Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án vành đai 2 đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) dài 2,5km với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 4.543 tỉ đồng. Dự án được đề xuất đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách TP.
Trong đó, phần giải phóng mặt bằng cần khoảng 1.956 tỉ đồng do Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức triển khai. Phần xây dựng có tổng mức đầu tư 2.587 tỉ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP làm chủ đầu tư.
Về quy mô, dự án sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch, rộng 67m. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi khi mở rộng đường lên 8 làn xe cơ giới ở giữa và 6 làn xe ở hai đường song hành hai bên.
Ở giai đoạn này, dự án sẽ đầu tư hai đường song hành hai bên. Mỗi đường có bề rộng 16,5m, đáp ứng ba làn xe. Tại giao lộ Phạm Văn Đồng - vành đai 2 được xây dựng nút giao ba tầng.
Dự án được đề xuất triển khai từ năm 2023 - 2027. Cụ thể, quý 4 năm nay sẽ lập và thông qua chủ trương đầu tư. Quý 1 và quý 2-2024 khảo sát, lập, thẩm định phê duyệt nghiên cứu khả thi.
Từ quý 2-2024 đến quý 2-2025 thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; lựa chọn nhà thầu, tư vấn giám sát...
Công trình đặt mục tiêu khởi công vào quý 3-2025 và đưa vào khai thác năm 2027.
Theo quy hoạch 568 hồi năm 2013, vành đai 2 dài khoảng 64km với 6-10 làn xe. Thời gian qua, TP.HCM đã đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn tuyến với tổng chiều dài hơn 50km.
Vành đai 2 là tuyến đường quan trọng của TP, kết nối các khu công nghiệp, đô thị và các tuyến đường trục xuyên tâm nhằm giảm tải cho khu vực nội đô. Vì vậy, việc ưu tiên nguồn vốn để khép kín toàn bộ con đường này nhằm điều phối xe ở khu vực nội thành là vấn đề hết sức cấp bách.
Về tình hình triển khai khép kín 14km còn lại, đối với đoạn 3 từ nút giao Gò Dưa đến Phạm Văn Đồng (khởi công từ năm 2017) hiện đang được TP.HCM tháo gỡ các vướng mắc để chuẩn bị khởi động thi công trở lại.
Còn đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến cầu Phú Hữu được đầu tư công với tổng mức đầu tư 9.300 tỉ đồng, đã được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương vào tháng 9-2023.
Như vậy, nếu đoạn từ Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng được thông qua chủ trương đầu tư, khi hoàn thành sẽ nối thông một dải vành đai 2 dài gần 60km (xem đồ họa).
Riêng với đoạn 4 (đoạn cuối) dài 5,3km từ quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh hiện đang được Sở Giao thông vận tải TP nghiên cứu, xây dựng phương thức và kế hoạch đầu tư cụ thể. Đoạn này sơ bộ có tổng mức đầu tư khoảng 16.417 tỉ đồng.
Nếu không cân đối được vốn đầu tư công, TP.HCM dự kiến sẽ nghiên cứu làm 6km đường vành đai 2 theo cơ chế của nghị quyết 98.