"Chúng ta chủ động dẫn dắt cuộc chơi, hay ngược lại?"
Sáng 2/10, Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển tổ chức buổi hội thảo "Hướng tới hệ thống truyền thông Nhà nước kiện toàn và hiện tại hậu Covid-19". Trong đại dịch Covid-19, truyền thông Nhà nước là một điểm sáng đóng góp vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi dịch thành công của Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VCCorp (đơn vị phát triển mạng xã hội Lotus) - một trong 4 diễn giả của buổi hội thảo, đã đem đến bài thuyết trình về "Truyền thông chống dịch thành công trong việc đẩy lùi tin giả và khơi dậy lòng yêu nước, sự ủng hộ của xã hội. Kinh nghiệm rút ra từ những hoạt động của Bộ Y tế trên mạng xã hội Lotus".
Theo ông Tân, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, vấn nạn tin giả bị đẩy lùi là kết quả của hoạt động truyền thông chủ động mà đặc trưng chủ chốt là chủ động cung cấp thông tin tới xã hội, thay vì để tin giả "dẫn dắt cuộc chơi". Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xây dựng mạng lưới từ Trung ương tới cơ sở, đã một lần nữa "dìm chết" tin giả.
"Trong sự kiện nóng của xã hội, chúng ta chủ động dẫn dắt cuộc chơi, hay ngược lại? Đặc trưng của chiến dịch truyền thông Covid-19 thể hiện rất rõ nét, là sự chủ động" - Ông Tân khẳng định.
Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VCCorp phát biểu tại buổi hội thảo
Tạo niềm tin xã hội để tin giả hết đường sống!
Bộ Y tế sử dụng rất nhiều đối tác truyền thông khác nhau, từ các nhạc sĩ, KOL,... đến các bác sĩ, chuyên gia. Không chỉ sử dụng một hay một vài người, Bộ đã xây dựng lực lượng mạng lưới truyền thông, tận dụng sức mạnh của toàn xã hội. Trong đó, Vụ truyền thông và thi đua khen thưởng là đầu mối trực tiếp cập nhật, điều phối nhóm phóng viên chuyên trách cung cấp thông tin mới nhất về các các bệnh Covid-19, công khai lịch trình đi lại, công khai tình hình chữa trị.
Bộ đã thành lập các đơn vị chỉ huy tiền phương đặt tại tâm dịch Sơn Lôi, Hạ Lôi, Mê Linh, Đà Nắng, Hải Dương,... nhanh chóng cập nhật tới báo chí, truyền thông và người dân bất kể thời gian. Đồng thời, tổ chức gặp gỡ báo chí ngay thời điểm đầu dịch xâm nhập vào Việt Nam, hay khi Hà Nội xuất hiện ca bệnh 17, chùm ca bệnh tại Bạch Mai.
Nếu trên các phương tiện xuất hiện tin giả, Bộ Y tế ngay lập phản hồi và bác bỏ thông tin. Theo ông Tân, tin giả sống được là do thiếu thông tin, không có nguồn chuẩn xác. Do đó, hạ gục vấn nạn tin giả bằng thông tin nhanh chóng, chính thống, tăng độ tin cậy và chuẩn xác. Ngoài ra, để chiếm được lòng tin của xã hội, Bộ đã huy động nhóm chuyên gia, bác sĩ giải đáp các băn khoăn và tư vấn các biện pháp phòng dịch tin cậy.
Ngay khi trên MXH xuất hiện tin giả, Bộ Y tế ngay lập tức phản hồi trong nhóm cùng các phóng viên, để nhanh chóng truyền tải thông tin tới người dân
Bên cạnh đó, Bộ đã hợp tác với các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Lotus, TikTok và YouTube. Ông Tân cho biết, trên nền tảng Lotus, ngay khi dịch nổ ra, họ đã mời 20 chuyên gia gồm các bác sĩ đầu ngành trực tiếp mở tài khoản, chủ động viết bài, cung cấp thông tin đúng - chuẩn xác và trả lời thắc mắc của người dân. Điển hình như PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng cục Y tế dự phòng; TS.BS Nguyễn Kiên Cường, Chủ nhiệm khoa Vệ sinh Viện y học dự phòng quân đội; TS.BS Phạm Nguyên Quý, Bệnh viện Trung ương Kyoto, Nhật Bản; TS Từ Ngữ, Tổng thư ký hội dinh dưỡng Việt Nam.
