vĐồng tin tức tài chính 365

Việt Nam có thể lập kỳ tích tăng trưởng GDP

2020-10-01 08:55

Tăng trưởng kinh tế quý III và 9 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam dù ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua (quý III tăng 2,62%, 9 tháng tăng 2,12%), nhưng Tổng cục Thống kê đánh giá đây vẫn là thành công lớn. Các chuyên gia kinh tế thì nhấn mạnh rằng, nếu việc kiểm soát dịch bệnh tốt như hiện nay, kỳ vọng mức tăng trưởng GDP còn cao hơn và kinh tế Việt Nam có thể lập kỳ tích thế giới, bởi hầu hết các nước trên thế giới đều có mức tăng trưởng âm trong bối cảnh chịu tác động nặng nề dịch COVID - 19.

Nhiều khu vực kinh tế khởi sắc

Theo dữ liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tăng trưởng kinh tế cả nước trong quý III/2020 ước tính đạt 2,62%, cao hơn nhiều mức tăng 0,39% của quý II và nhờ đó giúp GDP cả nước trong 9 tháng đạt mức tăng 2,12%. Dù là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực và ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận đây vẫn là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo đó, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng dương cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, của Chính phủ cùng với sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Đáng chú ý trong 3 tháng qua, các khu vực kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn quý II và là động lực cho tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng dương 2,93%, công nghiệp và xây dựng tăng 2,95% và dịch vụ tăng 2,75%. Tính chung 9 tháng đầu năm, các khu vực kinh tế tăng lần lượt 1,84%, 3,08% và 1,37%. Với mức tăng trưởng cao, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò bệ đỡ của nền kinh tế đồng thời duy trì đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu an sinh, an dân trong bối cảnh đại dịch.

Một điểm sáng đang chú ý khác là dù khu vực dịch vụ cũng tăng thấp nhất nhiều năm do các ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch nhưng cũng có nhiều lĩnh vực duy trì tăng trưởng dương cao như bán buôn và bán lẻ tăng gần 5% hay hoạt động tài chính - ngân hàng - bảo hiểm tăng 6,68%.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng dự báo kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Do đó trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đồng thời tiếp tục đưa ra gói hỗ trợ đủ lớn và hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, trong đó tập trung vào đối tượng doanh nghiệp, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời.

Bên cạnh đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân cao thông qua các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Coi trọng nguồn nhân lực

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua do nhiều yếu tố. Yếu tố cơ bản và quan trọng nhất vẫn là kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 rất tốt.

Ngoài vấn đề kiểm soát được dịch bệnh, việc đóng góp của nông nghiệp là tương đối. Theo phân tích của TS Doanh, nông nghiệp của chúng ta thời gian qua được mùa, tiếp tục đóng góp vào xuất khẩu. Trong khi những thị trường lớn như Trung Quốc lại mất mùa. Đây là cơ hội lớn để chúng ta xuất khẩu nông sản.

“Chúng ta vừa được mùa lại được giá nên phần nào đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước” - TS Doanh nói. Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam giữ được ổn định, việc thu hút được đầu tư nước ngoài cũng tăng cao. Đặc biệt, một số doanh nghiệp đã rút khỏi Trung Quốc để đầu tư sang Việt Nam là điều mà làm cho nền kinh tế tăng trưởng.

Một yếu tố quan trọng góp phần cho tăng trưởng nền kinh tế thời gian qua theo TS Doanh đó là các doanh nghiệp trong nước. Qua đại dịch COVID-19 chúng ta thấy sự quan trọng và phát huy được thế mạnh về nội lực trong nước.

Thứ hai, năng lực cạnh tranh của Việt Nam cần phải được nâng cao lên. Trong đó, TS Doanh lưu ý là kết cấu hạ tầng, Logistics, chất lượng của nguồn nhân lực. “Từ trước đến nay, chúng ta thường ca ngợi rằng Việt Nam là có lợi thế về nguồn nhân lực, nhưng lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, rẻ đã giảm bớt. Bởi vì trẻ và rẻ chỉ vận dụng cho các ngành dệt may, da giày…Hiện nay tỉ trọng những ngành này đã giảm đi rất nhiều. Chính vì vậy tới đây Việt Nam phải cải tiến chất lượng Logistics, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, TS Doanh nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thành công lớn nhất là 2 lần kiểm soát được dịch bệnh, trong quy III và quý IV nếu tình hình này được duy trì kinh tế sẽ tăng trưởng ổn định lại và dự kiến tăng nhanh trong năm tới. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng thành công như vậy nhưng chung ta cũng không nên lơ là trước đại dịch.

Theo ông Long, so với các nước thì chúng ta dương. Tuy nhiên, bên cạnh số lượng thì chúng ta cần phải chú trọng chất lượng. “Chất lượng là chỉ tiêu nâng cao tầm vóc của một nền kinh tế. Nên nếu chạy đua số lượng mà bỏ qua chất lượng thì nền kinh tế đi xuống”, ông Long nói và nhấn mạnh rằng từ nay đến cuối năm các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch năm nên có thể GDP tăng lên đến 3%.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam, dưới tác động của đại dịch COVID-19, tất cả các nền kinh tế toàn cầu đều chịu tác động kép từ phía cung và phía cầu, trong đó nhiều nước bị suy thoái về kinh tế và tăng trưởng âm trong 2 quý đầu năm 2020. Trong khi đó, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong các nước vẫn tăng trưởng dương (trong quý I/2020 là 3,8%, quý II là 0,4%). Nhiều khả năng Việt Nam là nền kinh tế duy nhất tăng trưởng dương trong năm 2020. Cũng theo ông Thành, trong năm 2020, nếu giải ngân vốn đầu tư công đạt 90%, đầu tư khu vực Nhà nước sẽ tăng 12%, tổng đầu tư tích lũy tài sản sẽ tăng 4%, GDP tăng 2,5%. Nếu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%, đầu tư khu vực Nhà nước sẽ tăng 16,5%, tổng đầu tư tích lũy tài sản sẽ tăng 5,3% và GDP sẽ tăng 2,9%. Cao Nguyên

Việt Nam duy trì dòng vốn đầu tư FDI trong bối cảnh suy giảm toàn cầu

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, đến nay Việt Nam vẫn kiềm chế, kiểm soát được dịch COVID-19 và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao với mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng GDP dương trong đó vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 11,35 tỉ USD, bằng 94,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là những thành tựu rất đáng tự hào của Việt Nam trong bối cảnh suy giảm mạnh trên toàn cầu do cú sốc COVID-19.

Tuy nhiên cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự báo Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ trong thời gian tới. Trong đó ngoài những thách thức do dịch COVID-19 và triển vọng phục hồi kinh tế thế giới sẽ diễn ra chậm, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những hạn chế, yếu kém nội tại của một nền kinh tế đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn, lao động giá rẻ và khu vực đầu tư nước ngoài. Do đó, trong trung và dài hạn, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia khác, giải quyết các thách thức môi trường, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là những nhiệm vụ phát triển lớn đặt ra cho Việt Nam. Trong ngắn hạn, vấn đề đặt ra là cần nhanh chóng phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tận dụng hiệu quả các cơ hội phát triển xuất hiện từ khi xảy ra đại dịch COVID-19. N.Văn

Xem thêm: odl.207048-pdg-gnourt-gnat-hcit-yk-pal-eht-oc-man-teiv/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Việt Nam có thể lập kỳ tích tăng trưởng GDP”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools