Lần đầu gặt lúa… không khó
5h30 sáng, tiếng gà gáy vang vọng, tiếng bò ọm ò gọi nhau là lúc tất cả du khách ở Homestay Dần Toàn (bản Nà Sàng, huyện Vân Hồ, Sơn La) cùng thức giấc để chuẩn bị cho một trải nghiệm thú vị trên chuyến hành trình rời phố về bản.
Nằm ẩn mình dưới chân núi Pha Luông hùng vĩ, cách thị trấn Mộc Châu khoảng 20km - Nà Sàng là một bản du lịch cộng đồng mới của tỉnh Sơn La, đây cũng là nơi cộng đồng người Thái, người Mường cùng sinh sống.
Chưa được du khách biết đến nhiều nên Nà Sàng vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ, pha chút phiêu lưu bởi những con đường núi lởm chởm.
Khác với buổi sáng thức dậy với những vội vã, chen chúc trên đường đi làm, cả đoàn khách 15 người ai nấy đều thư thái, vui vẻ. Điểm trải nghiệm gặt lúa hôm nay cách homestay khoảng 1km.
Theo chân chị Lò Thị Sen - hướng dẫn viên bản địa - mọi người nối đuôi nhau di chuyển trên con đường đất nhỏ, lô nhô chỗ cao, chỗ thấp sau những ngày mưa. Vừa đi, chị Sen vừa giới thiệu về cảnh đẹp của Nà Sàng.
Ở Nà Sàng, mật độ dân cư không đông, mỗi nếp nhà cách nhau cả mấy chục mét. Giữa những dãy núi, từng thửa ruộng bậc thang với những khoảng vàng vàng, xanh xanh của lúa chín dần hiện thu hút mọi ánh nhìn. Những tiếng "ồ", "wow" liên tục được thốt ra.
Sau đoạn đường cuối men theo bờ ruộng với hương lúa chín thoảng hương, cả đoàn đến với khu ruộng nhà chị Lý.
"Mùa lúa chín ở Nà Sàng bắt đầu từ giữa tháng 9, nhà nào lúa chín trước thì gặt trước. Ở bản, mọi người sẽ đổi công cho nhau thay vì thuê người gặt như dưới xuôi, hôm nay gặt cho nhà này, ngày mai sẽ chuyển sang nhà khác.
Khi gặt mọi người nên úp tay cầm liềm xuống khi cắt lúa để tránh cắt vào tay, tay cầm lúa nắm chắc cách tay cầm liềm khoảng 15cm để đảm bảo an toàn", chị Sen cẩn thận hướng dẫn.
Tiếng cười nói vui vẻ rộn ràng cả khu ruộng. Đối với các du khách từ thành phố đến, gặt lúa là trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ nhưng cũng đầy thú vị.
Lần đầu tiên trải nghiệm gặt lúa cùng bà con trên bản, nhưng chị Đinh Quỳnh Lê (quận Hà Đông, Hà Nội) lại khá quen việc, nhanh tay gặt lúa cùng các bà, các chị.
Đến Việt Nam được 4 năm và cũng từng khám phá nhiều điểm đến đẹp ở Cao Bằng, Yên Bái… anh Samuel (người Mỹ) rất thích không khí và cảnh vật tại Nà Sàng. Điều khiến anh ấn tượng hơn cả là sự thân thiện của người dân địa phương.
Rũ bỏ muộn phiền
Giữa không gian mênh mông với núi đồi lô nhô, với mây trời bồng bềnh phiêu lãng, tâm hồn du khách như rũ bỏ mọi muộn phiền. Đến với Nà Sàng, bạn được đón tiếp như vị khách của cả bản.
Gặt lúa xong, tất cả người gặt lúa trên thửa ruộng trong buổi sáng đó đều được nhà chị Lý mời ăn cơm. Bữa cơm ngày gặt được gia chủ chuẩn bị vội sau khi từ đồng về nhưng vẫn tươm tất. Bữa cơm thay cho lời cảm ơn của chủ nhà đối với những người hộ (người đổi công gặt lúa) trong ngày mùa của mình.
Đi hết từ niềm vui này đến niềm vui kia, bạn Lê Nam (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ mới đầu Nam đến Nà Sàng chỉ qua lời rủ của bạn. Sự tò mò về bản du lịch cộng đồng mới này đã thôi thúc Nam bắt đầu chuyến đi.
"Ở Nà Sàng, mọi người ở bản đều cùng nhau đón khách, không phân biệt khách này nhà ai, việc này khiến mình cảm thấy rất thú vị", Lê Nam bộc bạch.
TTO - Sau hơn một năm rong ruổi, khám phá, Quang Kiên không chỉ chia sẻ những bức hình đẹp về các điểm đến ở Mộc Châu mà anh còn sẵn sàng giải đáp bất cứ thắc mắc nào của du khách về quê nhà, nên anh được gọi với cái tên thú vị "thổ địa Mộc Châu".