vĐồng tin tức tài chính 365

Quy mô, năng lực tài chính, quản trị, tính minh bạch trong hoạt động của các tổ chức tín dụng được nâng cao

2020-10-01 10:01

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết, các giải pháp đồng bộ tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 1058/QĐ-TTg đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Quốc hội và Chính phủ, tạo niềm tin đối với hệ thống các TCTD nói riêng và của cả xã hội nói chung.

Đến nay, về cơ bản: Sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững, các TCTD bảo đảm các tỷ lệ, giới hạn an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật; Các TCTD đã tập trung xây dựng, tích cực triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 để phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra; Chất lượng tín dụng của các TCTD được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát dưới mức 2%; Quy mô, năng lực tài chính, năng lực quản trị, tính minh bạch trong hoạt động của các TCTD được nâng cao, mở rộng, phù hợp với thông lệ quốc tế; Công tác thanh tra, giám sát được tăng cường, nâng cao kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ và lĩnh vực ngân hàng, góp phần ổn định, bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ…

Hành lang pháp lý được thiết lập

Phát biểu tại Diễn đàn Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, Nghị quyết 42 là văn bản có giá trị pháp lý rất quan trọng, khi lần đầu tiên các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành Ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi nhằm đảm bảo quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Cùng với đó, Quyết định 1058 tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm từ thực tế triển khai tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm đổi mới mạnh mẽ và toàn diện các TCTD, trong đó đặc biệt chú trọng đổi mới mô hình quản trị, điều hành; nâng cao năng lực tài chính, tăng cường năng lực đánh giá, kiểm soát rủi ro; chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng đa dạng và hiện đại hóa các sản phẩm dịch vụ; tăng cường đổi mới công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; cơ cấu lại các TCTD theo từng nhóm.

“Đến nay, Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 đã đi vào triển khai được hơn 3 năm, có thể khẳng định các giải pháp đồng bộ trong 2 văn bản quy phạm trên đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD gắn với các mục tiêu phát triển ngành Ngân hàng trong thời gian tới, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Quốc hội và Chính phủ, tạo niềm tin đối với hệ thống các TCTD nói riêng và của cả xã hội nói chung”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.

Đề án 1058, Nghị quyết 42 ra đời với nhiều giải pháp mang tính đột phá đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) các khoản nợ xấu tại TCTD và VAMC. Ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cho biết, Nghị quyết 42 đã khẳng định rõ ràng hơn quyền của chủ nợ của VAMC và TCTD; góp phần nâng cao ý thức của cá nhân, tổ chức trong việc trả nợ; tạo động lực khuyến khích các TCTD bán nợ xấu theo giá trị thị trường; giúp tạo lập thị trường mua bán nợ theo giá thị trường, bảo đảm nguyên tắc thị trường trong xử lý nợ xấu; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

“Nghị quyết 42 ra đời đã hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn. Kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 bằng hình thức khách hàng trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện. Khách hàng chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ TCTD. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết số 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD”, ông Nam chia sẻ.

Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) cũng cho biết: Khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng và xử lý nợ xấu được hoàn thiện phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam; sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững. Quy mô, năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành được nâng cao, mở rộng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tính minh bạch trong hoạt động tín dụng của các TCTD từng bước được cải thiện. Chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu giảm dần qua các năm…

“Kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ và lĩnh vực ngân hàng được chấn chỉnh và nâng cao, góp phần ổn định, bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ”, ông Trần Đăng Phi khẳng định.

Báo cáo kết quả tại diễn đàn, ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cho biết: Từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 31/8/2020, thu hồi nợ ước đạt 94.370 tỉ đồng, gấp 1,5 lần tổng thu hồi nợ giai đoạn trước đó. Mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đạt 67.612 tỉ đồng, mua nợ theo giá trị thị trường từ 2017 đến 2020 đạt 8.341 tỉ đồng.

Đặc biệt, các chuyên gia nhận định cùng với Đề án 1058, Nghị quyết 42 ra đời với nhiều giải pháp mang tính đột phá được triển khai đã góp phần nâng cao ý thức của khách hàng trong việc trả nợ và tạo lập thị trường mua bán nợ minh bạch.

