Mới đây, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) tổ chức tọa đàm đóng góp ý kiến hồ sơ xây dựng luật Công chứng (sửa đổi) diễn ra tại TP.HCM. Nhiều ý kiến ủng hộ dự thảo về việc chuyển giao chứng thực hợp đồng, giao dịch từ phòng tư pháp UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng. Bởi việc này sẽ giúp người dân tránh được rủi ro trong ký kết hợp đồng, giao dịch.
Theo quy định hiện nay, công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực và tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch (điều 2 luật Công chứng 2014). Công chứng viên phải chịu trách nhiệm về nội dung của hợp đồng, giao dịch, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình, đồng thời phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra.
Còn chứng thực hợp đồng, giao dịch là việc UBND cấp xã chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch (Nghị định số 23 năm 2015 quy định về thẩm quyền chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch).
UBND cấp xã có thẩm quyền: "Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của luật Đất đai. Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của luật Nhà ở" (điều 5 Nghị định số 23).
Theo ông Hoàng Mạnh Thắng (Trưởng phòng Công chứng số 2, TP.HCM), đối với giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất, người dân có thể lựa chọn công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi có nhà đất. Riêng đối với TP.HCM, kể từ giữa năm 2011, việc chứng thực trên (ngoại trừ di chúc) chỉ được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng (quyết định số 31 năm 2011 của UBND TP.HCM).
Còn theo khoản 3 điều 5 luật Công chứng 2014 thì: "Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị tòa án tuyên bố là vô hiệu".
Theo Sở Tư pháp tỉnh Long An, thì hợp đồng, giao dịch được chứng thực sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro so với công chứng. Ngoài ra, trên thực tế không ít trường hợp, tài sản được giao dịch nhiều lần tại cùng thời điểm mà không phát hiện ra, vì cơ sở dữ liệu về công chứng - chứng thực một số nơi chưa có sự liên thông, kết nối.
Đồng tình với quan điểm của Sở Tư pháp tỉnh Long An, ông Thắng cho biết thêm, tại TP.HCM liên quan đến bất động sản thì đã chuyển giao hết cho công chứng thực hiện việc này. Tuy nhiên, ở một số địa phương, hệ thống các tổ chức hành nghề công chứng còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, thì ủy ban cấp xã vẫn còn duy trì việc chứng thực liên quan đến hợp đồng, giao dịch đối với bất động sản.
"Việc tồn tại song song giữa chứng thực và công chứng về bất động sản, dễ dẫn đến việc quản lý không chặt chẽ, khó tránh được một tài sản bị bán cho nhiều người, gây thiệt hại cho người mua ngay tình", ông Thắng nói.
Từ những lý do trên, Sở Tư pháp Long An và ông Thắng thống nhất với điểm e khoản 1 điều 73 của dự thảo luật Công chứng (sửa đổi) về việc giao UBND cấp tỉnh: "Quyết định chuyển giao việc chứng thực hợp đồng, giao dịch từ Phòng Tư pháp, UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng đối với những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng".
Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng dự thảo luật cần quy định rõ hơn là phải thực hiện hay tùy theo tình hình thực tế của địa phương mà UBND quyết định việc chuyển giao theo lộ trình thích hợp. Đồng thời, luật Công chứng cũng phải nên đồng bộ với quy định của các luật khác, đặc biệt là luật Đất đai, luật Nhà ở.