Lúc 7h04 một sáng mùa thu 2020 tại Tokyo, các nhân viên của Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE) nhận thấy vấn đề nghiêm trọng: Một thiết bị dữ liệu không thể thiếu trong hệ thống giao dịch Arrowhead đã bị lỗi, thiết bị dự phòng cũng không thể hoạt động.
Chỉ còn chưa đầy một tiếng đồng hồ nữa là tới giờ giao dịch, các lãnh đạo của TSE không còn lựa chọn nào khác và đành phải thông báo đóng cửa suốt cả ngày để có thời gian khắc phục sự cố.
Theo Bloomberg, đây là lần đóng cửa dài nhất của TSE kể từ khi Sở Giao dịch này chuyển sang hệ thống tự động hoàn toàn năm 1999. Các thành viên thị trường cũng như cơ quan quản lí đều lên tiếng chỉ trích TSE vì để xảy ra sự cố nghiêm trọng trên.
Sự cố cũng hướng sự chú ý của dư luận tới một điểm yếu ít được nhắc đến, đó là phần cứng. Các chuyên gia hay nói về rủi ro phần mềm và bảo mật đường truyền, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi một trong số hàng trăm bộ phận phần cứng cấu thành hệ thống giao dịch đột nhiên ngừng hoạt động?
"Sàn giao dịch là một phần thiết yếu của hạ tầng thị trường chứng khoán và việc hoạt động giao dịch bị gián đoạn là điều không thể chấp nhận được", Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói. "Máy móc lúc nào cũng có thể hỏng hóc, người quản lí phải chuẩn bị cho tình huống này khi tạo ra hạ tầng giao dịch".
Trong những năm 2000 khi TSE sử dụng một hệ thống cũ, hàng loạt sự cố xảy ra làm gián đoạn hoạt động. Hệ thống mới có tên Arrowhead (Mũi tên) được đưa vào vận hành năm 2010 và được ca ngợi là một giải pháp tiên tiến. Trong một thập kỉ hoạt động vừa qua, hệ thống 350 máy chủ của Arrowhead đã xử lí các lệnh mua bán chứng khoán tương đối trơn tru, có một số trục trặc nhưng không có sự cố gián đoạn nào lớn.
Thế nhưng vào thứ Năm tuần trước (1/10), một phần cứng có tên gọi Ổ đĩa chia sẻ số 1 gặp phải lỗi về bộ nhớ. Đây là một trong hai hộp lưu trữ dữ liệu hình vuông của TSE. Các hộp dữ liệu này chứa thông tin quản lí trên khắp máy chủ và phân phối các thông tin như lệnh giao dịch, ID và mật khẩu tới các thiết bị đầu cuối.
Khi Ổ đĩa số 1 xảy ra lỗi, hệ thống lẽ ra phải tự động chuyển sang sử dụng Ổ đĩa số 2 nhưng vì lí do nào đó, quá trình chuyển đổi này cũng xảy ra lỗi. Vậy là các máy chủ không thể gửi dữ liệu thị trường tới cho các nhà đầu tư.
Mất dữ liệu đặt lệnh
Lúc 8h sáng ngày 1/10, các nhà giao dịch có mặt trên bàn làm việc nhưng không nhìn thấy giá cả nhảy múa trên màn hình, có người thấy số liệu xuất hiện rồi lại biến mất. Không ai biết những thông tin này có chính xác hay không.
Một phút sau, Sàn Chứng khoán Tokyo (TSE) gửi thông báo đầu tiên tới các công ty chứng khoán cho biết đã xảy ra sự cố. Tại một số công ty, thông tin này chưa được chuyển ngay tới bộ phận giao dịch gồm những người đang không hiểu chuyện gì xảy ra.
Đến khoảng 8h05, trên mạng xã hội Twitter bắt đầu lan truyền các tin đồn về sự cố. Các nhà giao dịch ngày càng cảm thấy bối rối khi TSE chỉ gửi ra rất ít thông tin.
Ông Masaya Akiba, một môi giới tại công ty chứng khoán Marusan Securities nói: "Chúng tôi khi đó không biết lỗi ở hệ thống của mình hay là ở sàn giao dịch. Chỉ đến khi TSE gửi ra thông cáo thì chúng tôi mới biết chắc".
Đến 8h36, TSE cuối cùng mới thông báo tới các công ty chứng khoán rằng hoạt động giao dịch sẽ bị gián đoạn. Ba phút sau, TSE ra thông cáo báo chí trên website nhưng chỉ có bản tiếng Nhật. Một bản dịch qua loa bằng tiếng Anh được công bố hơn 90 phút sau đó.
