Sáng 1-10, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với 10 bộ, cơ quan về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật nhưng còn nợ đọng và văn bản sẽ có hiệu lực pháp luật từ 1-1-2021; tình hình xây dựng, trình các đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng chín tháng năm 2020.
Nợ vì chậm trả lời, chậm tiếp thu ý kiến
Theo báo cáo, đến nay các bộ còn nợ đọng 18 văn bản, trong đó chỉ có ba văn bản có lý do khách quan vì quy định về vấn đề rất mới, cần xin ý kiến các cơ quan chức năng một cách cẩn trọng.
15 văn bản còn lại chủ yếu chậm vì các lý do chủ quan như: Cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo chưa tích cực; cơ quan có trách nhiệm phối hợp, tham gia ý kiến trả lời chậm trễ, chưa đúng hạn; cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo chậm tiếp thu, tiếp thu không đầy đủ ý kiến các thành viên Chính phủ nên phải trả đi trả lại, gửi đi gửi lại…
Cạnh đó, với các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1-1-2021, các bộ còn phải trình Chính phủ ban hành 49 văn bản, hiện đã trình hai văn bản, còn 47 văn bản chưa trình.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, Thủ tướng luôn đặt vấn đề xây dựng thể chế, xây dựng chính phủ kiến tạo, hành động dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Chính phủ, Thủ tướng xác định hoàn thiện thể chế là then chốt, là khâu đột phá, chiến lược để đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả nền kinh tế.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng sau đó truyền đạt lại ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu các bộ, ngành quan tâm, tập trung nguồn lực và ưu tiên hàng đầu cho công tác hoàn thiện thể chế.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: “Văn bản chồng chất, chúng ta rất khổ, không nhớ hết!”. Ảnh: NGUYỆT THU
Bộ LĐ-TB&XH: Xin lùi trình nghị định đến sau Đại hội XIII
Giải trình tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho hay năm 2020 bộ này đăng ký 15 nghị định hướng dẫn chi tiết Bộ luật Lao động (sửa đổi). Hiện bộ đã trình hai nghị định, xin lùi thời gian trình hai nghị định sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII…
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng sau đó cho rằng việc ban hành tới 15 nghị định để hướng dẫn Bộ luật Lao động (sửa đổi) là quá nhiều. Ông Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cần gom lại, giảm bớt số lượng nghị định, nhiều nhất là ba nghị định.
“Giờ ban hành nhiều thế này không chấp nhận được. Một đất nước mà văn bản chồng chất, ngay bản thân chúng ta cũng không nhớ hết các văn bản, rất khổ” - ông Dũng nói.
Trong tổng thể, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng nếu không đẩy nhanh, không tích cực, không quyết liệt thì số văn bản nợ đọng gia tăng rất lớn. “Với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu các cơ quan tập trung xử lý, không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết trước khi diễn ra Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, kết quả kiểm tra cho thấy việc ban hành nghị định còn rất nhiều, có những luật ban hành 15 nghị định, chưa kể một nghị định còn rất nhiều thông tư. Trong khi đó, việc ban hành nhiều nghị định, thông tư gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Còn ba tháng, phải trình 256 văn bản Liên quan đến chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, cơ quan phải trình 301 đề án trong chín tháng năm 2020. Đến nay đã trình 266 đề án, còn nợ đọng 35 đề án. Trong quý IV-2020, các bộ, cơ quan phải trình 156 đề án. Như vậy từ nay đến cuối năm, các bộ, cơ quan phải trình Chính phủ, Thủ tướng tổng số 256 văn bản (65 văn bản quy định chi tiết; 191 đề án trong chương trình công tác). |