Đó là một trong những trăn trở của các bác sĩ. Tại sao lại như vậy?
Bệnh vảy nến là một bệnh mãn tính, phải điều trị lâu dài. Thế nhưng tâm lý bệnh nhân luôn mong muốn được điều trị hết hẳn bệnh. Vì thế khi nghe những lời quảng cáo không đúng sự thật như uống thuốc này, thoa thuốc kia sẽ hết bệnh, bệnh nhân đã nhen nhóm hy vọng có thể khỏi hẳn bệnh.
Đó cũng là lý do tại sao người bệnh vảy nến tìm đến những phương pháp dân gian, cũng như phương pháp truyền miệng hoặc chỉ cần một phương pháp nào đó trên mạng quảng cáo... - bác sĩ Phạm Thị Uyển Nhi, phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Da liễu TP.HCM, thông tin tại Câu lạc bộ Bệnh nhân vảy nến tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Vảy nến thế giới 29-10.
Bác sĩ Uyển Nhi lưu ý vảy nến là một bệnh mãn tính. Đến nay, bệnh này chưa thể chữa khỏi hẳn nhưng có nhiều phương pháp có thể điều trị, giúp làm sạch thương tổn, làm sạch da hoàn toàn, đưa bệnh nhân trở về với cuộc sống.
Ngược lại, nếu người bệnh vảy nến điều trị không đúng cách, có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, vảy nến mủ hoặc viêm khớp vảy nến. Khi đến giai đoạn "trễ", các bác sĩ cũng không thể can thiệp.
Do bệnh vảy nến có những thương tổn lâu dài và đôi khi phơi bày ra ngoài nên ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của người bệnh cũng như cái nhìn của xã hội đối với bệnh nhân, gây mặc cảm tự ti cho bệnh nhân.
Theo những thống kê, bệnh vảy nến đã ảnh hưởng tới bệnh nhân không thua kém gì những căn bệnh ung thư khác. Có thể gây stress, ảnh hưởng tâm lý, gây mặc cảm, tự ti cho bệnh nhân.
Có đến 9/10 bệnh nhân vảy nến sẽ cảm thấy xấu hổ, mặc cảm về tình trạng bệnh của họ. 6/10 bệnh nhân vảy nến đã có những dấu hiệu rối loạn trầm cảm từ nhẹ tới nặng. Và 4/10 bệnh nhân mắc bệnh vảy nến khó tìm được việc làm bởi những ảnh hưởng bởi bệnh gây ra.
Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận nhiều trường hợp đỏ da toàn thân vảy nến do sử dụng các thuốc bôi, thuốc uống mua trên mạng xã hội, làm vảy nến bùng phát, gây đỏ da toàn thân nguy hiểm.