Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết TP có thế mạnh về mạng lưới sông ngòi với 110 tuyến sông, kênh rạch rải khắp địa bàn TP.
Hiện nay, UBND TP đã chấp thuận chủ trương cho Sở GTVT đầu tư xây dựng thêm 11 bến thủy nội địa. Sau khi hoàn thành, các bến này kết hợp với tuyến buýt sông số 1 và số 2 tạo thành hệ thống vận tải hành khách công cộng đường thủy cho TP.
Nhiều hành khách chưa tiếp cận được buýt sông
Theo ghi nhận của PV, tuyến buýt sông số 1 đã hoạt động khoảng ba năm nay. Tuy nhiên, nhiều hành khách chưa thể tiếp cận được với buýt sông do không thuận lợi về lộ trình di chuyển. Do đó, tuyến này chưa thể phát huy vai trò chia sẻ áp lực giao thông với đường bộ.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) và số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm), cho biết hiện nay một số bến của tuyến buýt sông số 1 chưa triển khai xây dựng được do đang vướng một số thủ tục về thuê đất.
Theo ông Toản, việc phát triển giao thông thủy của TP đã có kế hoạch thực hiện từ 10 năm nay nhưng hệ thống bến bãi vẫn chưa được hoàn thiện. Bến bãi cho giao thông thủy là nòng cốt, là xương sống để hình thành chuỗi hạ tầng phục vụ khách hàng. Đồng thời, bến bãi cũng là yếu tố then chốt để phát triển mạng lưới giao thông thủy trong thời gian tới.
“Chúng tôi mong muốn sớm được triển khai hệ thống bến bãi cho giao thông thủy bởi đây là điều kiện để đơn vị phục vụ khách hàng được tốt hơn. Cũng từ hệ thống bến bãi, hàng loạt tuyến giao thông thủy mới được nhân rộng, chia sẻ phần nào áp lực giao thông với đường bộ” - ông Toản kỳ vọng.
Du khách tham quan tại bến Bạch Đằng, quận 1 (thuộc bến của tuyến buýt đường sông số 1 và số 2). Ảnh: ĐÀO TRANG
Hệ thống bến bãi cần đầu tư xứng tầm
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đánh giá tiềm năng và lợi thế về vận tải hành khách đường thủy là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay TP chưa kêu gọi được doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Do đó, TP cần có các giải pháp để huy động, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khai thác hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.
Ngoài ra, quỹ đất để đầu tư phát triển loại hình giao thông này cũng còn hạn chế. Đơn cử, hàng loạt bến bãi thuộc các tuyến buýt sông được thực hiện theo hợp đồng BOO giữa TP và nhà đầu tư. Trong đó, hai tuyến buýt sông số 1 và 2 có tới 20 nhà ga nhưng đến nay thủ tục xác định vị trí, giao thuê đất của một số ga chưa tiến hành xong. Hiện Sở GTVT đang phối hợp với các sở, ngành, quận/huyện xúc tiến các thủ tục tiếp theo.
11 bến thủy nội địa được đề xuất đầu tư Trong 11 bến thủy nội địa được đề xuất đầu tư có sáu bến phục vụ tuyến buýt sông số 1 gồm Bình An, Thảo Điền (quận 2), Tầm Vu, Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Hiệp Bình Chánh, Linh Đông (quận Thủ Đức); năm bến phục vụ tuyến buýt sông số 2 gồm cầu Chữ Y (quận 5), Bình Tây, Lò Gốm (quận 6), Bình Đông, chùa Long Hoa (quận 8). |
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cũng cho rằng TP.HCM có thế mạnh về phát triển giao thông thủy nhưng chưa được đầu tư xứng tầm. Theo đó, TP cần bổ sung và xem xét quy hoạch cụ thể từng dự án.
Theo ông Sơn, có thể trong tương lai, TP cần nghiên cứu, xây dựng nhiều bến thủy hơn nữa thay vì 11 bến như đề xuất. Tuy nhiên, trước mắt TP cần làm tốt 11 bến này, nhất là các bến ở khu vực trung tâm TP.
Để đạt được hiệu quả khai thác thì hệ thống bến bãi phải hài hòa, hợp lý mới thu hút được hành khách. Trong đó, hành khách có thể chọn nhiều điểm cố định để dừng chân, thay vì rất ít như buýt sông hiện nay.
Song song đó, tại các bến bãi của giao thông thủy phải đồng nhất với giao thông đường bộ để tiện lợi cho người dân sử dụng. Cụ thể, tại các điểm lên xuống phải có bãi gửi xe, giao thông kết nối, tiện ích... Nếu tạo được một hệ thống giao thông đồng nhất thì người dân sẵn sàng sử dụng giao thông thủy.
Ngoài ra, TP có thể kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống giao thông thủy, bến bãi và các hình thức vui chơi, giải trí để thu hút người dân tham gia.
Cần có quy hoạch, khảo sát về lộ trình Hiện nay nhiều doanh nghiệp bắt đầu chú ý đến việc đầu tư vào buýt sông. Theo đó, TP cần điều phối, hỗ trợ phát triển các chương trình, sản phẩm của doanh nghiệp để trở thành một chuỗi sản phẩm tổng thể và liên kết với nhau. Bên cạnh đầu tư các bến bãi, TP cần có quy hoạch khảo sát thực tế về lộ trình, tuyến, sông nước, vị trí làm cảng bến ở các khu có đông dân cư hoặc nơi có nhu cầu. Sau đó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư làm cảng bến, mở tuyến, nạo vét… Đầu tư phát triển đường thủy cũng như đường bộ cần xác định chỗ nào là ngã tư, chỗ nào quay đầu, chỗ nào tiếp nhiên liệu… Trong đó, để thu hút hành khách thì mỗi cửa sông, khu dân cư đông đúc đều cần có cảng, bến. Ông BÙI KIM TOẢN, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật |