VKSND tỉnh Bạc Liêu vừa ra cáo trạng mới truy tố Ngô Chí Dũng (phó giám đốc Công ty cổ phần Thủy hải sản Minh Hiếu) cùng đồng phạm, giữ nguyên quan điểm cáo buộc các bị cáo. Điều đặc biệt là cáo trạng mới có nội dung không mới trong khi trước đó VKS tỉnh từng đề nghị TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm nhưng bị từ chối và yêu cầu phải điều tra lại.
Hình sự hóa quan hệ dân sự?
Theo hồ sơ, từ tháng 7-2010 đến tháng 5-2013, Công ty Minh Hiếu được Ngân hàng BIDV tỉnh Bạc Liêu cho vay tổng cộng 116 hợp đồng tín dụng với số tiền 83 tỉ đồng và 7,5 triệu USD. Trong quá trình vay, công ty này đã trả nợ tất toán cho ngân hàng 92 hợp đồng với số tiền 66 tỉ và 6,3 triệu USD. Đến ngày 21-3-2016 (thời điểm cơ quan điều tra khởi tố vụ án), công ty còn dư nợ với ngân hàng là 43 tỉ đồng gốc và 16 tỉ đồng tiền lãi theo 24 hợp đồng.
Cuối năm 2012 đầu 2013, do khó khăn nên công ty đã tự ý đứng ra bán một số tài sản đảm bảo đã dùng để thế chấp bổ sung mà chưa thông báo với phía ngân hàng. Vì vậy, BIDV Bạc Liêu có đơn gửi công an tỉnh đề nghị hỗ trợ, giám sát.
Phía Công ty Minh Hiếu cho rằng ngân hàng chưa giải ngân đầy đủ theo thỏa thuận, dẫn đến hai bên tranh chấp. BIDV Bạc Liêu khởi kiện Công ty Minh Hiếu ra tòa, yêu cầu trả toàn bộ dư nợ. Tháng 10-2013, TAND thị xã Giá Rai thụ lý và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự.
Tuy nhiên, hai tháng sau VKSND tỉnh Bạc Liêu có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Ba ngày sau, TAND cùng cấp ra quyết định giám đốc thẩm hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận trên.
Trong khi TAND thị xã Giá Rai đang giải quyết lại vụ kiện thì công an tỉnh khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại BIDV Bạc Liêu. Từ đó, tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết, trả lại đơn khởi kiện của BIDV. Từ đơn đề nghị hỗ trợ của ngân hàng, công an đã tách một hồ sơ vay trung hạn và tám hồ sơ vay theo món để điều tra…
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh phạt bị cáo Dũng 20 năm tù, Nguyễn Thị Út (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc) và ông Huỳnh Thanh Đoàn (kế toán trưởng) cùng 14 năm tù. Các bị cáo cùng kháng cáo kêu oan.
Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy án để điều tra, xét xử lại. Theo tòa, BIDV Bạc Liêu đã khởi kiện dân sự công ty, sau khi khởi tố thì vụ án dân sự mới tạm đình chỉ. Trong cùng một thời gian, cùng một nội dung vụ việc nhưng hai cơ quan tố tụng thụ lý giải quyết là trái pháp luật. Cơ quan tiến hành tố tụng đã hình sự hóa quan hệ dân sự giữa ngân hàng và công ty.
Phải điều tra lại để làm rõ
Theo tòa phúc thẩm, việc khởi tố vụ án là vi phạm Điều 100 BLTTHS vì ngân hàng chỉ yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp để tránh việc công ty tẩu tán tài sản, không tố cáo hành vi lừa đảo. Tòa sơ thẩm quy kết các bị cáo lừa đảo là thiếu căn cứ, chưa thỏa mãn cấu thành tội phạm.
Theo kết luận của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bạc Liêu, BIDV Bạc Liêu cho Công ty Minh Hiếu vay là đúng đối tượng, công ty đã trả nợ rất tốt cho ngân hàng. Tính đến ngày 21-3-2017, tổng dư nợ vay của công ty tại ngân hàng hơn 66,3 tỉ đồng gốc lẫn lãi, trong khi tài sản thế chấp lớn hơn dư nợ. Tức là quan hệ dân sự trong các hợp đồng tín dụng đang tồn tại và bản chất là quan hệ dân sự, ngân hàng không bị thiệt hại.
Sau khi cơ quan CSĐT công an tỉnh điều tra lại xong, VKS tỉnh không ra cáo trạng truy tố như đề nghị của cơ quan điều tra. Cả TAND và VKSND tỉnh Bạc Liêu cùng có văn bản kiến nghị chánh án TAND Tối cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm hủy án đối với bản án phúc thẩm nêu trên.
Ngày 31-12-2019, TAND Tối cao có văn bản trả lời. Văn bản nêu để xác định các bị cáo có chiếm đoạt tiền vay của ngân hàng không thì cần xem xét giá trị toàn bộ tài sản thế chấp còn lại so với số nợ gốc và lãi của ngân hàng có đảm bảo nghĩa vụ trả nợ hay không.
Ngoài ra, cần làm rõ việc hóa đơn giá trị gia tăng có phải là căn cứ để ngân hàng giải ngân không. Từ đó mới xem xét được hành vi lập hóa đơn khống và chênh lệch có phải là hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền. Do việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc phẩm không thể bổ sung được nên cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại là cần thiết.
Sau khi kiến nghị giám đốc thẩm không được chấp nhận, VKSND tỉnh ban hành cáo trạng mới nhưng có nội dung giống cáo trạng đã ban hành năm 2017.
Cáo trạng mới có nội dung gì? Cáo trạng truy tố ông Dũng với vai trò chủ mưu cầm đầu chỉ huy hai người còn lại thực hiện các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt 13,9 tỉ đồng của ngân hàng dưới hình thức vay vốn. Còn các hợp đồng tín dụng khác giữa ngân hàng và công ty là giao dịch dân sự có tài sản bảo đảm, ngân hàng có thể khởi kiện để yêu cầu công ty thanh toán. Giống cáo trạng cũ, cáo buộc mới chỉ tập trung nói về hai hành vi là gian dối trong việc thế chấp tài sản hình thành trong tương lai từ nguồn tiền vay ngân hàng, thế chấp tài sản khống và bán tài sản đã thế chấp. Thứ hai là hành vi gian dối qua việc thế chấp tài sản là hàng hóa tôm đông lạnh tồn kho, sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng khống, chênh lệch để chứng minh sử dụng vốn vay cho ngân hàng làm căn cứ giải ngân... Trong khi nhiều nội dung trong cáo buộc này đã từng bị tòa án cấp phúc thẩm bác bỏ vì không có căn cứ, không đủ căn cứ quy buộc tội… |