Đề xuất thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu một lần nữa được khơi lại, tuy nhiên vẫn vấp phải những ý kiến trái chiều từ dư luận.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa kiến nghị Thủ tướng phương thức thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu. Theo đánh giá của VCCI, từ góc nhìn chính sách, đây là sáng kiến nhằm bảo đảm tính công bằng trong thu phí bảo trì đường bộ. Điều này đồng nghĩa với việc, sẽ không còn tình trạng cào bằng khi người đi lại, sử dụng đường sá nhiều cũng đóng như người đi ít.
Tuy nhiên, việc thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu nhận không ít ý kiến trái chiều từ dư luận. Thực tế, đây không phải là câu chuyện mới mà từng được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tại Dự thảo nghị định về Quỹ bảo trì đường bộ với mức thu 1.000 đồng/lít xăng từ năm 2010.
Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính cho biết, hiện nay vẫn đang thu phí đường bộ qua đầu phương tiện. Hình thức thu phí này tương đối rõ ràng, song bất cập của nó là thu không chính xác. Bởi, có tình trạng nhiều phương tiện không lăn bánh vẫn bị thu.
Còn việc thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu, sự tiện lợi của hình thức này là thu phí tất cả phương tiện sử dụng xăng dầu đi trên đường, ai dùng nhiều đóng nhiều, ai dùng ít đóng ít.
Tuy nhiên, sự bất cập của hình thức này sẽ vướng ở lĩnh vực nông nghiệp, do người dân chỉ sử dụng xăng dầu để phục vụ tưới tiêu, chứ không đi lại thường xuyên, hoặc ở lĩnh vực hàng không, do không sử dụng đường bộ.
"Khoảng 30% xăng dầu được mua để sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, hoặc mua cho tàu thuyền đánh bắt hải sản, những loại hình này không di chuyển trên đường bộ. Đặc biệt, với dầu diesel có đến 70% người dân mua để phục vụ sản xuất hoặc phát điện. Nếu đánh phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu thì khác nào bắt những máy móc nông cụ phải chịu phí, điều này rất vô lý", ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, nếu thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu có khả năng sẽ đẩy giá xăng dầu tăng lên. Với một mặt hàng vốn đã chịu quá nhiều thuế phí, khi giá xăng lên sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chi phí tăng lên, có khả năng xảy ra lạm phát.
"Khi đề xuất chính sách gì cần phải xem xét, đánh giá về mặt ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách an sinh xã hội", ông Thịnh nói.
Trước một số hạn chế trong kiến nghị thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu, một số chuyên gia cho rằng có thể thực hiện chính sách bù lại khoản tiền đối với những đối tượng sử dụng xăng dầu nhưng không vào mục đích giao thông đường bộ, tuy nhiên, ông Thịnh cho hay, đây là việc không dễ để thực hiện và cũng tiềm ẩn không ít bất cập.
Bởi, cần phải có kê khai, xác nhận đối tượng sử dụng xăng dầu vào mục đích không cho phương tiện giao thông. Vậy ai sẽ là người chứng nhận? Kể cả việc theo dõi việc bồi hoàn cho những đối tượng này cũng kéo theo rất nhiều phức tạp. Sẽ phải thành lập một bộ máy chuyên trách nhiệm vụ này. Khi đó ngân sách nhà nước sẽ thêm sức nặng.
Xem thêm: odl.123148-uad-gnax-auq-ob-gnoud-irt-oab-ihp-uht-taux-ed-ev-iac-hnart/et-hnik/nv.gnodoal