Cuối tháng 10-2023, gia đình ông Trần Văn Đũa, 60 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre, tranh thủ lúc nắng ráo để gom những chậu cúc Hà Lan lại.
Theo ông Đũa, cách đây vài tháng ông xuống giống vài chậu cúc Hà Lan nhưng do ảnh hưởng của thời tiết, khoảng vài trăm chậu bị chết đành phải bỏ. Số còn lại ông đang tiếp tục dưỡng để kịp xuất bán trong dịp Tết sắp tới.
"Năm nay thời tiết mưa nhiều, nhưng đặc biệt là nước mưa độc lắm, không giống như nước mình tưới. Cứ hễ mưa hôm nay là qua ngày sau cây sẽ bị suy, vàng lá rồi chết. Phải xịt thuốc thường xuyên mới giữ được cây", ông Đũa nói.
Không những cúc Hà Lan, cúc mâm xôi cũng trong tình trạng tương tự khi nhiều vườn tại Bến Tre có hiện tượng bị cháy lá từ dưới gốc lên.
Do lo ngại thị trường năm nay tiêu thụ chậm nên nhiều nhà vườn đã cắt giảm sản lượng. Nhưng trước tình hình bị hao hụt như thời gian qua, nhiều nhà vườn lo không đủ hoa để giao cho lái.
Ông Trần Hữu Nghị - phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) - cho biết để giảm bớt rủi ro, tăng hiệu quả, năm nay đơn vị đã phối hợp Trung tâm giống Bến Tre hướng dẫn bà con sản xuất hoa theo quy trình chung vừa được ban hành.
Trên thực tế, những tháng qua mưa nhiều, kết hợp thủy triều lên cao, nhiệt độ ấm nóng, một số vùng sản xuất hoa, cây kiểng tại vùng trũng thấp, mật độ dày nên đã gây ra các loại bệnh.
Trong đó nguyên nhân chủ yếu là do nấm. "Chúng tôi đã khuyến cáo bà con nên phòng và điều trị bằng các loại thuốc trị nấm. Đặc biệt phải vệ sinh ruộng khô thoáng…", ông Nghị cho biết.
Tại Bến Tre, năm nay dự kiến sẽ có khoảng 15 triệu sản phẩm hoa, kiểng giống được tung ra thị trường.
Tỉnh Quảng Trị đã quyết định tặng bằng khen kèm số tiền thưởng 20 triệu đồng cho người tạo ra tượng linh vật mèo duyên dáng nhất, thậm chí còn được gọi là “hoa hậu mèo” của Tết Nguyên đán Quý Mão.