vĐồng tin tức tài chính 365

Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất lần 3, đầu ra tín dụng vẫn yếu

2020-10-02 07:55

Mặc dù, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, đại diện NHNN cho biết :“NHNN đã giảm các lãi suất điều hành, từ đó giảm trần lãi suất huy động, tạo điều kiện hỗ trợ khó khăn chi phí vay vốn với các DN và người dân”. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia phân tích từ SSI: “Lãi suất tiền gửi sẽ không thay đổi nhiều sau quyết định của NHNN. Yếu tố chính tác động đến lãi suất tiền gửi thời gian tới vẫn là đầu ra tín dụng”.

Ngân hàng thương mại đang thừa vốn, “bí” đầu ra

Động thái tiếp tục hạ lãi suất lần thứ 3 được đại diện của NHNN lý giải là để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, đánh giá tác động của việc NHNN hạ lãi suất đối với nền kinh tế, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phan Linh - CEO của Công ty tư vấn đầu tư Take Profit Việt Nam - cho biết: “Việc hạ lãi suất điều hành mới đây, theo tôi, chưa phải là biện pháp “gãi đúng chỗ ngứa”. Câu hỏi đặt ra là lãi suất huy động giảm nhưng vì sao trên thực tế lãi suất cho vay ra vẫn cao? Nguyên nhân do hệ thống ngân hàng vẫn đang bị dư thừa thanh khoản khi mà việc cho vay ra bị ùn ứ.

Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu 2020 chỉ ở mức 5,12% so với 2019 là 8,51%. Các ngân hàng thương mại cũng lo sợ giải ngân những khoản vay mới vì lo sợ nợ xấu trong giai đoạn kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID. Nhu cầu vay của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa không phải là không có nhưng việc giải ngân không đơn giản”.

Bà Trần Hải Yến, chuyên gia phân tích từ công tư chứng khoán BVSC cho biết: “Kể từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ ba NHNN có quyết định giảm lãi suất điều hành với biên độ mỗi lần giảm đều khá lớn (0,5%). Tuy vậy, chúng tôi cho rằng, tác động thực tế tới nền kinh tế của các lần cắt giảm lãi suất điều hành càng về sau càng hạn chế.

Lý do là thanh khoản hệ thống ngân hàng kể từ tháng 5 đến nay luôn ở trạng thái tích cực, khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu về mức thấp kỷ lục nên các ngân hàng không có nhiều nhu cầu vay vốn từ NHNN. Điều này đồng nghĩa với việc giảm lãi suất cho vay qua các kênh vay mượn trên sẽ không có quá nhiều tác dụng trong việc giảm thêm lãi suất”.

Trong khi đó, đối với trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, lãi suất huy động thực tế của các NHTM trên thị trường tại các kỳ hạn này hiện cũng đều dưới 4%/năm, tức dưới mức trần mới mà NHNN ban hành. Việc lãi suất huy động kỳ hạn ngắn tại các NHTM giảm chủ yếu do thanh khoản dư thừa khi tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp (đến 22.9 mới tăng 5,12%).

Đồng quan điểm trên, chuyên gia phân tích từ Công ty chứng khoán SSI cho rằng: “Các NHTM đang rất dồi dào thanh khoản, hầu như không có nhu cầu vay vốn từ NHNN”.

“Lãi suất tiền gửi sẽ không thay đổi nhiều sau quyết định của NHNN. Yếu tố chính tác động đến lãi suất tiền gửi thời gian tới vẫn là đầu ra tín dụng. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ giảm thêm 0,1 -0,3%/năm trong quý IV/2020”.

Dòng tiền sẽ chảy vào đâu?

“Chứng khoán sẽ phản ứng tích cực sau tin NHNN hạ lãi suất lần thứ 3. Tuy nhiên, để một chính sách tiền tệ có hiệu ứng với nền kinh tế sẽ có độ trễ 6 tháng - 1 năm. Từ tháng 4 đến nay, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới luôn ở mức cao kỷ lục trên 27.000 tài khoản mới/tháng. Dòng tiền từ giờ đến cuối năm khả năng vẫn sẽ ở lại thị trường chứng khoán khi mà các kênh đầu tư khác như tiền gửi, trái phiếu, bất động sản đến nay cũng không thực sự hấp dẫn. Đầu tư vào vàng cũng khá tiềm năng trong 2021.

Khi lãi suất tiền gửi giảm (có những ngân hàng lãi huy động kỳ hạn ngắn giảm về mức 4%), trong khi lạm phát dự báo trong năm nay vào khoảng 4%. Như vậy, gửi tiết kiệm ngân hàng từ một kênh tích lũy truyền thống giờ đã không còn hấp dẫn với đại đa số người dân do không đem lại cho họ lợi suất mong muốn. Nhiều người thân người bạn của tôi bắt đầu tìm hiểu về đầu tư chứng khoán” - ông Phan Linh nhận định.

Theo bà Trần Hải Yến, trong 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù lượng bơm/hút ròng của NHNN gần như bằng 0 nhưng một lượng tiền đồng khá lớn đã được đẩy vào hệ thống ngân hàng thông qua các giao dịch mua vào ngoại tệ của NHNN, nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục là 92 tỉ USD. Thủ tướng Chính phủ nhận định dự trữ ngoại hối sẽ cán mốc 100 tỉ USD vào cuối năm nay. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính khiến tiền đồng dư thừa trong hệ thống là do đầu ra tín dụng yếu.

Tổng cục Thống kê cho biết, đến 22.9.2020, trong khi huy động vẫn tăng trưởng khá tốt (đạt 7,7%) thì tăng trưởng tín dụng chỉ là 5,12% so với đầu năm, thấp hơn nhiều cùng kỳ 2019 là 8,79% và còn cách xa mục tiêu của NHNN (ban đầu là 14%, sau điều chỉnh là 10%).

Chuyên gia từ BVSC cho rằng, quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% của NHNN không có quá nhiều tác động đối với mặt bằng lãi suất hiện nay trên thị trường. Động thái này phần nhiều phản ánh nỗ lực đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế của NHNN nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý cuối năm. Về cơ bản, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ nới lỏng có tác động tương đối hạn chế tới tổng cầu. Thay vào đó, chuyên gia của BVSC cho rằng, chính sách tài khóa nên đóng vai trò chính trong việc kích thích nền kinh tế.

NHNN vừa phát đi thông báo giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Điều chỉnh giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm.

Xem thêm: odl.920148-uey-nav-gnud-nit-ar-uad-3-nal-taus-ial-ah-coun-ahn-gnah-nagn/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags: Tín dụng vay

“Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất lần 3, đầu ra tín dụng vẫn yếu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools