Phải loại bỏ ngay đá kém chất lượng khỏi cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Trung Chánh- Anh Quân
(TBKTSG Online) – Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận yêu cầu các nhà thầu tập kết vật liệu cấp phối đá dăm loại II (Dmax 37,5) để thực hiện gia tải, sau đó tận dụng làm kết cấu áo đường (lớp nền thượng). Tuy nhiên, Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải – CTCP đề xuất sử dụng vật liệu cấp phối đá dăm loại I cho nền thượng. Điều này có nghĩa, đá loại II sau khi sử dụng gia tải nền đường phải được loại bỏ, chứ không thể tận dụng làm lớp nền thượng của cao tốc này.
Đá gia tải nền đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận có thể bẻ bằng tay?
Thực hư chuyện đá gia tải nền đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận có thể bẻ vỡ bằng tay?
Đá gia tải nền đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận tại gói thầu XL-11 cần loại bỏ ngay sau khi gia tải xong. Ảnh: Trung Chánh
Ngày 23-5-2020, Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải- CTCP có gửi đến Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận văn bản số 1518/TEDI-TVQT về việc báo cáo, đề xuất sử dụng vật liệu cấp phối đá dăm loại I cho lớp nền thượng của dự án đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao).
Ngày sau khi nhận được văn bản nêu trên, ngày 28-5-2020, ông Mai Mạnh Hồng với tư cách là Phó Tổng giám đốc Thường trực Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận đã ký văn bản số 772/2020/TLMT-KHKT về việc vật liệu lớp đáy móng kết cấu áo đường (nền thượng) của tuyến chính thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo đó, tại văn bản nêu trên, Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận cho biết, ngày 16-1-2020, đơn vị này đã có Quyết định số 126/2020/QĐ-TGĐ-TLMT về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công hạng mục kết cấu mặt đường tuyến chính thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình (cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận giai đoạn 1- PV), trong đó, đã phê duyệt vật liệu lớp đáy kết cấu áo đường (nền thượng) sử dụng cấp phối đá dăm loại I.
BOT Trung Lương- Mỹ Thuận yêu cầu các nhà thầu, đơn vị liên quan căn cứ nội dung được phê duyệt tại quyết định này (Quyết định 126/2020/QĐ-TGĐ-TLMT- PV), tổ chức thi công lớp đáy móng kết cấu áo đường (nền thượng) tuyến chính đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng theo đúng quy định. Trước mắt, đối với các gói thầu đang gia tải xử lý nền đất yếu, sử dụng khối lượng cấp phối đá dăm của hạng mục này (tức hạng mục kết cấu mặt đường tuyến chính được phê duyệt lớp đáy kết cấu áo đường (nền thượng) là đá loại I- PV) để gia tải, sau đó dỡ tải sẽ tận dụng làm lớp nền thượng.
BOT Trung Lương- Mỹ Thuận yêu cầu các đơn vị tư vấn (quản lý dự án, tư vấn giám sát) kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng vật liệu cấp phối đá dăm, công tác thi công trên hiện trường (lưu ý biện pháp bảo quản vật liệu trong thời gian gia tải) để đảm bảo chất lượng, tiến độ và tổ chức nghiệm thu theo đúng quy định.
Văn bản này được thay thế văn bản 754/2020/TLMT-KHKT ngày 23-4-2020 của Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận.
Văn bản 754 bị thay thế đề cập gì?
Văn bản 754/2020/TLMT-KHTK ngày 23-4-2020 của Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận do ông Nguyễn Tấn Đông giữ chức vụ Tổng giám đốc ký để gửi các nhà tư vấn, nhà thầu thi công.
Theo đó, tại văn bản 754, Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận cho biết, ngày 16-1-2020, đơn vị này đã có Quyết định số 126/2020/QĐ-TGĐ-TLMT như đã nêu ở trên.
Tuy nhiên, văn bản 754 cho biết, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng tại Văn bản 31/HĐNTNN-CTTĐ ngày 20-3-2020 cho rằng, cần nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế lớp đáy móng kết cấu áo đường sử dụng vật liệu cấp phối đá dăm loại II theo tiêu chuẩn TCVN 8859-2011 (Dmax 37,5) làm lớp đáy kết cấu áo đường (có qua xem xét, thí nghiệm phối trộn…) để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của lớp đáy áo đường theo quy định và phù hợp với thực tế dự án.
Tại văn bản 754 cũng thể hiện, Chủ đầu tư đã chỉ đạo tư vấn thiết kế nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế theo chỉ đạo của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước. Sau đó, có báo cáo và hồ sơ thiết kế điều chỉnh, chủ đầu tư sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh kết cấu mặt đường và vật liệu làm lớp đệm tiếp giáp với đáy kết cấu áo đường theo quy định.
Tuy nhiên, với lý do để đảm bảo tiến độ dự án, trong khi chờ duyệt điều chỉnh thiết kế, tại văn bản 754, Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận đã "bật đèn xanh" khi đề nghị các nhà thầu tập kết vật liệu cấp phối đá dăm loại II (Dmax 37,5) để gia tải, sau đó tận dụng làm nền thượng.
Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận đã bãi bỏ văn bản 754 hay nói cách khác đã bãi bỏ yêu cầu tập kết đá dăm loại II để gia tải, sau đó tận dụng làm nền thượng.
Thế nhưng, trên thực tế, đã có ít nhất tại một gói thầu, đó là XL-11, đá dăm loại II (Dmax 37,5) đã được tập kết vào công trường dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận và đang thực hiện giai tải nền đường.
