Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 24/11 giảm 250.000 đồng/lượng ở chiều mua và không đổi chiều bán so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng 550.000 đồng/lượng chiều mua vào và 450.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện đứng ở mức 71,10 – 71,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng nhẹ 2,8 USD lên 1.992,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và chỉ nhích lên gần 1.995 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,76 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 24/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.927 đồng/USD, tăng 12 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.080 – 24.420 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên gần 37.100 USD thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục nhích lên và lên trên 37.700 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,43 USD (-0,56%), xuống 76,67 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,17 USD (+0,17%), lên 81,56 USD/thùng.
VN-Index đảo chiều tăng điểm
Sau diễn biến ảm đạm của phiên sáng, thị trường tiếp tục bước vào phiên chiều với lực bán gia tăng ồ ạt sau thời điểm 14h đã khiến VN-Index đã giảm tới hơn 15 điểm về dưới 1.075 điểm.
Tuy nhiên, lệnh mua bắt đáy cũng nhanh chóng nhập cuộc và kéo chỉ số lên ngay trên tham chiếu và bất ngờ lại xuất hiện trong đợt khớp lệnh ATC khi lực cầu tăng vọt giúp VN-Index nới thêm đà tăng và đóng cửa tăng hơn 7 điểm.
Phiên cuối tuần đầy kịch tính đã khép lại trong trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng” với mức tăng hơn 7 điểm và thanh khoản khá tốt, đạt gần mức 20.000 tỷ đồng. Dù còn nhiều nghi ngờ nhưng màn “quay xe” ấn tượng đã phần nào giúp nhà đầu tư có được niềm vui nhỏ ngày cuối tuần.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 9 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 409,81 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 24/11: VN-Index tăng 7,12 điểm (+0,65%) lên 1.095,61 điểm; HNX-Index tăng 1,56 điểm (+0,7%) lên 226,1 điểm; UPCoM-Index tăng nhẹ 0,04 điểm (+0,05%) lên 84,99 điểm.
Chứng khoán Mỹ nghỉ giao dịch ngày lễ Tạ ơn.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng, được hỗ trợ bởi đồng yên yếu đi so với đồng USD giúp các ngành xuất khẩu như cổ phiếu ô tô vững chắc.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,52% lên 33.625,53 điểm và tăng 0,12% trong tuần. Nhưng đã tăng gần 9% trong tháng này. Chỉ số Topix tăng 0,54% lên 2.390,94 điểm.
Đồng yên giao dịch ổn định ở mức 149,25 yên/USD, đã thúc đẩy cổ phiếu xuất nhất, với cổ phiếu Toyota Motor Corp, tăng 2,73%.
Cổ phiếu SoftBank Group tăng 0,48%, được thúc đẩy bởi đà tăng hơn 5% tại một trong những cổ phiếu chủ chốt của công ty – công ty thiết kế chip ARM.
Thông tin mới đáng chú ý khác là chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI) đã tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 10, dữ liệu của chính phủ cho thấy hôm thứ Sáu, thấp hơn so với con số 3% dự báo của các nhà kinh tế trong một cuộc thăm dò của Reuters.
Tỷ lệ lạm phát đã dao động trên mục tiêu lạm phát 2% của ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) trong 19 tháng liên tiếp, nhưng BOJ khẳng định áp lực chi phí phần lớn được thúc đẩy bởi giá hàng hóa toàn cầu cao hơn và đồng yên yếu hơn, không phải là dấu hiệu tăng giá bền vững.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi các nhà đầu tư duy trì lập trường thận trọng về sự phục hồi kinh tế chậm chạp của nước này, với dòng vốn nước ngoài chảy ra mạnh cũng khiến suy yếu tâm lý thị trường
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,68% xuống 3.040,97 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,66% xuống 3.538,01 điểm và giảm 0,8% trong tuần.
Giao dịch trầm lắng, nhưng các cổ phiếu nhỏ có tính đầu cơ cao vẫn tăng, với chỉ số phụ, tập trung vào các công ty nhỏ sáng tạo của Trung Quốc, đã tăng 6,5% và tăng 21% trong tuần qua.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 6,2 tỷ nhân dân tệ (859,79 triệu USD) cổ phiếu Trung Quốc, dòng vốn chảy ra trong ngày lớn nhất trong hơn một tháng.
Chứng khoán Hồng Kông giảm khá mạnh do sự suy yếu của nhóm cổ phiếu công nghệ cũng như sự không chắc chắn về đà hồi phục kinh tế trên Đại lục.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,96% xuống 17.559,42 điểm, nhưng vẫn tăng 0,6% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,1% xuống 6.041,15 điểm.
Những gã khổng lồ công nghệ giảm 2,2% với Alibaba Group giảm 1,4%, Tencent mất 2,4% NetEase giảm 3,4%, BYD giảm 5,5%, Meituan giảm 2,8%.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, trong phiên giao dịch khá trầm lắng, ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ lễ của Mỹ.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 18,33 điểm, tương đương 0,73%, xuống 2.496,63 Tính chung cả tuần, chỉ số này tăng 1,5%.
Kết thúc phiên 24/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 173,70 điểm (+0,52%), lên 33.625,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 20,88 điểm (-0,68%), xuống 3.040,97 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 351,42 điểm (-1,98%), xuống 17.559,42 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 18,33 điểm (-0,73%), xuống 2.496,63 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng trông chờ thu ngoài lãi
Tín dụng tăng trưởng chậm, trong khi chi phí huy động vốn với lãi suất cao từ cuối năm 2022 đến hết quý II/2023 vẫn còn, nên các ngân hàng kỳ vọng, nguồn thu ngoài lãi sẽ tiếp tục bù đắp phần nào mảng thu từ lãi suy giảm..>> Chi tiết
- Việt Nam "hụt hơi" trong cuộc đua IPO
Trong hơn 10 tháng đầu năm, có 153 đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên thị trường vốn Đông Nam Á. Tuy nhiên, số tiền IPO huy động được lại ở mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua..>> Chi tiết
- MBS: Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán khoảng 192.000 tỷ đồng
Trong báo cáo thị trường trái phiếu mới phát hành, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng, giá trị phát hành trái phiếu tháng 11 tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên có xu hướng giảm kể từ tháng 9..>> Chi tiết
- Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Kiểm soát sở hữu chéo ngân hàng quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện
Thừa nhận nếu chỉ quy định cá nhân sở hữu không quá 5% vốn điều lệ ngân hàng thì không xử lý được vấn đề sở hữu chéo vì "cổ đông cố tình có thể nhờ người khác đứng tên", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện quy định pháp luật..>> Chi tiết
- Chứng khoán được dự báo sẽ có mức tăng khiêm tốn trong năm 2024
Hầu hết các chỉ số chứng khoán quan trọng trên toàn cầu được dự báo sẽ có mức tăng khiêm tốn trong năm tới..>> Chi tiết