vĐồng tin tức tài chính 365

Mỹ gia tăng sản xuất đất hiếm để tránh lệ thuộc vào Trung Quốc

2020-10-06 20:57

Mỹ gia tăng sản xuất đất hiếm để tránh lệ thuộc vào Trung Quốc

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Chính phủ Mỹ đang thúc đẩy các nỗ lực để sản xuất và chế biến các khoáng sản thiết yếu đối với công nghệ hiện đại và quan trọng đối với an ninh quốc phòng và sự thịnh vượng quốc gia giữa lúc chuỗi cung ứng của chúng đang nằm dưới sự chi phối của Trung Quốc.

 

Mỏ Mountain Pass ở bang California là mỏ đất hiếm duy nhất ở Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Tài trợ vốn để thúc đẩy sản xuất khoáng sản quan trọng

Trong những năm gần đây, Mỹ và các nước phương Tây khác đã đầu tư vào nhiều dự án khai mỏ và cấp phép khai thác đất hiếm, một hợp chất gồm 17 nguyên tố hóa học quý, bao gồm các kim loại đóng vai trò thiết yếu đối với sản xuất xe điện, điện thoại di động, tuốc-bin gió, máy bay chiến đấu... Giờ đây, họ đang tăng tốc các nỗ lực này khi nhận thấy họ vẫn ở sau một khoảng rất xa so với Trung Quốc.

Hồi giữa tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho phép viện dẫn Đạo luật Sản xuất quốc phòng để thúc đẩy nhanh sự phát triển của ngành công nghiệp khai khoáng, giúp giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn cung các khoáng sản quan trọng từ Trung Quốc. Mỹ từng sử dụng đạo luật này hồi đầu năm nay để tăng tốc nỗ lực sản xuất các thiết bị y tế giữa lúc đại dịch Covid-19 lan nhanh.

Sắc lệnh của Tổng thống Trump kêu gọi đánh giá sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc ở các khoáng sản đóng vai trò quan trọng đối với an ninh và sự thịnh vượng quốc gia và cho biết chính phủ có thể cung cấp các khoản vay và trợ cấp để khởi động các hoạt động sản xuất và chế biến chúng.  Sắc lệnh cũng cảnh báo Mỹ có thể áp thuế và hạn ngạch nhập khẩu khoáng sản từ Trung Quốc.

Hôm 5-10, Công ty TechMet có trụ sở ở Ireland, thông báo Cơ quan Tài chính Phát triển quốc tế (IDFC), một tổ chức đầu tư cho vay của chính phủ Mỹ, đã rót 25 triệu đô la Mỹ vào các dự án của công ty này, đang sản xuất và tái chế các nguồn khoáng sản như kim loại nickel và cobalt từ pin phế thải.

Các công ty khoáng sản và giới phân tích hoan nghênh động thái trên của chính phủ Mỹ nhưng họ cũng lưu ý phải mất 10 năm mới có thể phát triển hoàn chỉnh một mỏ đất hiếm. Bên cạnh đó, các nước phương Tây cũng cần phát triển năng lực chế biến đất hiếm để chiết xuất các các vật liệu quý được sử dụng trong các sản phẩm cuối cùng.

Công nhân làm việc tại một mỏ đất hiếm ở Giang Tây, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Không dễ đánh bật sự thống trị của Trung Quốc

“Để đánh bật sự thống trị của Trung Quốc ở lĩnh vực đất hiếm cần một quy trình trong nhiều năm. Không có giải pháp nào nhanh chóng cả”, Brian Menell, Giám đốc điều hành TechMet, nhận định. Trung Quốc đang thống trị chuỗi cung ứng cung cấp các kim loại đất hiếm cho các ngành công nghệ cao.

Các nguyên tố đất hiếm, được sử dụng nhiều ở pin và thiết bị điện tử, là một trong 35 loại khoáng sản mà chính phủ Mỹ xem là thiết yếu đối với an ninh kinh tế và quốc gia. Mỹ không có hoạt động sản xuất nào đối với 14 trong 35 loại khoáng sản quan trọng này, bao gồm gallium, một nguyên tố được sử dụng trong diod phát quang (Led) và các thiết bị bán dẫn của điện thoại di động. Ngoài ra, các khoáng sản quan trọng này cũng được sử dụng trong các ngành có hàm lượng công nghệ thấp hơn.

Khoảng 80% nhập khẩu nguyên tố đất hiếm đến từ Trung Quốc, đó là chưa kể các nguồn cung khác được cung cấp gián tiếp từ Trung Quốc. Trung Quốc đang cung cấp cho Mỹ 50% nhu cầu barite, thường được sử dụng trong công nghệ khoan đứt gãy thủy lực, giúp tạo ra cơn bùng nổ dầu đá phiến ở Mỹ.

