anh Nguyễn Khắc Kiên, Giám đốc chuỗi nha khoa Dental, cho biết.
Để tránh rủi ro, sau mỗi giao dịch, nhân viên ngoài gọi điện, nhắn tin cho sếp, còn phải chụp lại hình ảnh xác nhận chuyển khoản và đây chính là khâu tốn nhiều thời gian nhất.
Một người dùng thanh toán bằng QR Code tại một siêu thị ở TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: NLĐ)
"Nếu trong trường hợp không xác nhận thì có thể khách hàng sẽ tạo ra hình ảnh chuyển tiền giả để lừa đảo đối với lại nhân viên bán hàng của mình", chủ chuỗi cửa hàng Zone 24 cho hay.
Thủ đoạn giả mạo biên lai thanh toán
Ngoài việc chậm trong quá trình quản lý thanh toán, nếu chủ shop hay nhân viên không cảnh giác thì sẽ còn bị giả mạo giao dịch. Mới đây, cơ quan công an đã bắt giữ được 1 đối tượng và lộ rõ thủ đoạn giả mạo biên lai thanh toán.
Hình ảnh trích xuất camera của một quán làm tóc tại quận Thanh Xuân ghi lại toàn bộ hành vi sử dụng biên lai giả mạo của đối tượng.
Theo lời khai, đối tượng đã tìm kiếm dịch vụ làm giả biên lai chuyển tiền để thực hiện hành vi lừa đảo.
"Hôm đấy vào buổi chiều, khi làm xong thì của em hết 3,1 triệu đồng, em nhờ chủ hàng có tiền mặt thì em chuyển khoản cho. Họ đưa em 4 triệu, tổng là 7,1 triệu đồng", đối tượng làm giả biên lai chuyển khoản khai nhận.
Đối tượng khai nhận, kế hoạch lừa đảo đã được bàn bạc kỹ lưỡng với bên cung cấp dịch vụ làm giả biên lai, thời gian làm giả hình ảnh chuyển khoản trùng khớp để tạo niềm tin cho các nạn nhân.
Thực hiện chót lọt vụ lừa đảo tại quán gội đầu, ngày hôm sau, đối tượng tiếp tục đến một cửa hàng điện thoại hỏi mua 1 chiếc điện thoại di động, trị giá gần 34 triệu đồng. Tuy nhiên tại đây, với thủ đoạn tương tự, hành vi của đối tượng đã bị nghi ngờ khi đưa ra hình ảnh chuyển khoản nhưng tài khoản của cửa hàng không nhận được tiền. Quản lý cửa hàng đã nhanh chóng trình báo cơ quan công an và bắt giữ đối tượng.
"Việc tạo ra những bức ảnh đó không hề khó về mặt kỹ thuật, có thể làm giống 100%. Đấy là lý do vì sao mọi người có thể dễ bị lừa. Tôi nghĩ là với người bán hàng thì tốt nhất là kiểm tra tiền về tài khoản thì mới chuyển hàng, tránh bị lừa đảo", anh Nguyễn Minh Đức, chuyên gia an toàn mạng, CEO Công ty Cổ phần An toàn thông tin CyRadar, nhận định.
Tìm kiếm trên các trang mạng xã hội, các dịch vụ làm biên lai chuyển khoản ngân hàng cũng được quảng cáo công khai, thu hút hàng nghìn lượt tham gia trong các hội nhóm. Các bài đăng cũng quảng cáo có thể làm giả biên lai của đủ các ngân hàng.
Chuyên gia nhấn mạnh, người dùng chỉ nên kiểm tra giao dịch trên ứng dụng ngân hàng đang sử dụng; khi không thấy biến động số dư, tuyệt đối không kích vào đường link, hay gọi điện theo những số điện thoại do các đối tượng lạ cung cấp. Vì đây có thể là những đường link giả mạo để đánh cắp thông tin tài khoản, từ đó chiếm đoạt toàn bộ tiền của người dùng.
Để bảo vệ tài khoản cũng như bảo vệ thông tin khi giao dịch, ông Nguyễn Phước Toàn, Trưởng phòng phát triển sản phẩm Casa và Payroll, VPBank, cho biết: "Bất kỳ một công nghệ hoặc sản phẩm nào cũng sẽ đưa ra cho chúng ta nhiều giải pháp. Tuy nhiên cách chúng ta sử dụng và quản trị giải pháp đó sẽ tùy thuộc vào mức độ sử dụng và quan sát của người dùng. Công nghệ là có, tuy nhiên người dùng phải là người dùng thông minh và thường xuyên sử dụng công nghệ, đưa hoạt động quản trị bằng công nghệ một cách cập nhật nhất".
VTV.vn - Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dùng nên kiểm tra kỹ thông tin của người gửi mã cũng như địa chỉ trang mà các mã QR dẫn tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.22180348092013202-gnohc-hnahn-naot-na-rq-naot-hnaht-pahp-iaig/et-hnik/nv.vtv