Theo thừa nhận của bà Nguyễn Thị Hồng Hiếu, Phó giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Xuất nhập khẩu Kim Hưng Phát, đơn vị này có cung cấp đá dăm loại II như nêu trên theo yêu cầu của bên mua, tức nhà thầu phụ thi công gói thầu XL-11 của dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng công trình Tây An.
Như đã nêu ở trên, lớp đá sử dụng làm nền thượng phải là đá loại I, cho nên, không thể sử dụng đá loại II dùng cho việc gia tải nền đất yếu, sau đó tận dụng làm nền thượng được. Điều này có nghĩa, khối lượng đá loại II tại gói thầu XL-11 (và tại các gói thầu khác, nếu có) đang sử dụng gia tải nền đường phải được loại bỏ khi xong việc, chứ không thể tận dụng cho việc làm nền thượng.
Đá kém chất lượng có thể dùng gia tải, nhưng cho nền thượng là không
Trong văn bản số 1247/2020/BOT-TLMT do ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc BOT Trung Lương- Mỹ Thuận ký ngày 5-10-2020 gửi đến TBKTSG Online, về chất lượng vật liệu dùng gia tải xử lý nền đất yếu, đơn vị này cho biết, theo hồ sơ thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật được Bộ Giao thông Vận tải thẩm định (báo cáo thẩm định số 3116/CQLXD-ĐB ngày 29-9-2015), vật liệu gia tải xử lý nền đất yếu có thể là cát, đá, hoặc vật liệu khác không yêu cầu về chất lượng chịu lực.
Chính vị vậy, BOT Trung Lương- Mỹ Thuận cho rằng, vật liệu đang gia tải tại gói thầu XL-11A (nằm trong gói thầu XL-11- PV) hoàn toàn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gia tải của dự án.
Cũng theo BOT Trung Lương- Mỹ Thuận, bất kỳ vật liệu nào sử dụng cho lớp kết cấu áo đường (nền thượng- PV), thì phải được kiểm tra, đánh giá chất lượng, đảm bảo mới đưa vào sử dụng. “Do đó, việc báo chí nêu chất lượng loại vật liệu gia tải trên liên quan đến chất lượng kết cấu mặt đường là không đúng về bản chất kỹ thuật”, văn bản gửi đến TBKTSG Online viết.
Tại văn bản gửi đến TBKTSG Online, phía BOT Trung Lương Mỹ- Thuận dẫn thông tin của PGS-TS Trần Chủng, Nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, vật liệu dùng gia tải có thể là đất, cát, đá hay bất cứ vật liệu gì miễn việc gia tải thực hiện theo trình tự từng lớp, từng đợt, thời gian gia tải và liên tục theo dõi độ lún của toàn bộ nền đất yếu đang xử lý.
“Đối với vật liệu gia tải, không có quy định bắt buộc về vật liệu, miễn là tạo ra tải trọng phù hợp để gây ra áp lực xuống lòng đất, làm cho nước trong vùng đất yếu thoát ra ngoài để đạt được độ cố kết theo yêu cầu của chỉ dẫn kỹ thuật”, văn bản viết.
Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, vật liệu dùng cho kết cấu áo đường (lớp nền thượng) của dự án đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận giai đoạn 1 phải là cấp phối đá dăm loại I. Trong khi đó, trên thực tế, đá dùng gia tải tại gói thầu XL-11 có không ít là dùng đá dăm loại II (Dmax 37,5), tức loại đá này không đáp ứng được yêu cầu dùng cho kết cấu áo đường (lớp nền thượng) hay nói cách khác phải được loại bỏ sau khi hoàn thành xong việc gia tải. Thậm chí, những loại vật liệu khác ngoài đá loại II dùng để gia tải, không phải là đá dăm loại I, thì hoàn toàn không được phép tái sử dụng cho kết cấu áo đường (lớp nền thượng.
Trao đổi với TBKTSG Online về vấn đề nêu trên, ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường Cảng TPHCM, khẳng định: "ngay trên đường bình thường cũng không thể dùng đá loại II để thay thế cho đá loại I được. Bởi, nền mặt đường rất quan trọng, nếu làm sai thiết kế thì phải vứt đi, chứ không thể nói đá loại II cũng chất lượng".
Theo ông Trường, đối chiếu lại với quy phạm thiết kế đường cao tốc, thì nền mặt đường phải được ưu tiên và rất quan trọng. “Cụ thể, trên đường cao tốc, đoạn từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, thì Ban quản lý dự án phải đi tù và các nhà thầu cũng bị kỷ luật mà một phần cũng do nền mặt đường bị hỏng vì hệ thống đá kém chất lượng”’, ông dẫn chứng và nhấn mạnh: “Các đường cao tốc mới là không được làm sai thiết kế, không được vì bất cứ lý do gì làm sai thiết kế”.
Cụ thể, với đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Trường đề nghị phải loại bỏ ngay các loại đá kém chất lượng ra khỏi công trình, không thể tận dụng đá gia tải loại II để sử dụng cho lớp nền thượng, bởi như đã nêu mặt đường cao tốc là rất quan trọng. “Phải đào lên vứt đi hoặc để đó làm việc khác, chứ không thể làm lớp 1 được (nền thượng - PV)”, ông nói.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng có liên quan cần vào cuộc xem xét ngoài gói thầu XL-11, còn có những gói thầu nào có sử dụng đá loại II để thực hiện gia tải nền đường hay không để loại bỏ khi xong việc, chứ không thể ứng dụng vào làm lớp nền thượng nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất cho kết cấu nền đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận. Đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi kiểm tra hiện trường diễn ra mới đây ở tỉnh Tiền Giang là phải tuyệt đối đảm bảo chất lượng công trình.