Trung Quốc xây dựng được vị thế thống lĩnh trong nhiều khoáng sản quan trọng nhờ nắm giữ các trữ lượng dồi dào. Luật pháp về môi trường của Trung Quốc cũng lỏng lẻo hơn so với Mỹ, cho phép các công ty khai khoáng ở nước này dễ dàng được cấp phép khai thác và chế biến đất hiếm. Hơn nữa, họ cũng được hưởng lợi nhờ chính sách trợ cấp của Bắc Kinh dành cho các hoạt động sản xuất và chế biến đất hiếm.

Mãi cho đến thập niên 1980, Mỹ vẫn là nước sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới và đã phát triển được công nghệ chế biến các kim loại đất hiếm. Nhưng hiện nay, Mỹ chỉ có duy nhất một mỏ đất hiếm ở Mountain Pass, bang California nhưng không có bất kỳ nhà máy chế biến nào.

David Henderson, người sáng lập Công ty tư vấn Rittenhouse International Resources, cho biết Mỹ giờ đây thiếu trình độ công nghệ trong lĩnh vực đất hiếm và cần phải hợp tác với các nước đồng minh như Úc và Canada để bắt kịp Trung Quốc.

Jack Lifton, một nhà tư vấn đang làm việc cho chính phủ Mỹ, nói: “Bạn có thể khai thác được các khoáng sản quý giá này nhưng Trung Quốc đang kiểm soát gần như toàn bộ chuỗi cung ứng chúng”. Chẳng hạn để sản xuất nam châm đất hiếm (một loại nam châm vĩnh cửu), trước hết, cần phải khai thác quặng đất hiếm, rồi phân tách các nguyên tố riêng lẻ từ quặng này. Tiếp đó, cần phải chế biến chúng thành các kim loại từ tính để sản xuất nam châm.

Jack Lifton cho biết nhiều công ty chế biến đất hiếm ở Trung Quốc có thể làm được tất cả các khâu trong quy trình này. Trong khi đó, chỉ có một công ty bên ngoài Trung Quốc có thể làm được như vậy, đó là Công ty Neo Performance Materials ở Canada.

 

Các nước phương Tây bừng tỉnh

Thực tế, chính phủ Mỹ đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về sự thống trị của Trung Quốc ở lĩnh vực đất hiếm trong hai thập niên qua và nhiều lần kêu gọi các nỗ lực thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc. Nhưng cho đến nay, Mỹ chưa làm được gì nhiều để thu hẹp khoảng cách này.

Năm 2012, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để yêu cầu Trung Quốc nới lỏng các hạn chế xuất khầu đất hiếm. Năm 2017, chính quyền Tổng thống Trump cũng ban hành sắc lệnh kêu gọi triển khai một chiến lược giúp giảm bớt mức độ tổn thương của Mỹ trước các gián đoạn nguồn cung khoáng sản quan trọng. Kể từ đó, chính phủ Mỹ đã cấp vốn cho một số dự án khai thác đất hiếm.

Bộ Quốc phòng Mỹ đang cấp vốn một phần cho một dự án chế biến đất hiếm gần một mỏ ở California và cũng hỗ trợ tài chính cho một nhà máy chế biến đất hiếm khác ở Texas. Năm nay, Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) đã đầu tư 30 triệu đô la để nghiên cứu phát triển các khoáng sản quan trọng.

Tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) công bố một kế hoạch hành động để đẩy mạnh gia công khoáng sản và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của 30 khoáng sản thô quan trọng ở khu vực này. Gần đây, Canada tài trợ vốn cho một nhà máy chế biến đất hiếm ở tỉnh Saskatchewan. Trong khi đó, Úc đang cung cấp các khoản vay để phát triển ngành khai thác và chế biến các khoáng sản quan trọng ở trong nước.

Các công ty khai khoáng cho rằng sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump có thể khuyến khích phát triển một ngành công nghiệp khai thác các khoáng sản quan trọng mạnh hơn, ít nhất là vì giới đầu tư đang quan tâm đến các công ty khai thác và chế biến khoáng sản vì họ tin rằng chúng sẽ được nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ. Cổ phiếu của các công ty khai thác hoặc có kế hoạch khai thác các khoáng sản quan trọng ở Mỹ đều tăng giá sau khi đón nhận tin tức về sắc lệnh của Tổng thống Trump.

Pini Althaus, Giám đốc điều hành Công ty USA Rare Earth, hy vọng công ty ông sẽ bắt tay khai thác các khoáng sản quan trọng trong ba năm tới ở bang Texas. Ông nói: “Bấy lâu nay, Mỹ chuyển động rất chậm chạp. Sắc lệnh sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp khoáng sản Mỹ bật dậy nhanh hơn”.

Theo Wall Street Journal

Xem thêm: lmth.couq-gnurt-oav-couht-el-hnart-ed-meih-tad-taux-nas-gnat-aig-ym/380903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Mỹ gia tăng sản xuất đất hiếm để tránh lệ thuộc vào Trung Quốc”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools