Công cụ giảm lãi suất chỉ có ý nghĩa khi nhu cầu vay vốn cao
Những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì khó tiếp cận vốn ngân hàng. Song hiện tại, tình trạng đã đảo ngược bởi dù các ngân hàng liên tục hạ lãi suất thì doanh nghiệp vẫn không có nhu cầu vay, hoặc khó tiếp cận nguồn vốn.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có hai nhóm nguyên nhân chủ yếu. Có nhóm doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chuẩn vay vốn theo các tiêu chí của ngân hàng, và một nhóm khác không hấp thụ được nguồn vốn trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh khó khăn.
Theo đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra: “Nhóm doanh nghiệp thứ nhất có nhu cầu vốn nhưng không đủ điều kiện vay vốn theo tiêu chí của ngân hàng. Họ mong muốn giảm điều kiện cho vay, nhưng các ngân hàng không thể cho vay dưới chuẩn vì sẽ phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu. Nhóm doanh nghiệp thứ hai có thể đáp ứng tiêu chuẩn vay, nhưng không có đơn đặt hàng, hàng sản xuất ra không bán được, không có nguồn trả nợ, trong khi chi phí vốn, chi phí lãi vay rất cao, nên tạm thời họ chấp nhận tạm dừng sản xuất - kinh doanh”.
Bên cạnh đó, đánh giá về việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, đối với những doanh nghiệp có thể vay vốn, việc giảm lãi suất 1-2% cũng rất tốt. Nhưng đối với doanh nghiệp không thể vay vốn, việc giảm lãi suất không có ý nghĩa.
“Thành ra, công cụ giảm lãi suất chỉ có ý nghĩa khi nhu cầu vay vốn cao. Còn khi nhu cầu vay vốn thấp, công cụ này chỉ có tác động đối với một bộ phận doanh nghiệp, và tác động không nhiều. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước có 4 lần giảm lãi suất điều hành và thúc đẩy các ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay. Hiện lãi suất huy động giảm 3 - 4%, lãi suất cho vay giảm 1 - 2%, tức là mức giảm không tương ứng, lãi suất cho vay vẫn cao”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/10/2023, các ngân hàng thương mại chính thức giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 34% xuống 30% theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản rất quan tâm đến quy định này khi việc cho vay đối với các dự án bất động sản ngày càng thu hẹp lại.
Mặc dù rất hiểu tình hình cần vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp bất động sản, nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thay vì gia hạn thời gian áp dụng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra những chính sách hỗ trợ khác.
Nhanh chóng thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2023, cả nước có 75.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2%; 46.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%. Đồng thời, có 13.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, người dân không chi tiêu mạnh tay, đồng thời có xu hướng gửi tiền tiết kiệm thay vì đầu tư - kinh doanh. Xu hướng này càng làm cho doanh nghiệp khó khăn hơn.
"Tiền không “đổ” vào chứng khoán, ngoại tệ, vàng, bất động sản… mà chủ yếu gửi tiết kiệm ở các ngân hàng, bất chấp lãi suất tiền gửi sụt giảm. Vậy thì kích cầu tiêu dùng, kích thích người dân tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh bằng cách nào?
Vấn đề là chúng ta phải tạo được niềm tin ở các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và những kênh đầu tư trực tiếp khác, nhất là phải vực dậy thị trường bất động sản”
TS. Nguyễn Trí Hiếu
“Tiền không “đổ” vào chứng khoán, ngoại tệ, vàng, bất động sản… mà chủ yếu gửi tiết kiệm ở các ngân hàng, bất chấp lãi suất tiền gửi sụt giảm. Vậy thì kích cầu tiêu dùng, kích thích người dân tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh bằng cách nào?
Vấn đề là chúng ta phải tạo được niềm tin ở các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và những kênh đầu tư trực tiếp khác, nhất là phải vực dậy thị trường bất động sản”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Thông tin thêm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, hiện tỷ lệ Vốn tín dụng/GDP đã lên tới 124%, tức là vốn tín dụng “chảy” trong nền kinh tế đang cao hơn cả GDP, rất rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Chính vì thế, chúng ta cần giảm thiểu vai trò của ngân hàng trong việc cho vay, bằng cách tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các kênh vốn khác. Đơn cử như kênh cổ phiếu, trái phiếu, vay các quỹ đầu tư, đặc biệt chúng ta có thể tận dụng quỹ tín dụng nhân dân để cho doanh nghiệp vay.
Nhưng để thực hiện điều này không dễ vì các thị trường đều đang suy giảm. Vì vậy, rất cần một giải pháp mang tính tổng thể, nhằm cải thiện toàn hệ thống, chứ không một kênh nào, thành phần nào trong nền kinh tế để đủ sức cải thiện việc sử dụng vốn.
Đối với kênh trái phiếu doanh nghiệp, điều quan trọng là phải lấy lại niềm tin, thông qua việc minh bạch thông tin, tiến tới áp dụng xếp hạng tín nhiệm cho tất cả các doanh nghiệp.
Song song với đó, Chính phủ phải có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đang có nhu cầu vay vốn nhưng không thể vay được, khi không có tài sản bảo đảm, và báo cáo thuế, báo cáo tài chính chưa đủ độ tin cậy.
“Trong khi các ngân hàng thương mại rất khó hạ chuẩn cho vay, tôi nghĩ Chính phủ nên có những chương trình cho vay đặc biệt, không cần tài sản thế chấp, thủ tục nhanh gọn, để giúp người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn hiệu quả hơn. Việc này ngân hàng chính sách và các quỹ tín dụng có thể làm được.
Ngoài ra, thời gian tới, chúng ta phải thành lập một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia với số vốn điều lệ rất lớn để có thể hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đã “gõ cửa” ngân hàng nhưng không vay được, tương tự như quỹ bảo hiểm. Những giải pháp này cần nhanh chóng thực hiện trong năm 2024 mới hy vọng tình hình khó khăn của các doanh nghiệp được xoay chuyển và cải thiện”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Chuyên gia đánh giá, tình trạng doanh nghiệp giải thể, phá sản sẽ tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế và việc này vẫn còn tiếp tục diễn ra trong những tháng cuối năm. Nhưng dù sao, nếu có những giải pháp quyết liệt để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, thì tình trạng này sẽ giảm đi và gia tăng cơ hội phục hồi cho doanh nghiệp.
Xem thêm: lmth.68332000042210202-teib-cad-yav-ohc-hnirt-gnouhc-oc-nen-uhp-hnihc/nv.semitaer