Bác sĩ Trương Hoàng Vĩnh Khiêm (bên phải) chuẩn bị cho một ca phẫu thuật - Ảnh: BVCC
Thông thường với bệnh nhân bị thương nghiêm trọng phần chân, đặc biệt đối với bệnh nhân ở độ tuổi còn trẻ, bác sĩ chúng tôi cố gắng làm hết sức để có thể giữ lại đôi chân cho họ. Với trường hợp R.N., tôi nghĩ mình sẽ giữ được đôi chân cho em. Và nhất định tôi sẽ làm được điều đó.
BS TRƯƠNG HOÀNG VĨNH KHIÊM
Hơn một năm trước, khi R.N. đang đi xe đạp thì bất ngờ bị xe container tông. Vụ tai nạn khiến đôi chân của em bị thương nghiêm trọng. Ngay sau đó em được đưa đi cấp cứu, trải qua 3 cuộc phẫu thuật tại một bệnh viện lớn ở Campuchia. Thế nhưng vết thương quá nặng, các bác sĩ đề nghị cắt bỏ đôi chân của em lên tới đầu gối.
Ánh sáng cuối đường hầm
Ngày 23-9, chia sẻ với chúng tôi qua điện thoại (có sự hỗ trợ thông dịch viên), chị O.M.T. (42 tuổi, mẹ em R.N., người Campuchia) nhớ lại lúc nhận tin dữ, cả gia đình như chết đứng. Nhưng với quyết tâm không để đứa con trai bị tàn phế, gia đình xin bệnh viện cho em R.N. về nhà.
Vài ngày sau, gia đình quyết định thuê xe cứu thương để đưa em R.N. đến bệnh viện ở Việt Nam qua lời giới thiệu của người thân. Chị T. cùng R.N. di chuyển đoạn đường xa gần 400km với hi vọng các y bác sĩ sẽ lấy lại đôi chân lành lặn cho em.
BS Trương Hoàng Vĩnh Khiêm (khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện FV) cho biết lúc này cả chị T. và R.N. đều rất hoảng loạn.
Riêng R.N. đau đớn, vết thương nhiễm trùng nặng, rỉ dịch nước vàng, bốc mùi hôi thối. Các bác sĩ nhận thấy chân trái bệnh nhân bị nhiễm trùng, hoại tử, xương cổ chân bị mất mô cơ, toàn bộ cẳng chân phải cũng bị nhiễm trùng, hoại tử, mất hết da và cơ.
Qua chẩn đoán, BS Khiêm thông báo tỉ lệ cứu sống đôi chân của R.N. là 50%, song song đó hành trình phẫu thuật, tập vật lý trị liệu phía trước rất gian nan, cần nhiều thời gian, sự kiên trì, lòng quyết tâm của cả bệnh nhân và đội ngũ y bác sĩ.
3 lần phẫu thuật, nỗ lực tập vật lý trị liệu
R.N. nhập viện và phải qua 3 lần phẫu thuật. Lần thứ nhất, R.N. được bác sĩ rửa sạch vết thương, đặt máy hút dịch để hạn chế vi khuẩn, lấy bỏ thịt chết, quá trình này kéo dài trong 3 tiếng.
Năm ngày sau, cuộc phẫu thuật lần hai diễn ra trong vòng 2 tiếng để vệ sinh vết thương lần nữa và cắt lọc các mô cơ bị hoại tử.
Năm ngày tiếp theo, cuộc phẫu thuật lần ba diễn ra, bác sĩ Khiêm đã thực hiện xoay vạt da, ghép da che phủ lên phần xương bị lộ được lấy từ phần da mông và da đùi bệnh nhân trong vòng 4 tiếng đồng hồ.
“Phần vạt da để xoay đó cũng không nguyên vẹn nhưng nếu tôi không sử dụng phương án này thì không cứu được đôi chân bệnh nhân” - BS Khiêm nói.
Nhờ việc điều trị, chăm sóc tích cực, vạt vi phẫu đã hoàn toàn ổn định, che phủ toàn bộ phần lộ xương cẳng chân và tình trạng nhiễm trùng cũng không còn nữa. Về phần da ghép đã sống tốt, bám tốt vào nền nhân.
Là một trong những người hằng ngày chăm sóc R.N., điều dưỡng Lê Sĩ Thúy cho hay thời gian thay băng và lượng băng cần dùng cho R.N. phải gấp 2-3 lần so với những bệnh nhân khác do vết thương của em lan rộng khắp hai chân.
“Với em R.N., một cử động duỗi thẳng chân thôi cũng rất khó khăn. Tôi biết em rất đau đớn nên tôi luôn động viên em, nếu không là em rất dễ bỏ cuộc”- điều dưỡng Thúy chia sẻ.
Sau thời gian tập vật lý trị liệu tích cực, R.N. được cho xuất viện sau 1 tuần, sau đó tiếp tục tập vật lý trị liệu tại khoa vật lý trị liệu của bệnh viện. Kết quả sau 3 tháng, hai chân của R.N. đã phục hồi gần như hoàn toàn, em có thể đi lại trên đôi chân của mình dù hơi khập khiễng (do chân phải còn co rút gân gót), bên cạnh đó R.N. cũng biết nói vài từ tiếng Việt căn bản.
“Trong thời gian dài nằm viện, R.N. tự tìm những video dạy tiếng Anh, tiếng Việt căn bản để thuận tiện giao tiếp với chúng tôi. Hai từ tiếng Việt mà cậu bé hay dùng nhất là “đau” và “xin chào”” - điều dưỡng Thúy vừa cười vừa kể.
Hiện R.N. đã tự đạp xe đạp đến trường. Trong thời gian tới, với mong muốn của R.N. được đi lại bình thường như bao người khác, BS Vĩnh Khiêm khuyến khích em sớm trở lại để tiến hành phẫu thuật nối làm dài gân gót sớm nhất có thể.
Khi nào sẽ xoay chuyển vạt da?
Theo BS Vĩnh Khiêm, phẫu thuật xoay chuyển vạt da có vai trò quan trọng trong điều trị các khuyết hổng phần mềm, đặc biệt là các chấn thương ở các vị trí ít phần mềm như 1/3 dưới cẳng chân, gót chân hay mu bàn chân.
Vết thương phần mềm làm lộ gân, xương khớp, dây thần kinh, mạch máu; vết thương mất đoạn gân, mất xương… là những chấn thương nghiêm trọng dễ dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử gân - xương, biến dạng, co rút cơ quan vận động, cứng khớp và làm mất chức năng vận động của chi nếu như không được điều trị đúng cách.
Một bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình cho hay phẫu thuật xoay chuyển vạt da là kỹ thuật khó và phức tạp, để thực hiện đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề cao.
TTO - Sau khi bơm silicon lỏng 1 ngày vào vùng mông, chị H. thấy mông mình có hiện tượng căng cứng, khó chịu, loét nên đi bệnh viện và được mổ nạo vét ra khoảng 2.500cc tổ chức hoại tử và dịch mủ.
Xem thêm: mth.57945101240010202-ob-tac-ihgn-ed-ib-ad-iout-61-aihcupmac-ert-nab-nahc-iod-hnis-ioh/nv.ertiout