Theo Nikkei Asian Review, đây là dấu hiệu cho thấy sự chuẩn bị trong nhiều tháng cho lệnh trừng phạt nhằm hạn chế xuất khẩu của Mỹ.
Sự chuẩn bị cả vật chất và tinh thần của SMIC né "đòn chí mạng"
Việc mua hàng của SMIC từ các nhà cung cấp Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vượt quá nhu cầu của công ty này trong năm 2020, một số nguồn thạo tin cho biết. Các giao dịch chủ yếu là mua bán máy móc cho các quy trình sản xuất chính cũng như các bộ phận cần thay thế thường xuyên.
SMIC thậm chí đang làm việc với các nhà sản xuất chip Trung Quốc khác để tạo ra một kho dự trữ chung cho các linh kiện và máy móc.
Những nỗ lực của SMIC có phần tường đồng với gã khổng lồ công nghệ Huawei - trước đó đã ra sức đảm bảo nguồn cung chip khi Washington thắt chặt các hạn chế đối với xuất khẩu.
"SMIC đã cảnh giác rất cao kể từ đầu năm nay, khi nhận thức được rằng Mỹ có thể áp đặt những hạn chế hơn nữa đối với các nhà cung cấp cho Huawei không phải Mỹ về việc sử dụng công nghệ Mỹ. Điều này sau đó đã xảy ra vào tháng 5," nguồn thạo tin nói với Nikkei.
"Họ gấp rút mua nhiều phụ tùng thay thế cho các máy sản xuất chip hiện có - công việc cần thiết để đảm bảo hoạt động kinh doanh được liên tục trong trường hợp gặp bất cứ hạn chế nào."
Nguồn tin khác từ nhà sản xuất chip của Mỹ nói về mong muốn tích trữ máy móc của SMIC: "Công ty cũng đã đặt hàng nhiều máy móc hơn mức cần thiết cho kế hoạch mở rộng. Chúng tôi đã xuất xưởng một số máy, tuy nhiên vẫn còn nhiều sản phẩm cần giao theo đơn đặt hàng trước hạn cuối năm nay. Hiện tại chúng tôi không chắc liệu có thể chuyển hàng cho họ nữa hay không."
Đồng Giám đốc điều hành SMIC Zhao Haijun trước đó đã phủ nhận việc công ty ông đang tăng cường mua hàng trước nguy cơ đối mặt với khả năng Mỹ sẽ đưa ra những hạn chế. Mặc dù số liệu chi tiêu vốn kế hoạch trong năm nay tăng kỷ lục từ 3.1 lên 6.7 tỷ USD.
Đầu năm nay, công ty đã lo ngại rằng Washington sẽ tăng cường hạn chế giành cho Huawei và các công ty công nghệ khác khi căng thẳng giữa hai nước gia tăng.
Nỗi lo của SMIC đã thành hiện thực khi vào hôm 25/9, Bộ Thương mại Mỹ gửi thư cho các công ty Mỹ, cảnh báo rằng các công ty cần giấy phép đặc biệt để tiếp tục chuyển hàng cho SMIC. Thư trích dẫn "những rủi ro chưa từng có" rằng các sản phẩm của SMIC có thể phục vụ cho quân đội Trung Quốc - điều mà SMIC nhiều lần bác bỏ.
Mặc dù SMIC chưa chính thức được thêm vào danh sách thực thể giống Huawei nhưng động thái trên là tín hiệu mạnh mẽ rằng Mỹ đang tăng cường giám sát các nhà sản xuất chip.
Giám đốc đầu tư của J&J Investment Jonah Cheng nói với Nikkei: "Lệnh cấm qua lại và những động thái leo thang của chính quyền Trump đối với Huawei mang lại thách thức lớn cho chuỗi cung ứng. Ngay cả khi danh sách đen chính thức chưa được đưa ra, khách hàng của SMIC cũng sẽ bắt đầu phải tìm những nơi khác để xây dựng chip, tránh rủi ro về nguồn cung không ổn định."
Tham vọng hàng đầu của Bắc Kinh bị ảnh hưởng
Được sự hậu thuẫn của Bắc Kinh, SMIC là nhà sản xuất chip tiên tiến nhất của Trung Quốc và đóng vai trò quan trọng trong lộ trình tạo ra một ngành công nghiệp bán dẫn nội địa đầy cạnh tranh của chính phủ.
Ảnh: SCMP
SMIC phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp máy bán dẫn nước ngoài. Trong khi đó, các nguồn cung cấp của Mỹ đặc biệt chiếm ưu thế, kiểm soát hơn 80% thị trường ở một số phân khúc thiết bị chuyên dụng.
SMIC đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ sản xuất chip tiên tiến với hy vọng thu hẹp khoảng cách công nghệ với các công ty dẫn đầu thị trường. Đồng thời, nhà sản xuất chip này cũng đang cố gắng cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp của Mỹ.
"Mặc dù các sản phẩm thay thế của Trung Quốc [cho thiết bị nước ngoài] đã xuất hiện trong một số bộ phận của chuỗi cung ứng, tuy nhiên thông số kĩ thuật của chúng thường chậm hơn từ 2 đến 3 thế hệ. Chúng tôi tin rằng lệnh hạn chế đối với SMIC chỉ là một phần trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc và nhiều công ty Trung Quốc trong chuỗi cung ứng còn có nguy cơ bị cấm," nhà phân tích của Morningstar Equity Phelix Lee nói.
Nhà phân tích từ Bernstein Research Mark Li cho biết hạn chế xuất khẩu của Mỹ sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến khả năng sản xuất hiện tại và tương lai của SMIC cũng như lòng tin của khách hàng.
"Trong khi đó, Mỹ đã chiếm ưu thế trong sản xuất một số bộ phận không thể thiếu của các thiết bị sản xuất trong nhiều năm. Chúng tôi không nghĩ Trung Quốc có thể xây dựng dây chuyền sản xuất chỉ với công nghệ nội địa," ông Li nói.
Ông cũng ước lượng, lĩnh vực thiết bị bán dẫn của riêng Trung Quốc - phát triển nhanh chóng trong vài năm qua - vẫn chỉ chiếm khoảng 2% trên thị trường toàn cầu, trong khi tỷ lệ tự cung tự cấp nhìn chung của Trung Quốc đối với thiết bị chip hiện tại tối đa là 10%.