vĐồng tin tức tài chính 365

Bộ GD&ĐT: Chương trình mới không nặng như phản ánh

2020-10-01 07:05

Chiều 30-9, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo thường kỳ quý III năm 2020. Tại cuộc họp, ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT, đã cung cấp những thông tin xung quanh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, sách giáo khoa cùng những nội dung về chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình lớp 1 mới khá nặng?

Liên quan đến phản ánh từ nhiều phụ huynh quanh vấn đề chương trình lớp 1 mới được đánh giá nặng hơn so với chương trình cũ, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, đã có những giải thích cụ thể về nội dung này.

Theo ông Tài, đến nay Bộ GD&ĐT chưa nhận được phản ánh chính thức nào từ các giáo viên, cơ sở giáo dục hay các nhà khoa học về việc này. “Nhưng qua các diễn đàn, tôi đọc được những phản ánh và chúng tôi muốn thống nhất cách hiểu về một chương trình mới vừa triển khai được một tháng.

Cá nhân tôi cho rằng hiện đang triển khai chương trình, có quy định chuẩn đầu ra cho từng môn học khi kết thúc năm học. Khi ban hành khung chương trình đã tổ chức rất nhiều công đoạn, như thực nghiệm, lấy ý kiến, đã được hội đồng quốc gia thống nhất… Do vậy, chỉ một số nhận định ban đầu từ phụ huynh như vậy là chưa có căn cứ xác đáng” - ông Tài nói.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cũng cho rằng chương trình GDPT mới có điểm hay đó là được điều chỉnh chương trình trong quá trình thực tế, như vậy nếu cần thiết có thể đánh giá, tổng kết để điều chỉnh kịp thời, độ mở của chương trình là rất cao.

“Vì chương trình có độ mở, linh hoạt trong quá trình điều chỉnh nên nhận định chương trình nặng là chưa đủ căn cứ và chưa đủ bằng chứng. Có thể phụ huynh nhìn vào số lượng tiết học mà cho rằng nặng, phụ huynh đang tiếp cận từ hướng khác” - ông Tài kết luận.

Bộ GD&ĐT: Chương trình học mới không nặng như phản ánh - ảnh 1
Ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT, thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: THẾ ĐẠI

Điểm sàn năm nay cao hơn năm ngoái

Theo thống kê, tỉ lệ tốt nghiệp chung của cả nước là 98,3%, (trong đó, tỉ lệ đối với THPT là 98,9%, đối với giáo dục thường xuyên là 92,5%); tỉ lệ có sự khác biệt giữa các địa phương, vùng miền.

Năm 2020, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ là 642.945, giảm 1,46% so với năm 2019. Tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển là 2.494.210, giảm 3,14% so với năm 2019. Cập nhật đến hết ngày 27-9, có tổng số 275.530 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, tỉ lệ điều chỉnh đạt 42,49%.

Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2, Bộ GD&ĐT đã xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với một số ngành đào tạo đặc thù. Ở nhóm ngành đào tạo giáo viên, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ 16,5 đến 18,5 điểm 9 tăng 0,5 điểm so với năm 2019). Ở nhóm đào tạo ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ 19-22 điểm 9 (tăng 1 điểm so với năm 2019).

Bộ GD&ĐT cho biết cơ bản điểm sàn năm nay cao hơn năm ngoái.

Phương án tổ chức kỳ thi THPT 2021-2025 giữ ổn định

Nhìn lại sáu năm đổi mới kỳ thi THPT (2015-2020) cho thấy việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và tốt nghiệp THPT đã khắc phục rõ rệt tình trạng học tủ, học lệch diễn ra trong nhiều năm học, thực hiện đúng phương châm học gì thi nấy, yêu cầu học sinh phải học toàn diện.

Đồng thời, công tác tổ chức thi gọn nhẹ hơn, thí sinh chỉ phải dự thi một lần, ngay tại địa phương, giảm áp lực, giảm tốn kém cho gia đình, học sinh và xã hội.

Bộ GD&ĐT cũng đánh giá các hình thức tuyển sinh ĐH, CĐ được đa dạng hóa, các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ có sự chuyển biến tích cực trong tự chủ tuyển sinh, trong đó ngày càng sử dụng nhiều hơn các phương thức xét tuyển theo tiếp cận quốc tế.

Từ kết quả của giai đoạn 2015-2020, định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025 được xác định cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2020, chỉ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi cho phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng để sớm công bố phương án thi và tuyển sinh giai đoạn 2021-2025, trên quan điểm phân định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT và trách nhiệm triển khai cụ thể của địa phương, cơ sở giáo dục đối với các kỳ thi và tuyển sinh.

Trong đó, tăng cường tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH trong tuyển sinh; đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh; có sự giám sát mạnh mẽ của xã hội; từng bước tiếp cận xu hướng tuyển sinh của các nước tiên tiến về giáo dục trên thế giới. Vừa qua bộ đã báo cáo Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, nhận được sự đồng thuận rất cao của các thành viên hội đồng. Bộ đang hoàn chỉnh để báo cáo Chính phủ thông qua.

Tự chủ ĐH không chỉ thực hiện theo Luật số 34

Tại cuộc họp báo, phóng viên đề nghị lãnh đạo bộ đánh giá về mô hình tự chủ của ĐH Tôn Đức Thắng, đồng thời giải thích rõ hơn về vai trò của cơ quan chủ quản đối với trường ĐH thực hiện tự chủ? Phóng viên cũng đề nghị lãnh đạo bộ cho biết việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đình chỉ công tác 90 ngày đối với ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, có đúng luật không? Bởi theo Nghị định 99, việc quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng hay bãi nhiệm là do hội đồng trường.

Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), cho hay, “vụ việc đang trong quá trình giải quyết nên chúng tôi báo cáo trực tiếp với Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ và cơ quan của Đảng”.

Trả lời thêm sau đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho hay trong 23 trường thực hiện thí điểm về tự chủ ĐH giai đoạn 2014-2017 có trường ĐH Tôn Đức Thắng và mang lại kết quả tích cực. Trường ĐH Tôn Đức Thắng hiện không chỉ thực hiện theo Luật Giáo dục ĐH (Luật số 34) mà phải vận dụng tất cả luật khác và với cán bộ, đảng viên thì phải áp dụng quy định của Đảng. 

Xem thêm: lmth.642149-hna-nahp-uhn-gnan-gnohk-iom-hnirt-gnouhc-tddg-ob/cud-oaig/ioh-ax/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bộ GD&ĐT: Chương trình mới không nặng như phản ánh”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools