May có dư luận quan tâm, đàn bò tót lai quý hiếm bị bỏ đói ở Ninh Thuận dường như sẽ được cứu. Nghiệm thu xong đề án tiêu tiền nhà nước, các kỹ sư chủ trì thuộc Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Lâm Đồng có vẻ đã quên mất đàn bò.
Nguồn gien quý hiếm gầy trơ xương chờ chết. Sự cố này, thêm một lần nữa, cảnh báo về hiệu quả của việc chi tiêu tiền công và trách nhiệm của công chức nước ta.
Với quy mô khoảng 3 tỉ đồng, đề án nguồn gien bò quý hiếm nêu trên thực ra rất nhỏ bé so với hàng ngàn tỉ đồng chi cho nghiên cứu khoa học ở nước ta.
Điều đáng nói khi lập ra dự án ấy, người ta nên đặt vấn đề với Nhà nước có nên trực tiếp tham gia duy trì, khai thác, phát triển nguồn gien bò lai, hay trao lại quyền ấy cho tư nhân, doanh nghiệp. Nếu thấy có lợi, tư nhân tự khắc sẽ đầu tư.
Trong thị trường ham của ngon vật lạ nước ta, sự xuất hiện của bò tót lai chắc rằng thừa sức hấp dẫn các nhà đầu tư, họ có thể làm nhiều cách không chỉ duy trì, phát triển nguồn gien quý mà còn có thể thương mại hóa. Điều mà thị trường tự vận hành tốt thì không cần tới bàn tay Nhà nước.
Kế đến, thôi thì đã trót lập ra đề án, nghiệm thu đúng quy trình cả rồi, được phần của mình thì nhóm công chức, kỹ sư chủ trì đề án cũng phải nghĩ tới xã hội, tới người khác, và ứng xử nhân văn với đàn bò, những sinh linh đã giúp làm đối tượng cho nghiên cứu của mình. Chí ít là đừng lãng quên, bỏ đói, hành xác chúng.
Từ vụ việc này suy rộng ra, nếu không truy được trách nhiệm rõ ràng, ai có cơ hội cũng lập nên những đề án đại loại như trên.
Chi hàng ngàn tỉ đồng cho nghiên cứu khoa học mỗi năm, song nước ta chưa thể ghi danh vào hàng các quốc gia có sáng chế, phát minh; chưa có doanh nghiệp làm giàu bởi sáng tạo, trí tuệ và năng lực tự đổi mới.
Đây chính là một nguyên nhân dẫn tới nền kinh tế nước ta thâm dụng vốn, càng đầu tư phát triển thì nợ công càng tăng. Hiệu quả sử dụng trên từng đồng vốn nhà nước rất thấp, tham nhũng hiển nhiên đeo bám theo đầu tư công, và bởi vậy khoảng cách giàu nghèo giãn rộng ra rất nhanh.
Con bò tót bỏ đàn, hữu duyên, tạo ra vô số con lai với bò nhà, ấy là gien quý, vốn quý. Nước ta đã từng có và vẫn còn có nhiều vốn quý như thế. Song những nguồn vốn ấy có giúp làm giàu cho người dân và quốc gia hay không, tùy thuộc rất nhiều vào năng lực và đạo đức của những người làm việc trong chính quyền.
Đàn bò lai quý hiếm, bị bỏ đói, suy kiệt, suýt chết thêm một lần nữa nhắc nhở rằng Nhà nước chỉ nên làm đúng việc và không ngần ngại học hỏi khu vực tư nhân để tạo ra sức ép, buộc mọi công chức phải có trách nhiệm với từng sản phẩm của mình.
TTO - Chiều 30-9, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký quyết định về việc chuyển giao 10 con bò tót lai bò nhà (F1) và 1 con bò tót lai (F2) cho Vườn quốc gia Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận) chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo tồn, khai thác trong tháng 10-2020.
Xem thêm: mth.19113818010010202-hcas-nagn-neit-av-ial-tot-ob-nad/nv.ertiout