Sáng 4-10, HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 10-2020 với chủ đề “Công tác cải cách hành chính về hộ tịch - thực trạng và giải pháp”. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9, Đài Truyền hình TP.HCM.
Chương trình đã giải đáp một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn về quy định, áp dụng pháp luật, trình tự, thủ tục… về công tác hộ tịch trên địa bàn TP.
Cư trú ở bốn nơi, muốn xác nhận hôn nhân
Tại trường quay, ông Nguyễn Thanh Toàn (58 đường số 22, khu phố 23, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM) thắc mắc về việc xác nhận tình trạng hôn nhân (gọi tắt là giấy xác nhận độc thân). Theo đó một người từng cư trú ở nhiều nơi (chuyển hộ khẩu hoặc địa danh hành chính thay đổi...) thì phải tự chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình trong khoảng thời gian đó. Thực tế đang gặp nhiều khó khăn, vậy cơ quan nào giải quyết và giải quyết như thế nào?
Ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Hộ tịch - Quốc tịch Sở Tư pháp TP.HCM, giải đáp: Theo quy định, người yêu cầu cấp giấy xác nhận độc thân mà qua nhiều nơi cư trú khác nhau thì họ phải chứng minh tình trạng hôn nhân của mình ở những nơi đó cho cán bộ tư pháp - hộ tịch của nơi yêu cầu cấp giấy.
Nếu người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo lãnh đạo ủy ban để kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó (gửi văn bản). Nếu hết thời hạn trả lời mà cơ quan hộ tịch ở những nơi người này từng cư trú không trả lời thì cơ quan được yêu cầu cấp giấy, cho người dân làm cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình để cấp giấy xác nhận độc thân.
Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP, đặt câu hỏi: “Nếu người dân ở bốn nơi thì phải xác minh hết bốn hay sao?”.
Ông Lưu thông tin, hiện nay Bộ Tư pháp chỉ đạo là cơ quan đăng ký hộ tịch phải chủ động xác minh. Nếu không xác minh được hoặc gửi xác minh mà không có trả lời thì cho phép người yêu cầu cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình khi họ cư trú nhiều nơi. Tất nhiên, cán bộ tư pháp - hộ tịch phải giải thích cho người yêu cầu hiểu rõ hậu quả về việc cam đoan sai sự thật thì giấy tờ hộ tịch không có giá trị, có thể bị hủy bỏ và sẽ bị xử phạt phạt hành chính.
Toàn cảnh chương trình lắng nghe và trao đổi. Ảnh: KIM PHỤNG
Chết đã lâu, làm sao đăng ký khai tử?
Ông Nguyễn Thanh Toàn, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân (TP.HCM), hỏi về trường hợp người chết lâu năm chưa làm được giấy khai tử nếu không có giấy tờ chứng minh.
Ông Nguyễn Triều Lưu giải thích: Theo Thông tư 04/2020 của Bộ Tư pháp, trường hợp này phải cung cấp được giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết.
Nếu người yêu cầu đăng ký khai tử có những giấy tờ, tài liệu, chứng cứ của cơ quan có thẩm quyền xác nhận chết thì mới được giải quyết cho đăng ký khai tử. Trường hợp chết mà không có giấy tờ như trên thì cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ từ chối giải quyết.
Lúc này cơ quan tiếp nhận yêu cầu đăng ký khai tử phải hướng dẫn người dân đến TAND có thẩm quyền để yêu cầu tòa án tuyên bố một người là đã chết. Sau khi có quyết định tuyên bố như trên của tòa án thì ngươi dân đến cơ quan hộ tịch để đăng ký khai tử.
“Vậy có thể hỏi hàng xóm, láng giềng xác định là người chết được không?” - ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP, thắc mắc.
Ông Lưu trả lời trước đây có cho phép người làm chứng (hai người) về việc người chết đã lâu. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định của Thông tư 04 nêu trên thì không cho phép sử dụng lời chứng của họ nữa mà buộc phải có tài liệu, chứng cứ của cơ quan có thẩm quyền xác định người chết thì mới được giải quyết.
Cũng theo ông Lưu, do Thông tư 04 mới có hiệu lực được hai tháng nên Sở sẽ tổng hợp những vướng mắc khi thực hiện quy định này trên thực tế để báo cáo, kiến nghị với Bộ Tư pháp gỡ vướng.
Sơ kết quy trình liên thông “3 trong 1” Ông Đặng Thanh Bình, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 (TP.HCM), nêu những khó khăn về quy trình liên thông “3 trong 1” trong lĩnh vực hộ tịch (khai sinh, hộ khẩu, bảo hiểm). Cụ thể là quyết định của UBND TP về quy trình liên thông thủ tục hành chính gồm đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới sáu tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú trên địa bàn TP. Trưởng phòng Hộ tịch - Quốc tịch Sở Tư pháp Nguyễn Triều Lưu cho hay thực tế tỉ lệ người đăng ký thực hiện liên thông các nhóm thủ tục này còn thấp do người dân không có nhu cầu (ví dụ: đối với thủ tục liên thông khai sinh). Về bảo hiểm y tế, hộ khẩu, nhu cầu người dân chỉ cần làm khai sinh hoặc bảo hiểm, còn hộ khẩu người dân tự đi làm; khó khăn nhập khẩu do hộ khẩu người dân tự đi làm. Thời gian giao trả hồ sơ giữa công an quận và UBND phường đôi khi còn trễ... Từ đó kiến nghị TP sơ kết đánh giá quy trình liên thông thủ tục trên. Hiện nay với hai nhóm thủ tục liên thông nêu trên gồm đăng ký khai sinh - thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới sáu tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú trên địa bàn TP chỉ thực hiện khi có yêu cầu. Hai thủ tục hành chính liên thông này chỉ giải quyết khi có đủ điều kiện là người dân có yêu cầu và họ đủ điều kiện để áp dụng yêu cầu đó. Khi người dân không yêu cầu thì không làm thủ tục này hoặc là người dân yêu cầu mà không đủ điều kiện áp dụng quy trình liên thông thì cũng không làm được. Ví dụ, người dân chỉ đủ điều kiện đăng ký khai sinh cho trẻ chứ không đăng ký thường trú được vì cha mẹ trẻ được sinh ra không có hộ khẩu thường trú ở TP.HCM thì không áp dụng quy trình này được. Hiện nay, sau khi Sở kiểm tra hằng năm để nắm các vấn đề liên quan đến thủ tục này thì nhận thấy ở một vài địa phương thì liên thông cũng có trục trặc do tổ chức thực hiện giữa các cơ quan với nhau. Ví dụ việc chuyển thông tin trực tuyến giữa UBND phường và cơ quan bảo hiểm xã hội nên không phải chuyển hồ sơ giấy nữa. Thế nhưng, việc liên thông đối với công an quận thì phải chuyển bằng hồ sơ giấy và trả kết quả cũng bằng hồ sơ giấy nên đôi khi còn bị chậm trễ, không đảm bảo thời gian. Qua kiểm tra thì có trao đổi, các cơ quan nhắc nhở lẫn nhau để liên thông có hiệu quả, đảm bảo thời gian theo quy định. |