Bò tót lai F1 của ông Nguyễn Văn Chuẩn to lớn và hung dữ, đang được nuôi thả trên đồng cỏ - Ảnh: M.VINH
Ngày 3-10, quay lại thôn Bạc Rây 2 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) - nơi đang nuôi dưỡng 11 con bò tót F1 và F2, chúng tôi ghi nhận đàn bò tót lai đã được vỗ béo, phục hồi sức khỏe sau những ngày tháng ốm đói và suy kiệt.
Đây là tài sản của đề tài nghiên cứu khoa học “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa” (gọi tắt là dự án) do Trung tâm Ứng dụng khoa học - công nghệ (KH&CN) tỉnh Lâm Đồng chủ trì, ông Lê Xuân Thám (nguyên giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng) làm chủ nhiệm đề tài.
Dân nuôi có khác
Đã có những giải thích vòng vo của những người có trách nhiệm về tình trạng của đàn bò thuộc dự án sau khi hình ảnh về chúng được tiết lộ trên truyền thông. Để tìm hiểu thực tế, người ta chỉ cần đi tìm những con bò tót lai cùng đợt do ông Nguyễn Văn Chuẩn (ngụ xã Phước Bình, huyện Bác Ái) sở hữu và nuôi dưỡng ở cách... một hàng rào.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2009 đến 2012, một bò tót rừng (F0) đã tìm đến giao phối với các con bò nhà dân nuôi, cho ra đời hơn 20 con bò tót lai F1. Năm 2012, dự án mua lại 10 con bò tót lai F1 (5 đực và 5 cái). Số bò tót lai F1 còn lại người dân đã bán đi nhiều nơi cho thương lái, chỉ có gia đình ông Chuẩn giữ lại 2 con đực - cái. Từ 2 con này tiếp tục giao phối với bò nhà cho ra 2 con bò tót lai F2 gồm 1 đực và 1 cái. Hiện nay, thế hệ bò tót lai F3 đã xuất hiện tại nhà ông Chuẩn và là 1 bò đực.
Đàn bò nhà ông Chuẩn hiện được chăn thả trong khu vực vườn. Bằng mắt thường cũng nhận thấy bò đực và bò cái F1 to, mạnh khác thường với bò nhà. Bộ sừng, móng lẫn vóc dáng không thể lẫn được với những giống bò trong khu vực. Hai con bò F1 hung dữ nên ông Chuẩn phải dùng dây neo vào cọc. Khi thấy người lạ đến gần, con bò đực chồm lên như muốn tấn công.
Gây chú ý nhất với chúng tôi là con bò tót đực lai F3 vì nó giống với bò nhà hơn bò tót. Các cán bộ theo dõi dự án khẳng định đây là con F3, đã được ghi nhận trong báo cáo nghiệm thu đề tài. Con F3 này chỉ còn 12,5% huyết thống của bò tót rừng (F0).
Ông Chuẩn cho biết chăm sóc đàn bò lai không có gì đặc biệt so với bò nhà nhưng cho ăn cỏ, cám viên và cỏ lên men nhiều hơn. Những thời điểm chuyển mùa, ông mua các loại vitamin và khoáng chất bán sẵn tại các cửa hàng thuốc thú y cho bò tót lai uống thêm đề phòng bệnh. “Nuôi chúng không khó, chỉ cực nhất là phải làm hàng rào cẩn thận tránh bị bắt trộm, cũng như chúng phá rào bỏ đi hoặc ra ngoài húc chết bò nhà”, ông Chuẩn nói.
Đa số bò tót lai của dự án trong tình trạng đói ăn, suy kiệt và mới được vỗ béo trở lại sau khi truyền thông lên tiếng - Ảnh: M.VINH
Dự án thất bại?
Nhìn ngược lại đàn bò của dự án quả không khỏi xót xa. Đàn bò 11 con gồm 10 con F1 (5 đực, 5 cái) mua năm 2010 và 1 con F2 (con của con đực số 3 trong đàn giao phối với bò nhà của dân) bị nuôi nhốt trong khuôn viên chuồng chỉ hơn 500m2. Trong đàn có 3 con ốm trơ xương, 5 con có tình trạng khá hơn nhưng phần hông và phần mông lộ hẳn xương, 2 con gồm con đực đầu đàn và con cái khỏe mạnh, hung dữ nhưng phần hông đã lộ thấp thoáng xương. Con bò F2 có màu vàng, thân hình nhỏ như bò nhà và đang mang thai.
Sau khi được cung cấp thức ăn đầy đủ, được ăn cỏ tươi, cỏ lên men và cám viên trong những ngày qua, đàn bò có dấu hiệu lanh lợi, di chuyển qua lại trong khu vực chuồng, một số con có vẻ hung dữ khi tranh thức ăn cùng nhau.
Đàn bò này thiếu ăn đến mức như suy kiệt là do khi dự án kết thúc (tháng 6-2019), các bên (UBND tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận) đã đồng ý chủ trương bàn giao - tiếp nhận đàn bò nhưng sau hơn một năm vẫn chưa triển khai và cũng không cấp kinh phí để tiếp tục nuôi dưỡng.
Dự án cấp quốc gia nêu trên từng được Bộ KH&CN cấp kinh phí 2,5 tỉ đồng, hai sở KH&CN tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Lâm Đồng góp 700 triệu đồng để thực hiện. Dự án chính thức kết thúc vào tháng 6-2019 và bắt đầu nghiệm thu. Bộ KH&CN khi nghiệm thu đã đánh giá công trình hoàn thành mục tiêu khoa học: gìn giữ nguồn gen lai quý hiếm bò tót - bò nhà và tạo tiền đề nghiên cứu cải thiện chất lượng đàn bò nhà về khả năng cho thịt và chất lượng thịt.
Tuy nhiên, nhìn vào con số phát triển đàn bò lai mới thấy kết quả của dự án này rất hạn chế. Ban đầu dự án kỳ vọng từ 10 con F1 sẽ phát triển được đàn bò F2 gồm 40 con, trong đó có 5 con đực. Mục tiêu này được điều chỉnh xuống còn… 3 con sau đó và số lượng con đực F2 điều chỉnh chỉ còn… 1 con. Thậm chí con F2 mà dự án đang sở hữu là sản phẩm giao phối của con đực F1 (con số 3) với bò cái nhà của dân trong vùng và được bên dự án mua lại. Chưa kể đa số con bò đực F1 (trừ một con lai với bò nhà có kết quả) của dự án đến thời điểm hiện tại đều bất thụ.
Ở góc độ này, có thể thấy dự án đã không tạo được đàn bò với những ưu thế so với bò nhà.
Sẽ lấy ý kiến của chuyên gia Thảo cầm viên Sài Gòn
Theo đại diện Vườn quốc gia Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận), đơn vị này đã chuẩn bị diện tích rừng để nuôi thả đàn bò theo kiểu bán tự nhiên. Về việc di chuyển đàn bò tới nơi ở mới, ông Nguyễn Công Vân - giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình - cho biết sau khi tiếp nhận sẽ tham khảo ý kiến các chuyên gia của Thảo cầm viên Sài Gòn (TP.HCM) để chọn ra phương án an toàn.
TTO - Chiều 30-9, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký quyết định về việc chuyển giao 10 con bò tót lai bò nhà (F1) và 1 con bò tót lai (F2) cho Vườn quốc gia Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận) chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo tồn, khai thác trong tháng 10-2020.
Xem thêm: mth.71974111240010202-eohk-ot-ioun-nad-ob-o-mo-na-ud-ob-ial-tot-ob-uv-hnauq-ioh-uac-ueihn/nv.ertiout