Cập nhật các thông tin đầu vào ảnh hưởng đến giá thành sản xuất điện năm 2023 của ngành điện mới đây cho thấy biến động giá nhiên liệu vẫn tác động lớn đến giá thành.
Cụ thể, giá nhiên liệu các tháng vừa qua của năm 2023 mặc dù có giảm so với năm 2022, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với các năm 2020-2021. Giá than nhập NewC tăng 2,97 lần so với năm 2020, tăng 1,30 lần so với năm 2021; giá dầu HSFO tăng 1,86 lần so với năm 2020 và tăng 1,13 lần so với năm 2021.
Các thông số đầu vào của giá điện mặc dù đã giảm so với năm 2022 nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao so với các năm trước đây. Bao gồm các thông số đầu vào cho các nhà máy điện sử dụng than nhập, than pha trộn, các nhà máy điện tua bin khí.
Giá than nhập khẩu NewC Index dự kiến năm 2023 tăng 186% so với 2020 và 25% so với năm 2021. Than pha trộn TKV cũng tăng từ 29,6% đến 46,0%. Than từ Tổng công ty Đông Bắc tăng từ 40,6% đến 49,8% so với năm 2021.
Ngoài ra, giá dầu thô brent dự kiến tăng 86% so với mức bình quân năm 2020 và tăng 13% so với năm 2021.
Giá khí Nam Côn Sơn (Lô 06.1, có giá khí tại mỏ ~ 3 USD/triệu BTU), do suy giảm sản lượng mạnh nên các nhà máy nhiệt điện khí (gồm Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 2.1 mở rộng, Phú Mỹ 4, Nhơn Trạch 1&2 và Bà Rịa) tiếp nhận nhiều khí Hải Thạch - Mộc Tinh, Sao Vàng - Đại Nguyệt và khí Đại Hùng, Thiên Ưng có giá cao, đặc biệt khí Thiên Ưng, Sao Vàng - Đại Nguyệt có giá rất cao.
Chưa kể, tỉ giá ngoại tệ cũng tăng mạnh, bình quân năm 2023 dự kiến tăng 4% so với năm 2021. Giá nhiên liệu tăng cao làm cho giá thành các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí tăng rất cao, trong khi các nguồn điện này chiếm tỉ trọng lớn, lên tới 55% khi phải huy động nguồn cao để bù đắp nguồn thủy điện thiếu hụt.
Thêm nữa, nhiều nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp được đưa vào vận hành từ tháng 6-2023 với 21 nhà máy (công suất 1.201,42MW). Sản lượng điện của các nhà máy điện năng lượng tái tạo trong phương án giá bán lẻ điện bình quân cập nhật quý 3 cũng tăng so với phương án giá điện cơ sở.
Trong khi đó, giá thành khâu phát điện chiếm tỉ trọng tới 82,8% trong tổng giá thành sản xuất kinh doanh điện. Vì vậy khi giá thành khâu phát điện có biến động sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất điện nói chung.
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá thành sản xuất điện năm 2023 được ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh.
Như vậy, mặc dù giá bán lẻ điện đã được điều chỉnh tăng 3% từ ngày 4-5, doanh thu của EVN năm 2023 tăng thêm khoảng 8.000 tỉ đồng nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần khó khăn về tài chính và EVN vẫn phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cân bằng tài chính.
Ước tính cả năm 2023, sản lượng phát thực tế của các loại hình nguồn điện so với phương án kế hoạch 2023 đã được Bộ Công Thương duyệt như sau: thủy điện giảm khoảng 13,9 tỉ kWh, nhiệt điện than tăng khoảng 9,3 tỉ kWh, nhiệt điện dầu tăng khoảng 1,2 tỉ kWh và năng lượng tái tạo tăng 1,3 tỉ kWh.
So sánh với thực tế đã thực hiện năm 2022 thì sản lượng thủy điện giảm 22,5 tỉ kWh, nhiệt điện than tăng 28,2 tỉ kWh, nhiệt điện dầu tăng 1,2 tỉ kWh và năng lượng tái tạo tăng 2,8 tỉ kWh.
Thông tin từ Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cơ cấu nguồn điện Việt Nam đã có sự thay đổi lớn khi EVN chỉ còn nắm giữ khoảng 37% nguồn điện (gồm trực tiếp và gián tiếp).