Đứng trên cầu tạm nối 2 xã Nghĩa Phú và Nghĩa An của TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) nhìn xuống sông Tân Mỹ, tàu thuyền đậu cứ như sau chuyến xa khơi trở về. Nhưng không phải, đó là những con tàu đã nằm bờ dài ngày, do ngư dân vay tiền để đóng mới nhưng làm ăn không hiệu quả, đành để tàu phơi giữa nắng mưa.
Càng hoạt động càng lỗ
Ông Đỗ Thanh Sơn, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu dân cư số 1 (thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An), nghe tôi hỏi chuyện, thở dài: "Không chỉ ở khu dân cư này, mà cả thôn Phổ Trường và toàn xã Nghĩa An, chuyện vay nợ ngân hàng đóng tàu rồi làm ăn thua lỗ giờ trở thành phổ biến. Chú mày muốn biết, cứ ra mé sông".
Theo hướng chỉ của ông, tôi lần ra sông. Bến sông im ắng. Tàu đậu đấy nhưng không thấy cảnh tấp nập "trên bến dưới thuyền" của ngày nào. Những con tàu công suất trên 400 CV nằm sắp lớp, cabin gương phủ bụi mờ, thân tàu bong tróc.
Ngư dân Võ Văn Hiền bơi chiếc ghe chèo ra tàu, cột dây rồi nhảy lên tàu đi tới đi lui, múc nước trong khoang đổ xuống biển.
Anh ngao ngán kể: "Năm 2014, tôi vay ngân hàng 3 tỉ đồng đóng mới đôi tàu, công suất mỗi chiếc 450 CV, hành nghề giã cào đôi. Nhưng rồi có quy định vùng biển 12 hải lý tính từ bờ ra là không được đánh bắt để bảo tồn nguồn tài nguyên biển, nên tôi đưa tàu ra vùng biển xa hơn. Nhưng ở vùng biển ngoài 12 hải lý cá ít nên đánh bắt không hiệu quả. Nhiều chuyến ra khơi trở về, bán cá, tiền thu không đủ chi phí nên tôi phải xin khất nợ các đại lý xăng dầu mới có thể đi chuyến kế tiếp. Những người đi bạn (làm công trên tàu) thấy đánh bắt không hiệu quả nên cũng giã từ tàu để đến nơi khác làm thợ đụng, tức là ai thuê gì làm nấy, kiếm sống qua ngày. Tôi hết cách, đành neo tàu ở đây".
Những chiếc tàu do ngư dân xã Nghĩa An đầu tư từ tiền vay ngân hàng nay nằm ở bến sông Tân Mỹ giữa nắng mưa
Tàu neo ở bến sông này đã gần 2 năm. Để đắp đổi cuộc sống, anh Hiền lúc thì đi bạn cho những con tàu hành nghề câu, lúc thì mang vài tấm lưới chèo thuyền ra phía ngoài cửa biển bắt cá tôm. Những tháng biển động, cuộc sống của gia đình càng thêm khốn khó.
Anh Hiền kể những ngày đầu cho tàu nằm bờ, cứ vài ba hôm anh ra khởi động máy, tát nước trong khoang ra ngoài để bảo vệ tàu. Nhưng rồi tháng năm trôi qua, việc bảo quản con tàu cũng không được như trước và mưa nắng làm ván trên sàn bắt đầu mục.
Hỏi chuyện làm nghề giã cào không hiệu quả sao không chuyển qua nghề khác? Anh Hiền cười như mếu: "Muốn chuyển đổi nghề, trước tiên phải sửa lại tàu, trang bị lại ngư lưới cụ. Mình mắc nợ ngân hàng chưa trả được, giờ ai cho vay? Vả lại, chuyển đổi nghề thì phải học nghề chứ đâu muốn là chuyển ào ào được".
Ông Trương Phong, nhà gần bến sông, nghe chuyện cũng thở dài thườn thượt. Ông nhớ lại: "Con tôi là Trương Hoài Quý, vay ngân hàng 3 tỉ đồng, cộng với tiền tích góp nhiều năm mới đóng được đôi tàu công suất 540 CV để hành nghề giã cào. Chuyến biển đầu tiên, trước khi ra khơi, nó bày mâm cơm nhờ tôi cúng thần biển. Nó nói: "Vay nợ cũng nhiều nhưng ba yên tâm. Con sẽ cố gắng làm ăn trả nợ".
Hai năm đầu tiên làm ăn có lãi, con ông Phong trả ngân hàng được 1 tỉ đồng. Nhưng những năm tiếp theo làm ăn thua lỗ, tính ra, nợ ngân hàng cả tiền gốc lẫn lãi giờ quay lại 3 tỉ đồng. Thấy lãi mẹ đẻ lãi con, sau những chuyến biển trở về, con ông cứ thở vắn than dài.
Ông Phong kể đã động viên con: "Thôi thì con cố gắng ra khơi. Biết đâu mai này có cách gì gỡ rối thì con trả được nợ, cũng còn chiếc tàu mà làm ăn". Nghe lời cha, con ông lại đưa tàu ra khơi. Nhưng rồi làm ăn vẫn bữa đực bữa cái, nợ nần cứ treo trước mũi tàu. Mỗi chuyến ra khơi trở về, khoang tàu ít cá, cha con đầy nỗi lo.