Theo ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng Giám đốc VAMC, Nghị quyết 42 đã khẳng định rõ ràng hơn quyền chủ nợ của VAMC và TCTD; góp phần nâng cao ý thức của cá nhân, tổ chức trong việc trả nợ; tạo động lực khuyến khích các TCTD bán nợ xấu theo giá trị thị trường; giúp tạo lập thị trường mua bán nợ theo giá thị trường, bảo đảm nguyên tắc thị trường trong xử lý nợ xấu. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Còn ông Nguyễn Thế Huân, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, trong thời gian qua, bám sát định hướng và chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, VietinBank đã thực hiện triển khai tái cơ cấu hoạt động và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Đến thời điểm hiện tại, VietinBank đã kiện toàn nhân sự thực hiện phương án tái cơ cấu tại VietinBank giai đoạn 2016-2020. Ban giám đốc ngân hàng đã chỉ đạo các bộ phận tích cực triển khai xây dựng phương án tái cơ cấu bám sát khung hướng dẫn của NHNN. Trong đó có 3 nội dung trọng yếu về tái cơ cấu lại là: Nâng cao năng lực tài chính; Nâng cao năng lực quản trị điều hành; Xử lý nợ xấu đi đôi với kiểm soát chất lượng tăng trưởng.

Ông Huân chia sẻ thêm, với việc tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu (đôn đốc thu hồi nợ, bán, xử lý nợ, xử lý TSBĐ, khởi kiện khách hàng vay, sử dụng DPRR…), đến thời điểm hiện nay VietinBank đã đạt được kết quả: Tỷ lệ nợ xấu được VietinBank chủ động kiểm soát ở mức an toàn theo quy định của NHNN (dưới 3%); Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực cho đến nay, VietinBank đã xử lý thu hồi hơn 28.000 tỷ đồng nợ xấu được xác định là nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Luật sư Trương Thanh Đức của Công ty Luật Basico cho rằng, Nghị quyết 42 giống như chìa khoá giúp giải quyết nút thắt về tài sản tranh chấp, giúp việc giải chấp tài sản để trả nợ. Nếu không có nó thì nợ xấu sẽ phát sinh rất lớn. “Có thể nói nó là một chính sách hiệu quả, khả thi, hữu dụng nhất về xử lý nợ xấu trong lĩnh vực kinh tế’, ông Đức nhấn mạnh.

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại

Mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên tại diễn đàn, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng đánh giá vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của TCTD.

Các khó khăn có thể kể đến như: (i) Việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II của một số TCTD, nhất là các NHTM Nhà nước còn khó khăn; (ii) tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các Tập đoàn/Tổng Công ty nhà nước còn chậm, phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước; (iii)việc xử lý, thu hồi nợ và TSBĐ của một số TCTD còn khó khăn trong trường hợp TSBĐ cho các khoản nợ bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh…

Đặc biệt, một số TCTD vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết số 42; thực hiện quyền áp dụng thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ về thuế khi xử lý TSBĐ và nộp án phí theo bản án, quyết định của Tòa án các cấp…

Bên cạnh những thách thức liên quan đến quy định pháp luật về xử lý nợ xấu nói chung và xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu nói riêng còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các ngân hàng xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu, ông Nguyễn Thế Huân, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, VietinBank gặp áp lực lớn trong việc tăng vốn điều lệ. “Nếu không tăng được vốn điều lệ, VietinBank sẽ phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, tác động trực tiếp đến khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành và theo đó tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế”, ông Huân chia sẻ.

E:Nam 2020Thang 9TBKTSGdc078_thaoluan_phien1__01_.jpg

Phiên thảo luận "Nhìn lại quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020"

Ngoài những khó khăn thách thức trên, sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 trong các tháng đầu năm 2020 đã ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến an toàn hoạt động ngân hàng cũng như kết quả cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu toàn ngành Ngân hàng trong giai đoạn 2016-2020. Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để vượt qua khó khăn theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

“Nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế, làm đình trệ sản xuất kinh doanh, rủi ro tín dụng sẽ có xu hướng gia tăng và áp lực nợ xấu sẽ là rất lớn. Do vậy, việc thực hiện mục tiêu về kiểm soát nợ xấu cũng như các mục tiêu khác tại Quyết định 1058 đến cuối năm 2020 là thách thức rất lớn đối với ngành Ngân hàng”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết.

Để Nghị quyết số 42/2017/QH14 được triển khai có hiệu quả trên thực tế, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 như hiện nay, ông Huân cho biết, VietinBank kiến nghị các bộ, ban ngành. Về phía Bộ Tư pháp, đề nghị tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự rà soát các vụ việc thi hành án (THA) có điều kiện THA tồn đọng để ưu tiên xử lý, thu hồi dứt điểm cho VietinBank; Bộ Công an có biện pháp kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi chống đối, cản trở, đe dọa tính mạng, tinh thần của cán bộ VietinBank tham gia thu giữ TSBĐ, đảm bảo cho việc thu giữ TSBĐ được diễn ra thuận lợi, phù hợp với quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần phối hợp với NHNN đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngân hàng về các khoản thuế, phí còn nợ của bên bảo đảm trong việc chuyển nhượng TSBĐ; Có hướng dẫn về tiêu chuẩn định giá khoản nợ để làm cơ sở cho các cơ quan thẩm định giá thực hiện thẩm định giá khoản nợ cho các ngân hàng.