"Rất nhiều cơ quan báo chí sau đó đã tiếp cận với các chuyên gia này, hoặc sử dụng thông tin trên Lotus để thực hiện các bài viết. Từ đó, thông tin tin cậy và xác thực được lan truyền nhanh hơn", ông Tân cho biết.
Để thu hút độc giả, Lotus đã "social hoá" thông tin dưới các hình thức dễ tiếp cận nhất
Hãy mang tiếng nói trực tiếp đến gần người dân hơn
Đặc biệt, Bộ Y tế đã xây dựng cổng thông tin chính thức trên Lotus, là một trong những trang cập nhật nhanh nhất về dịch bệnh, hỗ trợ đẩy thông tin nổi bật đến người dùng. Lotus đồng thời chia sẻ tin bài từ kênh của Bộ Y tế trên các page của trang tin, đối tác, KOLS, hot creator (sáng tạo nội dung) và cộng đồng.
Cao điểm trong một tháng cách ly xã hội đợt dịch giai đoạn 1, có ngày Lotus đem đến cho người dùng khoảng 20 triệu tin nổi bật về tình hình dịch bệnh.
"Chúng tôi tổ chức chiến dịch Lá chắn virus Corona, hợp tác với hơn 20 tờ báo lớn, 50 KOLS, nhằm truyền tải thông điệp của Bộ Y tế. Kết quả có hơn 400 triệu lượt view trên toàn bộ hệ thống. Bên cạnh đó, chiến dịch 'Niềm tin chiến thắng của Bộ Y tế' được phân phối và xuất hiện trên 20 tờ báo đối tác của Lotus", ông Tân nhấn mạnh.
Để thu hút người đọc, Lotus đã "social hoá" các thông tin, khuyến cáo của Bộ Y tế dưới dạng bài viết, video mutex, infographic và game tương tác. Bộ trắc nghiệm kỹ năng phòng chống Covid-19 trên Lotus giúp người dùng dễ dàng tiếp cận với những bài test kiểm tra kiến thức online cập nhật liên tục mỗi ngày. 13 bộ câu hỏi với 172 câu hỏi đã thu hút 803.540 users truy cập, cung cấp kiến thức phòng dịch cho 219.621 users tham gia làm trắc nghiệm trên cả 2 nền tảng web và app.
Đến nay đã có hàng trăm bài viết của các chuyên gia trên MXH Lotus, nhằm cung cấp thông tin chuẩn xác về dịch bệnh cho người dân
Từ những hoạt động của Bộ Y tế trên Lotus, ông Tân khẳng định, để truyền thông thành công, trước tiên cần một chương trình kế hoạch tốt, bộ máy truyền thông chủ động, thông tin nhanh chóng, kịp thời, đúng tâm lý chờ đợi. Ngoài ra, phương án truyền thông đa kênh phù hợp, bộ công cụ triển khai hấp dẫn và chuyên nghiệp.
Ông Tân kêu gọi các đối tác hãy hợp tác với Lotus, để mang tiếng nói trực tiếp đến gần hơn người dân.
"Triển khai các chương trình thông tin chính thống trên mạng xã hội Việt Nam, tuy quy mô chưa lớn như mạng xã hội ngoại, nhưng là môi trường sân nhà của hơn 2 triệu thành viên tích cực. Lotus có đầy đủ công cụ chuyên nghiệp và đa dạng để triển khai chương trình, hỗ trợ tiếp cận các Kols và các nhà sản xuất nội dung trên FB/Lotus. Hỗ trợ lan truyền thông điệp tới các đối tác truyền thông báo chí, trang tin. Hỗ trợ xây dựng các chiến dịch truyền thông tích cực, thuyết phục xã hội", ông Nguyễn Thế Tân phát biểu.
Minh Nhân
Pháp luật & bạn đọc