Từ chiều 2-10, sau khi hồ thủy điện Hòa Bình xả cửa đáy thứ hai, cá bắt đầu có hiện tượng ngửa trắng bụng - Ảnh: T. QUÂN
Ngày 5-9, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, chị Nguyễn Thị Nga (Khu 1 xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy) cho biết từ chiều 2-10, sau khi hồ thủy điện Hòa Bình xả cửa đáy thứ hai, cá bắt đầu có hiện tượng chết.
"Gia đình tôi nuôi hơn 20 lồng, lồng nào cũng có cá chết. 4 - 5 nhà nuôi cá gần nhà tôi cũng bị vậy. Nhiều nhất là cá lăng, cá rô và cá ngạnh sông. Đến hôm qua, khi nhà đóng cửa xả, hiện tượng cá chết đã giảm. Thiệt hại đợt này ước tính hơn 2 tấn cá", chị kể.
Theo chị Nga, trước khi thủy điện Hòa Bình xả cửa đáy thứ nhất, gia đình nhận được thông báo trước một ngày. Khi mở cửa xả thứ hai, một ngày sau chị mới nhận được thông báo.
"Khi nhận được thông báo, theo kinh nghiệm, chúng tôi cũng chỉ biết dạt lồng nuôi vào gần bờ. Khi xả cửa đáy thứ hai vào buổi sáng, đến chiều, cá chết nhiều. Gia đình tôi cả đêm không ngủ để ‘cứu cá’. Cá đến thời kỳ thu hoạch, chúng tôi kéo lên bán chạy. Còn loại nhỏ, nhỡ và cá giống, chúng tôi cũng chẳng biết chạy đi đâu", chị Nga nói
Cá lăng, cá rô và cá ngạnh sông phơi bụng sau khi thủy điện xả lũ - Ảnh: T. QUÂN
Chị Nga cho biết bình thường cá gia đình nuôi khỏe mạnh, không có hiện tượng chết bất thường bởi năm 2017 và 2018 mỗi khi thủy điện xả lũ là cá đều bị chết, năm 2019 thủy điện không xả lũ thì không bị ảnh hưởng, thiệt hại gì.
"Năm 2017, cá chết trắng lồng chúng tôi được hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng. Số tiền này rất nhỏ so với thiệt hại của người dân. Đến năm 2018 cá vẫn chết nhưng chúng tôi không được hỗ trợ. Năm nay thì chưa biết có được hỗ trợ không, nhưng chúng tôi chỉ mong muốn được chăn nuôi ổn định. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dù năm nay giá bán cá có rẻ hơn, chúng tôi vẫn phấn khởi nhưng chỉ trong mấy ngày nay chúng tôi lại mất ăn, mất ngủ vì cá chết hàng loạt", chị Nga chia sẻ.
Ông Nguyễn Trọng Luyện, trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), xác nhận sau khi hồ thủy điện Hòa Bình xả cửa đáy thứ 2 từ ngày 2-10, nhiều lồng cá nuôi trên sông Đà (thuộc các xã Đoan Hạ, Thạch Đồng và Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy) đã xuất hiện hiện tượng cá chết.
"Hiện tượng cá chết đến nay đã giảm. Qua thống kê ban đầu, số lồng cá bị thiệt hại là trên 20 lồng, với tổng số cá chết đến nay trên 10 tấn, ước thiệt hại hơn 2 tỉ đồng" - ông Luyện nói.
Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thanh Thủy đi kiểm tra hiện tượng cá chết hàng loạt - Ảnh: T. QUÂN
Theo ông Luyện, ngay sau khi xảy ra hiện tượng cá chết, UBND huyện Thanh Thủy đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với UBND xã Thạch Đồng, UBND xã Xuân Lộc cũng như các hộ nuôi cá kiểm tra, nắm bắt tình hình để triển khai các biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra, hỗ trợ và yêu cầu người dân chủ động vệ sinh làm thoáng mặt lồng nuôi cá, chắn bạt, di chuyển lồng vào những khu vực an toàn, hạn chế dòng nước, thường xuyên theo dõi sức khỏe của cá để có biện pháp xử lý kịp thời...
"Nguyên nhân ban đầu được xác định là do thủy điện Hòa Bình xả lũ, khiến cá bị ngộ độc. Huyện đang thống kê thiệt hại để báo cáo tỉnh Phú Thọ. Sau đó tỉnh Phú Thọ sẽ có văn bản gửi cho phía thủy điện Hòa Bình để có phương án hỗ trợ thiệt hại cho người dân" - ông Luyện thông tin.
Trước đó vào tháng 7-2017 và tháng 7-2018, sau khi thủy điện Hòa Bình xả lũ, nhiều hộ nuôi cá lồng dọc theo sông Đà ở huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) cũng "lao đao" vì cá chết hàng loạt.
TTO - Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai vừa yêu cầu hồ thủy điện Hòa Bình mở thêm một cửa xả lũ vào lúc 16h ngày 2-10. Hồ này đang mở 2 cửa xả đáy.
Xem thêm: mth.64025624150010202-ac-uuc-med-gnart-nad-ul-ax-hnib-aoh-neid-yuht/nv.ertiout