“Vì Nghị quyết 42 có tính chất thí điểm, thời điểm. Do đó sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, NHNN cần có tổng kết, đánh giá kết quả đạt được của Nghị quyết 42 để từ đó đề xuất Quốc hội ban hành Luật xử lý nợ xấu của các TCTD”, ông Huân kiến nghị.

Còn ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng giám đốc VAMC cũng bày tỏ: Nghị quyết số 42 dù đã và đang phát huy hiệu quả, nhưng nghị quyết chỉ mang tính chất thí điểm, có hiệu lực 5 năm kể từ ngày 15/8/2017. "Do đó, sau thời điểm Nghị quyết 42 hết hiệu lực, nếu không có văn bản thay thế thì có thể làm quá trình xử lý tài sản bảo đảm bị kéo dài, các nhà đầu tư mua, bán nợ xấu nghi ngại về khả năng xử lý các khoản nợ đã mua để thu hồi vốn", lãnh đạo VAMC cho hay.

Tại diễn đàn, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, để đảm bảo công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 và công tác cơ cấu lại theo Quyết định 1058 được triển khai có hiệu quả trên thực tế, đồng thời các TCTD tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ban, ngành có liên quan đề xuất Chính phủ, các giải pháp để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết số 42.

Đồng thời, xem xét, nghiên cứu việc Luật hóa xử lý nợ xấu nhằm quy định cụ thể về việc xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, nâng cao vai trò, năng lực của VAMC và tạo động lực cho các TCTD xử lý nợ xấu đạt hiệu quả. NHNN cũng sẽ xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính và quản trị điều hành của các TCTD, hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu của nền kinh tế.

Một trong những vấn đề được các khách tham dự diễn đàn quan tâm là việc có cần một lộ trình hình thành mua bán nợ nói chung hay thì trường mua bán nợ xấu nói riêng tại Việt Nam. TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cho rằng, về giải pháp xử lý, cần luật hóa Nghị quyết số 42 trở thành một bộ luật xử lý nợ xấu để đảm bảo tính nhất quán và đồng bộ, đặc biệt là tính cưỡng chế, cùng sự vào cuộc của nhiều cơ quan để bộ luật có tính mạnh mẽ hơn.

Ông Lực lý giải, thành thị trường mua bán nợ thì không mới, do các ngân hàng và VAMC hay DATC đã mua bán nợ với nhau. Nhưng Việt Nam chưa có thị trường chính thống, mà chỉ có một số tổ chức tham gia vào nên chúng ta cần có thị trường mua bán nợ theo đúng nghĩa. Bộ Tài chính làm hơi chậm trong vấn đề này khi đã có quy định trong Nghị định 69 yêu cầu bộ nghiên cứu và thành lập thị trường mua bán nợ, cả nợ tốt và nợ xấu, chạy trên giao dịch điện tử chứ không phải một cái chợ hay siêu thị. Một thị trường nợ sẽ tăng tính thanh khoản của thị trường mua bán nợ, và sau đó là hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển.

Ông Lực cho rằng một thị trường mua bán nợ sẽ giúp thu hút nhiều nhà đầu tư cùng tham gia, cả trong và ngoài nước, khi nhiều nhà đâu tư muốn mua nợ nhưng không biết chỗ. Một thị trường mua bán nợ như vậy sẽ cung cấp thông tin công khai minh bạch cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, để triển khai thành công các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, đạt được các mục tiêu đề ra, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động của các TCTD cũng như hoạt động tiền tệ, ngân hàng, phát biểu tại Diễn đàn các chuyên gia đều cho rằng, sự nỗ lực của NHNN và các TCTD, VAMC là chưa đủ, mà cần có sự phối hợp tích cực của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm tăng cường hơn nữa vai trò và sự đóng góp của ngành Ngân hàng đối với phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

NN

 

 

Xem thêm: 020514VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www

Comments:0 | Tags: Tín dụng

“Quy mô, năng lực tài chính, quản trị, tính minh bạch trong hoạt động của các tổ chức tín dụng được nâng cao”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools