Trên 50% chung cư tại Hà Nội chưa bàn giao quỹ bảo trì
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Xây dựng, có tới trên 50% số chung cư tại Hà Nội chưa bàn giao quỹ bảo trì cho các Ban Quản trị tòa nhà. Tình trạng này đã tồn tại rất lâu, gây bức xúc, mất an ninh trật tự, mất mỹ quan đô thị bởi những cuộc tụ tập, treo băng rôn tại các khu chung cư.
Việc chủ đầu tư cố tình chây ỳ, chiếm dụng quỹ bảo trì nhà chung cư là nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư tại các dự án nhà ở trên địa bàn TP Hà Nội. Những cuộc tranh chấp này đang ngày càng gay gắt khi có không ít chủ đầu tư "om" quỹ này lại trong một thời gian rất dài.
D'Le Roi Solei, quận Tây Hồ, Hà Nội là một trong những dự án vốn được quảng cáo gọi là "5 sao". Tuy nhiên, sau 2 năm chính thức nhận bàn giao nhà, các nhiều hạng mục vẫn chưa xây dựng xong theo như cam kết. Cũng giống như nhiều khu chung cư khác, Hội nghị nhà chung cư vẫn chưa được tổ chức để bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân.
Tranh chấp quỹ bảo trì càng bị đẩy cao lên nhất là khi việc quảng cáo bán chung cư trước đây với hiện trạng sau khi nhận nhà khác xa nhau. Các cam kết ban đầu của chủ đầu tư về các tiện ích đi kèm đều không thực hiện đúng, nhập nhằng chưa phân định được diện tích chung riêng, gây khó cho việc xác định phần diện tích nào sẽ được dùng kinh phí bảo trì, hay phí quản lý.
Tranh chấp giữa người dân và chủ đầu tư xoay quanh phí bảo trì chung cư diễn ra liên tục và căng thẳng.
Thành phố Hà Nội vẫn còn trên 50% số chung cư thương mại chưa bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cho Ban Quản trị. Ngoài ra, 253/745 chung cư thương mại chưa tổ chức được Hội nghị của nhà chung cư và thành lập Ban quản trị chỉ vì các chủ đầu tư vì nhiều lý do tìm cách trì hoãn bàn giao quỹ bảo trì.
Tụ tập phản đối, treo băng rôn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng các cam kết… Đây là những hình ảnh thường thấy ở rất nhiều dự án, từ chung cư giá rẻ cho đến chung cư cao cấp trong nhiều năm mà chưa có biện pháp mạnh để xử lý triệt để.
"Tháo ngòi nổ" tranh chấp quỹ bảo trì
Quy định đóng quỹ bảo trì là giải pháp cần thiết, giúp chung cư được duy trì, bảo dưỡng, vận hành theo quy định, bảo đảm an toàn cho người dân.
Tuy nhiên, nhiều người quản lý quỹ này có thể là chủ đầu tư hoặc là chính Ban Quản trị không vì lợi ích chung, đã lợi dụng kẽ hở của chính sách, tự ý sử dụng khoản tiền quỹ bảo trì vì lợi ích riêng, khiến tranh chấp giữa hai bên ngày càng gay gắt. Vì vậy, việc siết chặt quản lý quỹ bảo trì, gắn với xử lý nghiêm các vi phạm là rất cần thiết, đặc biệt là giai đoạn ngày càng có nhiều dự án chung cư mới xuất hiện.
Có tới trên 50% số chung cư tại Hà Nội chưa bàn giao quỹ bảo trì cho các Ban Quản trị tòa nhà. Ảnh minh họa - Dân trí.
Chủ đầu tư không minh bạch kinh phí bảo trì; sử dụng kinh phí bảo trì không đúng mục đích, không lập tài khoản riêng để quản lý quỹ bảo trì; chưa phân định được diện tích sử dụng chung, riêng để xác định phần kinh phí bảo trì của phần diện tích không phải căn hộ… Đây là những nguyên nhân được xác định cho việc chủ đầu tư chây ỳ chậm bàn giao hết hoặc chưa bàn giao quỹ bảo trì.
