"Diễn đàn khoa học quốc tế các vấn đề kinh tế toàn cầu" (VSGE 2023) đang diễn ra tại đại học Ngân hàng TP.HCM, kéo dài đến hết chiều 31-10.
Việt Nam và nhiều nước đối mặt thách thức giữ và thu hút người tài
Chia sẻ tại diễn đàn, TS Đỗ Quý Toàn - đồng giám đốc, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) - cho biết theo nghiên cứu của ông cùng cộng sự, di cư đang là một thách thức của sự phát triển nền kinh tế.
Trên thế giới có khoảng 184 triệu người di cư, tương đương 2,3% dân số. Gần một nửa trong số đó sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Hiện nay thế giới đang phải vật lộn để đối phó tình trạng mất cân bằng kinh tế toàn cầu, xu hướng phân tán nhân khẩu học, kèm theo biến đổi khí hậu. Những diễn biến này khiến hoạt động di cư sẽ trở thành một việc cần thiết trong những thập kỷ tới đối với các quốc gia, áp với mọi mức thu nhập (thấp, trung bình hay cao).
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới khẳng định thị trường lao động mang tính chất toàn cầu, đặc biệt với những người có trình độ đại học trở lên.
"Việt Nam cũng phải đối mặt với vấn đề là làm thế nào để giữ và thu hút được những người tài và sáng giá bậc nhất trong ngôi nhà của mình", TS Toàn cho hay.
Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam và các nước trên thế giới phải cạnh tranh với nhau. Hoạt động này không chỉ diễn ra với những nước phát triển như Úc, các nước trong khu vực như Hàn Quốc, mà còn gần hơn là Campuchia...
Tạo cơ hội thêm cho người tài làm việc
"Nếu được quản lý tốt, di cư là động lực mang lại sự thịnh vượng, giúp đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc", TS Đỗ Quý Toàn khẳng định.
Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho biết, hoạt động di cư mang đến những lợi ích không nhỏ cho các quốc gia. Chính nguồn nhân sự chất lượng cao sẽ giúp các lĩnh vực y tế, giáo dục... phát triển hơn.
Bên cạnh đó, họ cũng gửi tiền về nước dưới dạng kiều hối, hỗ trợ tài chính cho người thân trong gia đình, có điều kiện tốt hơn để chăm sóc người cao tuổi.
Cũng như nhiều nước khác, Việt Nam cần số lượng lớn người lao động có trình độ cao. Chẳng hạn chúng ta không đơn thuần cần một bác sĩ giỏi, mà cần thêm cả y tá giỏi, người quản lý bệnh viện giỏi… Do đó, phải nỗ lực tạo điều kiện tốt, mở ra cơ hội làm việc không chỉ cho một người lao động mà còn cho rất nhiều người.
TS Đỗ Quý Toàn đưa thêm một số khuyến nghị để giữ và thu hút người tài, quản lý tốt việc di cư. Cụ thể, quốc gia là điểm đến không nên để những tranh cãi về văn hóa và xã hội làm lu mờ lợi ích của hoạt động di cư. Nước xuất xứ của người di cư cũng nên tích cực quản lý hoạt động này, vì lợi ích phát triển. Cần chia sẻ chi phí và giảm sự khác biệt đối với những người di cư bị yếu sự kết nối. Hợp tác quốc tế mạnh mẽ cũng là điều cần thiết để hỗ trợ người dân.
Kiều hối là nguồn lực vàng phát triển kinh tế
Kiều hối đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, với sự tăng trưởng đầy ấn tượng những năm gần đây.
Chỉ riêng TP.HCM trong ba quý của năm 2023, kiều hối chuyển về đạt hơn 6,6 tỉ USD, tăng 40% so với cùng kỳ trước, vượt mức của cả năm ngoái.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - chia sẻ kiều hối tiếp tục là nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và TP nói riêng.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, nguồn kiều hối về Việt Nam dự kiến đạt 14 tỉ USD trong năm nay và 14,4 tỉ USD vào năm 2024.
Dự kiến, kỳ họp thứ 6 khai mạc vào tuần tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến về lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Điều này được mong chờ từ lâu, không thể trì hoãn thêm.