Báo Thanh Niên vừa nhận được đơn khiếu nại của bà T.T.N.H (ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) về việc chỉ số nước tăng bất thường trong kỳ giãn cách xã hội.
Chỉ số nước "nhảy múa" loạn xạ
Trong đơn khiếu nại, bà H cho biết đầu năm 2020, bà cho anh H.M.T thuê mặt bằng kế bên số nhà 32C1 Chu Văn An (phường 26, quận Bình Thạnh) để mở quán ăn bình dân. Đồng hồ nước được gắn mới vào tháng 12.2019, nghiệm thu lắp đặt ngày 17.12.2019. Số nước tiêu thụ mỗi tháng hơn 100 m3 cho kỳ 2 và kỳ 3. Quán ăn sử dụng nước bình thường cho đến kỳ 4 và kỳ 5 (từ ngày 9.4 - 11.5) thì đại dịch Covid-19 bùng phát. Chấp hành theo chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện giãn cách xã hội, quán ăn của anh T cũng như các cơ sở kinh doanh hàng ăn khác phải đóng cửa ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, số nước tiêu thụ trong kỳ 4 và kỳ 5 lại tăng bất thường. Nhà hàng đóng cửa, không sử dụng nhưng chỉ số nước tiêu thụ tăng vọt lên 128 m3.
"Nhận thấy có bất thường, tôi điện thoại lên Công ty cổ phần cấp nước Gia Định yêu cầu kiểm tra và xem xét lại thì nhận được câu trả lời "đây là số tạm tính, không sao đâu ?!". Tôi vẫn phải đóng tiền theo hóa đơn là hơn 3,7 triệu đồng. Đến khoảng 19 ngày sau, Công ty cấp nước lại đưa thêm hóa đơn với chỉ số tăng vọt lên 1.800 m3, thành tiền hơn 36,8 triệu đồng. Tôi lập tức liên hệ lại Công ty Gia Định yêu cầu kiểm tra. Ngày 13.5, có 2 nhân viên công ty xuống lập biên bản ghi nhận "đường nước đi nổi, không phát hiện rò rỉ, không bị thất thoát nước". Đồng thời, tôi có cung cấp hình ảnh, chứng minh đồng hồ chạy từ ngày 24.4 - 10.5 chưa đến 100 m3", bà H kể.
Có mặt cùng bà H đến phản ánh tại báo Thanh Niên, anh T tiếp lời: "Đến tháng 6, chúng tôi có đến phòng kinh doanh của Công ty cấp nước tiếp tục trình bày sự việc thì được một người đại diện tên Hùng yêu cầu đóng tiền giám định đồng hồ nước nhưng chúng tôi không đồng ý vì đồng hồ mới sử dụng chưa được 4 tháng, do công ty lắp đặt còn nguyên niêm chì, không thể hư hỏng được. Ngày 2.7, chúng tôi tiếp tục nhận được giấy thông báo phía đơn vị cấp nước yêu cầu thanh toán gần 37 triệu đồng cho 1.686 m3, nếu không thanh toán thì bị cắt nước sau 7 ngày".
Đáng nói, hóa đơn tiền nước nhiều kỳ của nhà bà H có rất nhiều điểm bất thường. Đơn cử, sau chỉ số nước "khủng" ở các kỳ trước, hóa đơn kỳ 6 (từ ngày 11.5 - 11.6) lại ghi nhận chỉ số cũ ở mức 0, chỉ số tiêu thụ chỉ 43 m3, thành tiền 939.000 đồng. Đến kỳ 8, chỉ số cũ tiếp tục quay về mức 0, mức tiêu thụ ghi nhận 57 m3, thành tiền hơn 1,2 triệu đồng. Thế nhưng sang đến kỳ 9, chỉ số cũ đáng lẽ phải tiếp nối số 57 của kỳ 8 thì lại vọt lên 632, chỉ số mới là 2.441, tức nhà anh T đã tiêu thụ 1.809 m3 nước chỉ trong 1 tháng, hóa đơn nợ gần 40 triệu đồng.
Công ty sẽ giải quyết nội bộ, còn tiền người dân vẫn phải đóng?
Liên tục liên hệ công ty yêu cầu cử nhân viên xuống kiểm tra nhưng chỉ nhận lại lời giải thích "không cử người xuống được vì giãn cách xã hội, không có người làm", quá bức xúc, bà H và anh T đã 2 lần gửi đơn khiếu nại, đồng thời tới Công ty cấp nước Gia Định, làm việc trực tiếp với 2 đại diện là ông Trần Ngọc Cường và ông Vũ Văn Hùng.
Tuy nhiên, hai vị này vẫn tiếp tục giải thích kiểu chung chung, không thuyết phục, không rõ ràng và yêu cầu bà H mau chóng đóng tiền nợ, nếu không sẽ cắt nước. Khi bà H yêu cầu gặp người đại diện cao hơn để giải trình thì không được chấp nhận.
"Bên họ nói giãn cách xã hội, không có người xuống giải quyết, vậy tại sao vẫn cắt cử người đi thu tiền nước hàng tháng được? Khi tôi yêu cầu tìm phương án giải quyết thì họ nói nếu lỗi bên công ty thì công ty sẽ giải quyết nội bộ xử lý, còn tiền thì dân vẫn phải đóng. Thậm chí, họ còn 2 lần thỏa thuận giảm giá nước nhưng số tiền giảm vẫn còn hơn 16 triệu đồng, tôi không chấp nhận. Bây giờ thì ngày nào cũng có người nhắn tin, gọi điện, gửi giấy báo yêu cầu đóng tiền, dọa cắt nước. Đại dịch, chúng tôi đã phải ngừng kinh doanh, không buôn bán được thì làm sao có tiền để thanh toán 1 số tiền lớn bất thường như vậy?", anh T bất bình.
Thanh Niên sẽ liên hệ với Công ty Cấp nước Gia Định để tiếp tục thông tin đến bạn đọc sự việc trên.