Học sinh lớp 1 tại TP.HCM trong ngày khai giảng năm học mới - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết như vậy khi nói về chương trình lớp 1 mới tại các trường tiểu học trên địa bàn TP năm học 2020-2021, trong cuộc trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ chiều tối 1-10.
Ông Hiếu nói: "Sở GD-ĐT TP đã đi nắm tình hình thực tế tại một số trường tiểu học về việc thực hiện chương trình lớp 1 mới. Đúng như dư luận phản ánh, khó khăn trong việc triển khai thực hiện chương trình là có thật. Trong số các môn học chỉ có môn tiếng Việt được cho là khó khăn, các môn còn lại thì ổn".
“Nhiều giáo viên phản ánh học sinh lớp 1 năm nay tiếp thu bài chậm hơn học sinh lớp 1 của các năm trước.
Ông Nguyễn Văn Hiếu
* Trong quá trình sở đi thực tế, những khó khăn cụ thể giáo viên phản ánh là gì, thưa ông?
- Nhiều giáo viên phản ánh học sinh lớp 1 năm nay tiếp thu bài chậm hơn học sinh lớp 1 của các năm trước. Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên học sinh lớp 1 năm nay không đi học lớp mẫu giáo 5-6 tuổi (năm học 2019-2020) được trọn vẹn như mọi năm.
Các trường mầm non trên địa bàn TP cho học sinh nghỉ học suốt mấy tháng, đến giữa tháng 5-2020 mới mở cửa đón học sinh. Nhiều phụ huynh lo ngại dịch bệnh nên cũng không cho con em đến trường.
Cạnh đó, chương trình lớp mẫu giáo 5-6 tuổi trong học kỳ 2 năm học 2019-2020 chỉ chuyển tải trong hai tháng (thay vì 4,5 tháng) thì cũng không thể đầy đủ và kỹ lưỡng như bình thường. Do vậy, việc cho trẻ 5-6 tuổi làm quen với các con chữ, bước đầu nhận diện mặt chữ... trước khi vào lớp 1 đã không được thực hiện rốt ráo như mọi năm.
Chưa kể những năm trước học sinh tiểu học ở TP.HCM thường tựu trường vào 15-8, giáo viên lớp 1 sẽ có khoảng hai tuần trước khai giảng để rèn nề nếp học sinh, cho các em tập tô, đồ các nét, các con chữ... Năm nay học sinh tiểu học TP.HCM tựu trường ngày 1-9 nhưng chỉ làm quen với trường, lớp, giáo viên chứ không học trước khai giảng. Ngày 5-9 các em dự lễ khai giảng năm học mới, ngày 7-9 là thực học.
Trên thực tế, nhiều trường đã cho học sinh lớp 1 học chương trình mới ngay, bắt đầu từ âm "a" ngay. Không những thế, ở những lớp học có sĩ số đông thì khó khăn lại khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Văn Hiếu
* Vậy giải pháp của sở cho những vấn đề khó khăn này là gì?
- Đầu năm học 2020-2021, Sở GD-ĐT TP đã có hướng dẫn chuyên môn là giao quyền chủ động cho nhà trường, cho giáo viên trong việc thực hiện chương trình.
Tùy vào mức độ tiếp nhận của học sinh lớp mình, giáo viên sẽ điều chỉnh kế hoạch dạy học, nội dung bài dạy cho phù hợp chứ sở không bắt buộc giáo viên phải dạy theo thời lượng số tiết học một cách cứng nhắc.
Có nghĩa là nếu giáo viên thấy học sinh lớp mình tiếp thu bài chưa tốt thì chủ động giãn tiến độ thực hiện chương trình. Có thể đầu năm học tổ bộ môn của trường thống nhất rằng chủ đề A chỉ dạy 1 tiết, nhưng nếu thấy học sinh yếu và chậm thì giáo viên có quyền chủ động tăng thời lượng giảng dạy lên 2 hay 3 tiết.
Dĩ nhiên, tôi cũng được biết hiện một số giáo viên vẫn chưa tự tin, chưa chủ động thực hiện quy định trên. Dự kiến thời gian tới Sở GD-ĐT TP sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn, định hướng rõ ràng hơn nhằm giúp giáo viên tự tin thực hiện "quyền" của mình trong giảng dạy.
* Thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng học sinh gặp khó khăn trong tuần đầu tiên một phần từ giáo viên?
- Trong văn bản hướng dẫn chuyên môn, sở đã lưu ý các giáo viên không được tạo áp lực cho học sinh. Tôi nhắc thêm là các giáo viên không được chê bai hay phê bình học sinh là "con viết xấu quá" hay "con đọc yếu quá"...
Học sinh lớp 1 mới đi học được vài tuần thì không thể đòi hỏi các em phải đọc bài trôi chảy, suôn sẻ mà phải chấp nhận có những em đọc sai, vấp váp... Giáo viên cũng không thể yêu cầu các em phải viết đúng ô li, viết đẹp và viết nhanh ngay được; phải chấp nhận trong lớp có những em viết tốt, có những em viết còn sai, còn nguệch ngoạc...
Gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh
Tôi yêu cầu các trường tiểu học cần tạo điều kiện cho phụ huynh gặp gỡ, trao đổi với giáo viên mỗi ngày (nếu họ có nhu cầu) để họ trao đổi về việc học tập của con em mình. Với những học sinh tiếp thu bài chưa như mong muốn thì giáo viên cần chủ động mời phụ huynh đến để tư vấn, hướng dẫn họ hỗ trợ con em mình trong quá trình rèn kỹ năng đọc - viết ở nhà.
Ngoài ra, ban giám hiệu các trường tiểu học cũng cần chủ động dự giờ, giúp đỡ giáo viên lớp 1 giải quyết kịp thời những khó khăn mà họ đang đối mặt, nhất là những lớp đông học sinh.
TTO - Theo ông Lê Hồng Vũ, trưởng Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội), việc tập huấn giáo viên vẫn nặng về lý thuyết. Mặc dù hướng dẫn 'dạy phát triển năng lực' nhưng người hướng dẫn vẫn chủ yếu hướng dẫn về kiến thức.
Xem thêm: mth.33412208020010202-iom-1-pol-hnirt-gnouhc-yad-ceiv-hnihc-ueid-es-mch-pt/nv.ertiout