Thời điểm dịch lần 1 và 2, giá khẩu trang y tế có những lúc lên trên 400 nghìn đồng hộp 4 lớp. Giá cao, nhưng khẩu trang cũng không có để mua, nên người dân cũng không quan tâm tới việc đó là khẩu trang kháng khuẩn hay không.
Nhưng hiện tại, trên các chợ khẩu trang, giá 1 thùng khẩu trang 4 lớp (tương đương 50 hộp) chỉ khoảng 400 nghìn đồng. Rẻ như vậy, nhưng theo dân buôn, việc buôn bán vẫn rất ế ẩm.
Đó là giá khẩu trang y tế 4 lớp thường, còn với loại có vải kháng khuẩn, giá chỉ khoảng 700 nghìn đồng/thùng. Tính ra, mỗi hộp khẩu trang kháng khuẩn chỉ có 14 nghìn đồng.
Dân buôn khẩu trang trên các chợ mạng hiện vẫn phải bán xả lỗ lượng lớn hàng nhập từ đầu đợt dịch lần 2. Không ít người mua từ lúc 3 - 4 triệu đồng/thùng, đang bán lại với giá 1 triệu đồng, nhưng chẳng ai quan tâm.
Đang làm chủ một xưởng khẩu trang ở Quảng Ninh, anh Duy hiện cũng phải cho đóng cửa xưởng khẩu trang y tế bởi theo anh, nếu càng sản xuất sẽ càng lỗ. Ngoài chi phí nhân công, mặt bằng, khấu hao máy móc, điện nước,…hàng sản xuất ra không hề có ai hỏi mua.
"Thị trường đóng băng khiến tôi phải đóng cửa xưởng từ cách đây vài tuần. Toàn bộ công nhân cũng phải nghỉ vì không có việc làm", anh Duy nói và cho biết thêm, dù giá nguyên liệu đầu vào hạ mạnh. Lớp vải kháng khuẩn khó mua ngày xưa chỉ còn khoảng 60 - 70 nghìn đồng/kg, nhưng nhiều xưởng cũng không mặn mà tiếp tục sản xuất.
Thậm chí, theo anh Duy, không ít xưởng đang phải rao bán máy móc để gỡ lại vốn. Song, do không bán được hàng nên cũng không có ai mua lại.
Theo anh Duy, thời điểm này chỉ có doanh nghiệp nào có đơn sản xuất đi nước ngoài thì còn hoạt động và có ý định mua lại các xưởng bé. Tuy nhiên, con số ấy rất ít.
"Xưởng nào làm từ lâu thì có lãi, nếu mới làm từ đợt dịch lần 2 thì khả năng lỗ rất cao", anh Duy cho hay.
Do nguồn cung dư thừa quá lớn, giá bán lẻ khẩu trang y tế hiện nay chỉ khoảng 20 - 30 nghìn đồng/hộp. Mức giá này còn rẻ hơn so với năm ngoái khi Việt Nam chưa có dịch COVID-19.
VTV.vn - Giá khẩu trang y tế liên tục sụt giảm khiến giới sản xuất điêu đứng, lỗ "chổng vó". Để hòa vốn, nhiều công xưởng còn phải liên tục bán tháo, thanh lý thiết bị, máy móc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!