Chi tiền hoa hồng, chiết khấu tới 65% giá trị sản phẩm sữa: Dấu hiệu của kinh doanh đa cấp biến tướng, Không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản; Lùm xùm giá nước Nhà máy nước mặt Sông Đuống: Hà Nội có “ưu ái” thái quá cho doanh nghiệp?... là những tin tức kinh tế đáng chú ý 24h qua.
Chi tiền hoa hồng, chiết khấu tới 65% giá trị sản phẩm sữa: Dấu hiệu của kinh doanh đa cấp biến tướng
Trên thị trường đang xuất hiện các loại sữa gắn nhãn hiệu của Công ty cổ phần đầu tư quốc tế NCT3 (địa chỉ số 18, ngõ 11 Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội). Nhiều đại lý của Cty NCT3 giới thiệu đây là “sữa y tế, được bác sĩ khuyên dùng” và bán với giá từ vài trăm nghìn tới hơn 1 triệu đồng/hộp. Thực chất, các sản phẩm của Cty NCT3 phân phối ra thị trường đội giá cao là bởi công ty này trả hoa hồng kiểu đa cấp cho các đại lý, nhà phân phối.
Nhìn vào hệ thống bán hàng và trả thưởng trên, luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định, đã thỏa mãn 2 dấu hiệu của kinh doanh theo hình thức đa cấp. Đó là: Sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh và người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới. Xem thêm...
Không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu, làm tốt công tác dự báo cung - cầu, nắm chắc tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu, tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản. Xem thêm...
Lùm xùm giá nước Nhà máy nước mặt Sông Đuống: Hà Nội có “ưu ái” thái quá cho doanh nghiệp?
Cùng là những doanh nghiệp sản xuất nước sạch bán buôn lớn nhất cho Hà Nội nhưng giá nước sạch tối đa mà lãnh đạo TP.Hà Nội giai đoạn 2016 - 2019 tạm tính cho Nhà máy Nước mặt Sông Đuống gấp tới hơn 200% giá bán thực tế của Nhà máy nước Sông Đà. Thậm chí các lãnh đạo sở chức năng của Hà Nội từng đề xuất dùng ngân sách thanh toán cả chi phí lãi vay mà doanh nghiệp phải trả ngân hàng.
Ngoài những dấu hỏi quanh việc Nhà máy Nước mặt Sông Đuống (nhà máy Sông Đuống) có phá vỡ Quy hoạch cấp nước Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, giá nước sạch tối đa cao chót vót mà TP.Hà Nội áp dụng cho doanh nghiệp vào năm 2017 cũng như đề xuất dùng ngân sách Nhà nước cấp bù cho nhà máy tới gần 200 tỉ đồng chỉ riêng trong năm 2019 cũng là những nội dung gây rất nhiều ồn ào trong dư luận thời gian qua, và đặt ra câu hỏi có hay không sự “ưu ái” thái quá mà lãnh đạo TP.Hà Nội những năm trước đây từng dành cho Nhà máy Sông Đuống. Xem thêm...
Công ty Nước mặt Sông Đuống làm ăn ra sao sau khi vận hành chính thức?
Sau khi được khánh thành ngày 5.9.2019 và được lãnh đạo UBND TP Hà Nội nhấn nút phát nước giai đoạn 1 ngày 13.10.2019, Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống đã ghi nhận hơn 228 tỉ đồng doanh thu trong năm 2019.
Hồi cuối năm ngoái, dư luận hoài nghi về việc giá nước của Công ty Nước mặt Sông Đuống cao gần gấp đôi các công ty cấp nước khác trên địa bàn thủ đô. Tại thời điểm đó, giải thích về giá nước, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội - ông Nguyễn Việt Hà cho biết ước tính chi phí lãi vay của dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống chiếm khoảng 20% giá thành nước, tương đương 2.103 đồng/m3; chi phí khấu hao rơi vào khoảng 2.100 đồng/m3... Xem thêm...