“Trước tình hình giao thông đường bộ (GTĐB) có nhiều thay đổi, Luật GTĐB 2008 không còn đáp ứng yêu cầu nên việc Bộ GTVT đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung luật này là cần thiết. Tuy nhiên, việc tách Luật GTĐB ra thành hai dự luật cần phải được nghiên cứu, đánh giá một cách thận trọng…”.
Ông Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chia sẻ như trên khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về đề xuất tách Luật GTĐB 2008.
Không cần tách Luật Giao thông đường bộ
. Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
+ Ông Phạm Văn Hòa: Giao thông có nhiều lĩnh vực, ngoài Luật GTĐB còn có Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Đường sắt, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, tất cả đều liên quan đến trật tự an toàn giao thông. Trường hợp tách Luật GTĐB ra thì tôi phân vân tới đây có tiếp tục tách các luật kia ra nữa hay không, Chính phủ cần thuyết minh cụ thể.
Quan điểm của tôi là không nên tách Luật GTĐB ra làm hai dự luật (Luật GTĐB và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB) mà giữ như hiện hành. Trên cơ sở của Luật GTĐB 2008, Bộ Công an và Bộ GTVT cần ngồi lại với nhau để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và phân công nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ, ngành. Trường hợp cần thiết, chúng ta có thể bổ sung chương, điều vào phần đảm bảo trật tự, an toàn GTĐB theo hướng nâng cấp Luật GTĐB hiện hành lên thành một bộ luật hoàn chỉnh…
. Quá trình xin tách Luật GTĐB, Bộ Công an muốn quản lý công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX). Vấn đề này đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều, theo ông nên giao cho bộ nào quản lý?
+ Trước tiên chúng ta phải thấy công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX được Bộ GTVT thực hiện ổn định nhiều năm qua và quản lý, kiểm soát thông qua các chế định của ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cạnh đó, phân cấp cho các địa phương trên cả nước, đảm bảo không có sự chồng chéo, mâu thuẫn về nhiệm vụ giữa các cơ quan, bộ máy tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, theo chủ trương của Đảng, tại Nghị quyết số 17/2007 của Ban chấp hành Trung ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, trong đó quy định: “Một số nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an nếu đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quản lý, nhằm tập trung nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.
Như vậy, có thể nói Bộ GTVT đang làm đúng công việc được giao và thực hiện tương đối tốt nhiệm vụ đó. Nhiều ý kiến cho rằng nếu giao Bộ Công an đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và xử phạt không khác gì “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Vì vậy, theo tôi nên giao Bộ GTVT tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Bộ Công an tham gia giám sát, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm đối với việc cấp GPLX sai, lợi ích nhóm, tiêu cực trong việc đào tạo, sát hạch và cấp GPLX. Hình thức xử lý phải nghiêm khắc như đóng cửa cơ sở đào tạo, truy cứu trách nhiệm hình sự người đứng đầu, người thực thi sai quy định.
Nếu làm như trên, chúng ta thấy có sự phân cấp, phân quyền rõ ràng và có sự giám sát lẫn nhau. Nếu để Bộ Công an làm hết thì ai giám sát, ai kiểm tra? Tất nhiên ở đây chúng ta hiểu công an sẽ xử lý công an nếu có sai phạm, song sẽ thiếu khách quan.
Học viên thi tốt nghiệp lý thuyết lái xe ô tô tại một trung tâm đào tạo lái xe ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Lý do Bộ Công an đưa ra không hợp lý
. Nhưng thưa ông, trong thuyết minh của mình, Bộ Công an cho rằng việc họ đảm nhận vai trò trên vì tai nạn giao thông cao và để xử lý nạn GPLX giả?
+ Tôi cho rằng những lý do Bộ Công an đưa ra không hợp lý. Bởi vì theo báo cáo của Bộ Công an và Bộ GTVT, tai nạn giao thông những năm qua giảm sâu cả ba tiêu chí: số vụ tai nạn, người chết và người bị thương.
Còn nói về GPLX giả nhiều thì tôi đặt câu hỏi trách nhiệm Bộ Công an ở đâu, chỗ nào mà không vào cuộc xử lý. Hiện nay, Bộ GTVT quản lý nhà nước, công an vẫn có quyền giám sát, đề xuất các biện pháp để ngăn chặn vấn nạn này. Nếu giao cho công an thì anh có dám cam kết với Chính phủ, với nhân dân rằng không còn bằng giả, tiêu cực không?
Phải thừa nhận rằng hiện nay công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX được Bộ GTVT quản lý cũng có những hạn chế mà thời điểm hiện tại khó tránh khỏi. Nhưng thời gian qua Bộ GTVT cũng đã rất quyết liệt để chấn chỉnh, xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân sai phạm. Hiện công tác này cũng được thực hiện nhanh và được giám sát bằng công nghệ hiện đại, đâu dễ để học viên lọt được.
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đều rơi vào nhóm tài xế có thời gian điều khiển xe lâu năm. Nguyên nhân gây ra tai nạn đa phần do tài xế sử dụng rượu bia, ngủ gật… Như vậy ở đây, ý thức của người tham gia giao thông rất lớn, chứ không phải do họ sử dụng bằng giả và công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX có vấn đề.
Quay lại câu chuyện bằng giả, chúng ta thấy hiện nay bằng đại học, tiến sĩ, thậm chí là cán bộ giả cũng có. Cái giả trong xã hội là khó tránh khỏi nhưng chúng ta cần thực hiện pháp luật một cách cương quyết, khách quan thì tình trạng bằng giả sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất và đến một thời điểm nào đó không còn nữa…
. Hai dự luật này dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới đây, liệu ông có giữ quan điểm này?
+ Với mục đích nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp GPLX, tôi đánh giá cao công tác chuẩn bị của hai bộ. Đây là vấn đề lớn, tôi biết còn nhiều luồng ý kiến khác nhau nên cần lấy ý kiến rộng rãi. Nhưng với tư cách cá nhân, chắc chắn kỳ họp tới đây tôi sẽ tham gia thảo luận về hai dự luật này và sẽ bảo vệ quan điểm trên.
. Xin cám ơn ông.
Trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ GTVT và Bộ Công an chuẩn bị kỹ hai dự luật trên để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10, dự kiến khai mạc vào ngày 20-10. Trong đó, ngày 24-10, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ lần lượt trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn GTĐB và Luật GTĐB (sửa đổi). Đến ngày 2-11, các đại biểu sẽ thảo luận tổ về vấn đề này. |