Đây là lần đầu tiên trong gần 15 năm Sàn Chứng khoán Tokyo phải dừng giao dịch hoàn toàn. Chính sách của TSE là không đóng cửa kể cả trong thời gian xảy ra thảm họa tự nhiên nên đối với nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, 1/10/2020 là lần đầu tiên giao dịch bị gián đoạn.
Quyết định lịch sử
Một số nhà giao dịch đã vô cùng bực tức khi sự cố xảy ra. Số khác thì không có việc gì làm nên đã tìm đọc các bài phân tích thị trường hoặc chuyển sang giao dịch hàng hóa thay vì chứng khoán.
Bloomberg dẫn lời ông Kiyoshi Ishigane – Giám đốc quản lí quĩ tại Mitsubishi UFJ Kokusai nói: "Lúc đầu tôi cũng không suy nghĩ gì nhiều. Những sự cố trước đây được xử lí rất nhanh nên tôi nghĩ là các lệnh giao dịch chỉ bị chậm".
Tuy nhiên sau nhiều giờ, sự cố vẫn tiếp diễn, ông Hajime Sakai – Giám đốc quản lí quĩ tại Mito Securities ngày càng trở nên sốt ruột. "Tôi chẳng thể để tâm tới chuyện gì khác. Tôi không đòi phải mở cửa thị trường mà chỉ mong có một thông báo dứt khoát", ông Sakai nói.
Việc quyết định đưa ra thông báo nào là không hề dễ dàng. Sau khi không thể tự động chuyển đổi sang Ổ cứng số 2, TSE đã thực hiện thao tác bằng tay. Vào lúc này, các quản lí của TSE phải lựa chọn giữa hai phương án: Một là nghỉ giao dịch cả ngày hôm đó, hai là tắt nguồn và khởi động lại hệ thống để nối lại giao dịch ngay.
Tuy nhiên nếu làm theo phương án số 2 thì các lệnh đã nhận từ công ty chứng khoán sẽ bị mất mà không bị hủy. Các công ty chứng khoán cho rằng làm theo phương án 2 sẽ khiến thị trường rơi vào hỗn loạn.
Vì vậy TSE quyết định đóng cửa cả ngày 1/10 và bắt đầu mở lại giao dịch vào ngày hôm sau. Nhiều thành viên thị trường cảm thấy nhẹ nhõm vì quyết định này.
Thẳng thắn nhận trách nhiệm
Lúc 4h30 chiều cùng ngày, 4 lãnh đạo Sàn Chứng khoán Tokyo (TSE) bao gồm Tổng Giám đốc Koichiro Miyahara và Giám đốc thông tin Ryusuke Yokoyama gặp mặt báo chí để giải thích về sự cố.
Buổi họp báo kéo dài khoảng 100 phút và các lãnh đạo đã cúi đầu xin lỗi trước khi giải thích các yếu tố kĩ thuật sâu xa.
Nếu như vào buổi sáng, TSE bị chỉ trích vì thông tin chậm trễ và giật cục thì đến buổi chiều, TSE lại được khen vì tổ chức tốt buổi họp báo. Các lãnh đạo cấp cao của sàn đã dễ dàng trả lời các câu hỏi của giới truyền thông, thảo luận các vấn đề phức tạp như kiến trúc hệ thống bằng ngôn ngữ hết sức chuyên ngành.
Những người đứng đầu TSE cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm vì để xảy ra sự cố làm gián đoạn giao dịch chứ không đổ lỗi cho nhà cung cấp hệ thống là công ty Fujitsu. Trên mạng xã hội Twitter, nhiều người Nhật bày tỏ thái độ đồng tình với cách xử lí của TSE.
"Ban lãnh đạo giải thích rất rõ ràng trong buổi họp báo, cho thấy họ hiểu rõ vấn đề là gì", bà Megumi Takarada – một chuyên gia phân tích cao cấp tại công ty chứng khoán Toyo Securities nhận xét.
Tối 1/10, TSE ra thông báo mở cửa hoạt động trở lại vào ngày thứ Sáu 2/10. Buổi giao dịch ngày hôm sau diễn ra suôn sẻ nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) đã yêu cầu Sàn giao dịch TSE báo cáo về sự cố, từ đó công chúng có thể hiểu thêm về các vấn đề còn tồn tại.
Một trong những câu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu lỗi phần cứng kiểu như ở Nhật Bản có thể xảy đến với những thị trường chứng khoán khác không. Theo ông Nicholas Smith, chuyên gia tại CLSA, câu trả lời gần như chắc chắn là có.
"Sự cố vừa xảy ra không mang đặc trưng gì của Nhật Bản cả, ở đâu cũng có thể xảy ra", Bloomberg dẫn lời ông Nicholas Smith cho hay.