Lụy cả người thân
Cách nhà ông Phong không xa là nhà của ngư dân Võ Văn Cường.
Khi tôi đến, hàng xóm bảo anh Cường làm ăn thua lỗ, ngân hàng tịch biên nhà, phát mại rồi. Anh đã đưa 3 đứa con cùng vợ vào vùng biển Phước Tỉnh sống nhờ nhà người thân rồi đi bạn chứ nhà không còn, tàu không còn thì ở đây lấy gì sống.
Hôm vợ chồng anh Cường ra đi, nhiều người đến tiễn. Có người động viên anh rằng "sông có khúc, người có lúc", cứ chịu khó đi, biết đâu vào trong ấy rồi cuộc sống khá hơn, hoàn trả được nợ nần.
Ông Trương Phong (bìa trái) ngao ngán kể chuyện con ông vay ngân hàng đóng tàu nhưng làm ăn không hiệu quả
Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Phạm Thị Công đưa ra những con số thống kê buồn: Trong tổng số 1.040 con tàu của toàn xã Nghĩa An thì có 600 tàu hành nghề giã cào đôi. Trong số này có 400 tàu của ngư dân rơi vào cảnh nợ ngân hàng với tổng số nợ ước khoảng 1.000 tỉ đồng. Bởi một đôi tàu hành nghề giã cào đóng mới và mua sắm ngư lưới cụ phải trên 3 tỉ đồng.
Chuyện mắc nợ ngân hàng đã đẩy một số gia đình ở Nghĩa An không chỉ mất tàu, mất nhà mà người thân cũng rơi vào thảm kịch. Đấy là những trường hợp đã đưa tàu ra thế chấp vay tiền ngân hàng nhưng vẫn chưa đủ để hoạt động nên phải mượn thêm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cha mẹ hoặc anh em để thế chấp. Hầu hết đấy là những hộ mới tách ra ở riêng, tài sản chưa có. Nay làm ăn không hiệu quả, ngân hàng phát mại con tàu chưa đủ thì phải kê biên cả nhà cửa thế chấp, dẫn đến người thân bị vạ lây. Một số hộ khác, ngân hàng tịch biên nhà cửa rồi nhưng chưa có người mua, sợ tài sản xuống cấp bèn cho con nợ ở tạm, nên ở trong nhà mình mà lại chẳng còn là của mình. Rất xót.
Ngân hàng cũng khổ
Phía ngân hàng cũng khó khăn không kém, vì chủ tàu thiếu nợ thì đã tịch biên, phát mại tàu để thu hồi vốn nhưng biết bán cho ai? Bởi tàu hành nghề giã cào, nay muốn chuyển nghề khác thì người mua tàu phải tu sửa lại, rất tốn kém. Cả con nợ (chủ tàu) lẫn chủ nợ (ngân hàng) đều rơi vào cảnh khó khăn.
Trước tình trạng người dân vay tiền ngân hàng đóng tàu rồi làm ăn thua lỗ, bị tịch biên tài sản, phát mại để thu hồi nợ quá nhiều nên từ tháng 6-2018, chính quyền xã Nghĩa An đã có văn bản trình UBND TP Quảng Ngãi kiến nghị cấp trên can thiệp với ngân hàng cho khoanh nợ, giãn nợ cho ngư dân, tạo điều kiện chuyển đổi nghề để ngư dân có điều kiện trả dần.
Theo đó, UBND TP Quảng Ngãi cũng đã có văn bản trình UBND tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 26-9-2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính có Công văn số 5331/UBND-NNTN về tình hình kinh tế khó khăn của ngư dân xã Nghĩa An. Theo đó, ông Bính giao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ngãi phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND TP Quảng Ngãi làm việc với các ngân hàng thương mại trên địa bàn, đề nghị các ngân hàng xem xét giãn nợ, khoanh nợ hoặc thực hiện các giải pháp nghiệp vụ tạo điều kiện cho ngư dân có thời gian trả nợ. Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chính quyền các huyện, TP ven biển xây dựng và đề xuất cho tỉnh triển khai chính sách chuyển đổi ngành nghề khai thác biển cho ngư dân.
"Văn bản tính ra là khá đầy đủ. Nhưng mọi chuyện vẫn bế tắc. Tuần nào cũng có giấy mời của ngân hàng gửi đến xã mời tham gia chứng kiến kê biên, phát mại tài sản của ngư dân. Xót lắm. Ảnh hưởng cả việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà địa phương thì không tháo gỡ được" - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Phạm Thị Công nghẹn lời.
Hai năm qua, tuần nào cũng có trường hợp ngân hàng mời chính quyền xã Nghĩa An đi chứng kiến việc ngư dân thiếu nợ phải kê biên tài sản. Ban đầu, lãnh đạo xã đi dự, sau đó thấy chuyện kê biên, phát mại tài sản của ngư dân trở thành “chuyện thường ngày” nên xã phân công cán bộ theo dõi ngành thủy sản đi thay.
Võ Quý Cầu
NLĐ
Xem thêm: nhc.18370628050010202-uat-iod-tan-nat/nv.zibefac