Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á.
Ông đánh giá thế nào về tốc độ tăng trưởng và sự phục hồi kinh tế của Việt Nam trong những tháng gần đây?
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,33% trong quý III/2023, nâng tốc độ tăng trưởng trong 9 tháng lên 4,24%, chỉ bằng một nửa so với mức tăng trưởng 8,8% trong cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn so với mục tiêu 6,5%.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ trong nỗ lực cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô với hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm các biện pháp tài khóa và tiền tệ. Cho đến nay, Chính phủ đi đúng hướng trong điều hành.
Dự báo kinh tế của ADB công bố vào tháng 9/2023 cho thấy, Việt Nam vẫn sẽ dẫn đầu về tăng trưởng so với các quốc gia ở Đông Nam Á, ở mức 5,8% trong năm 2023 và 6% năm 2024.
Dự báo này dựa trên những dấu hiệu ban đầu về sự khởi sắc của ngành dịch vụ và ngành xây dựng. Chúng ta cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp. Tin rằng, một số động lực của nền kinh tế sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng kinh tế 5,8%.
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực giữ tỷ lệ lạm phát ở mức khoảng 4% trong năm nay. Ông có cho rằng, mục tiêu này khả thi?
Các chính sách tiền tệ và tài khóa được Chính phủ áp dụng cho đến nay đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát. Dự báo hiện tại của ADB về lạm phát ở Việt Nam là 3,8% trong năm 2023 và 4% vào năm 2024. Tuy nhiên, sẽ tiếp tục có những thách thức nhất định về mức tăng lãi suất toàn cầu, sự gián đoạn do một số sự kiện địa chính trị và việc thắt chặt tiền tệ ở một số nước.
Nhưng nhìn chung, với sự ổn định của sản xuất nông nghiệp trong nước, trong khi giá dầu và khí đốt dự kiến vẫn ổn định trong những tháng cuối năm, tôi tin rằng, dựa trên tỷ lệ lạm phát thấp của Việt Nam trong nửa đầu năm nay, lạm phát chung cả năm ở mức 3,8% là rất có thể đạt được.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và xa hơn?
Trong khi nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy khả năng phục hồi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, thì triển vọng ngắn hạn đến năm 2024 và xa hơn vẫn phải đối mặt với những rủi ro gia tăng đáng kể đến từ môi trường bên ngoài. Trong bối cảnh này, điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách phải luôn cảnh giác để đảm bảo có phản ứng kịp thời, đồng thời tiếp tục nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế trong nước thông qua các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn và cải cách dài hạn. Như tôi đã nói, Chính phủ Việt Nam đã chủ động thiết kế các chính sách ứng phó theo đúng hướng, cả về các biện pháp tài chính và tiền tệ.
Về động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế năm 2024, tôi cho rằng, ưu tiên lớn nhất cần đặt vào việc tăng cường giải ngân vốn đầu tư công. Theo một số ước tính, có khoảng 30 tỷ USD đầu tư công đã được lên kế hoạch, vì vậy, cần phải thực hiện nỗ lực phối hợp để xúc tiến việc giải ngân hết số tiền này. Điều đó sẽ thúc đẩy nhu cầu trên thị trường, dẫn đến tạo việc làm và thúc đẩy các hoạt động kinh tế tổng thể. Chính phủ có dư địa tài chính lớn để kích thích nền kinh tế thông qua các khoản vay, bởi tỷ lệ nợ công/GDP hiện khoảng 38% so với mục tiêu 60%.
Tôi tin rằng, việc duy trì đà đầu tư công sẽ rất quan trọng, vì đó là điều giúp tăng cường các hoạt động kinh tế, tạo việc làm và tạo điều kiện cho người dân đẩy mạnh tiêu dùng.
Ngoài ra, tôi cũng muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêu dùng. Hiện tại, lạm phát vẫn ở mức thấp và thanh khoản trong dân dồi dào, nên cần kích thích tiêu dùng trong nước để bù đắp tác động tiêu cực do nhu cầu và các hoạt động liên quan đến xuất khẩu chững lại.
Để Việt Nam phát triển bền vững, lâu dài, Chính phủ cần tăng cường nỗ lực cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi xanh, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển khu vực tư nhân, đồng thời phát huy thế mạnh sẵn có của mình là điểm đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp nước ngoài.
Ông có so sánh gì về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới?
Trong Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á được ADB công bố vào tháng 9/2023, dự báo tăng trưởng của khu vực đã được điều chỉnh giảm xuống 4,7% cho năm 2023 và duy trì ở mức 4,8% cho năm 2024.
Nhìn vào triển vọng toàn cầu và khu vực, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại ở hầu hết các nền kinh tế ở Đông Nam Á. Sự giảm tốc này phản ánh tác động tích lũy của lạm phát gia tăng, sự thắt chặt tiền tệ và nhu cầu toàn cầu yếu hơn đối với hàng hóa sản xuất. Việt Nam nằm trong số 7 nền kinh tế trong khu vực có triển vọng kinh tế bị điều chỉnh giảm, cùng với Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore và Đông Timor.
Trong khi đó, dự báo tăng trưởng được giữ nguyên đối với Myanmar và nâng lên đối với Brunei, Indonesia và Thái Lan do triển vọng nhu cầu trong nước sáng sủa hơn.
Nhu cầu trong nước mạnh mẽ và sự phục hồi liên tục của lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch, đã góp phần mang lại triển vọng việc làm và thu nhập tốt hơn, giữ mức tăng trưởng gần với mức trung bình dài hạn của toàn khu vực Đông Nam Á.
Sẽ rất hữu ích nếu nhìn vào các nền kinh tế có định hướng xuất khẩu lớn khác trong khu vực. Các nền kinh tế này cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm nhu cầu bên ngoài. Singapore, Đài Loan, Malaysia và Thái Lan đều bị ảnh hưởng bởi nhu cầu đầu tư giảm, có thể do sản xuất phục vụ xuất khẩu giảm. Ngoài ra, các nền kinh tế có thị trường nội địa lớn như Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia có triển vọng tăng trưởng cao hơn, cho thấy tầm quan trọng của nhu cầu nội địa trong thời gian tới.