Mới đây, Bộ Xây dựng đưa ra Đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 99, trong đó bỏ quy định nộp phí bảo trì trực tiếp cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư phải mở một tài khoản vốn chuyên dùng có kỳ hạn tại một tổ chức tín dụng để nhận tiền do người mua, người thuê, cư dân chung cư nộp. Đây được xem là "chìa khóa" góp phần tháo gỡ vướng mắc liên quan tranh chấp quỹ bảo trì chung cư hiện nay.
Nhiều chuyên gia đô thị cho rằng, Bộ Xây dựng cần đưa ra quy định rõ hơn trong dự thảo Nghị định 99 sửa đổi, bổ sung về tài khoản quỹ bảo trì phải là tài khoản đóng, tránh để chủ đầu tư sử dụng sai mục đích.
UBND cấp tỉnh cũng cần phải quyết liệt hơn trong việc cưỡng chế các tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người mua nhà chung cư.
Những lưu ý khi mua căn hộ chung cư
Có tới 11 địa phương trên cả nước có tranh chấp khiếu kiện về Quỹ Bảo trì chung cư. Trong đó tập trung chủ yếu là 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.
Chung cư đã và đang trở thành xu thế lựa chọn của nhiều gia đình hiện nay, đặc biệt là gia đình trẻ bởi những tiện ích mang lại. Tuy nhiên, chọn mua một căn hộ tốt không phải chuyện dễ dàng đối với người thiếu kinh nghiệm. Người mua cần lưu ý một số điều sau để có sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp nhất.
Xác định vị trí chung cư
Đảm bảo chung cư có vị trí tốt thuận tiện đi lại và nhu cầu cơ bản của gia đình.
Kiểm tra pháp lý
Tìm hiểu rõ lai lịch của khu đất, xem dự án đó có đang thế chấp hay không. Nếu dự án đang thế chấp mà bạn quyết định ký kết hợp đồng mua bán phải yêu cầu chủ đầu tư cung cấp giấy tờ đã giải chấp đối với căn hộ của mình. Đặc biệt, người mua cần xem kỹ hợp đồng mua bán. Các điều khoản trong hợp đồng phải rõ ràng, dễ hiểu, có thỏa thuận về các phụ phí dịch vụ, tiến độ thanh toán, thẩm quyền của các bên…
Tìm hiểu cặn kẽ về chủ đầu tư
Đừng quá tin vào những lời mật ngọt môi giới rót vào tai bạn. Trước khi mua căn hộ chung cư, bạn phải tìm hiểu tên, năng lực của chủ đầu tư, giấy phép đầu tư và xây dựng của dự án.
Đánh giá tiện ích nội, ngoại khu
Cần lưu ý các thông tin về số thang máy, thang thoát hiểm, mức độ hoạt động ổn định của các thang… bởi đó là những tiện ích thiết thân bạn sẽ sử dụng trong tương lai. Bên cạnh đó là xem xét mật độ các căn hộ để đảm bảo không bị quá tải cho việc vận hành các dịch vụ kỹ thuật.
Chung cư đã và đang trở thành xu thế lựa chọn của nhiều gia đình hiện nay. Ảnh minh họa - Dân trí.
An ninh là tiêu chí quan trọng
Quan sát xem chung cư đó có được trang bị hệ thống phòng chống cháy nổ chuẩn chỉnh không, cách quản lý việc ra vào chung cư ra sao, có hệ thống camera giám sát hay hệ thống báo động khi có tình huống khẩn cấp không...
Khu vực gửi xe
Cần tìm hiểu kỹ xem khu vực gửi xe của chung cư có thuận tiện không? Có đảm bảo an toàn không? Có giới hạn số lượng xe hay mức phí thế nào?…
Thương lượng giá cả
Qua Internet hay các sàn giao dịch, không khó để bạn tìm hiểu mức giá chung của các dự án ở từng khu vực. Trong trường hợp người bán đưa ra mức giá cao hơn mức giá thật, những thông tin trên sẽ giúp bạn tự tin thương lượng. Với những khách hàng chưa sẵn sàng về mặt ngân sách, có thể xem xét những chính sách hỗ trợ như trả góp hoặc trả theo đợt của chủ đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
Xem thêm: mth.82572328110010202-uc-gnuhc-irt-oab-ihp-pahc-hnart-on-iogn-oaht-aohk-aihc/et-hnik/nv.vtv