Với việc các ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến tại một số khu vực ở Mỹ và có ít phim ra rạp, Regal Cinemas - chuỗi rạp lớn thứ hai của nước này mới đây thông báo sẽ đóng cửa vô thời hạn toàn bộ 536 rạp chiếu tại Mỹ và 127 rạp tại Anh, bắt đầu từ ngày 8/10 tới.
Việc đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến 45.000 người lao động, trong đó có tới 40.000 người làm việc ở Mỹ. Mooky Greidinger, CEO của Regal Cinemas nói với tờ New York Times: "Hiện tại, chúng tôi chưa có kế hoạch cụ thể về thời gian mở cửa trở lại. Có thể là hai tháng hoặc lâu hơn một chút". Trong khi đó, khoảng 100 rạp chiếu của Regal Cinemas sẽ vẫn hoạt động ở Đông Âu và Trung Âu, dù phần lớn doanh thu của công ty đến từ thị trường Mỹ và Anh.
Doanh nhân Mike Campbell thành lập Regal Cinemas vào năm 1989, có trụ sở chính tại Knoxville, Tennessee, trong một nhà kho cũ. Trong nhiều năm kể từ đó, qua việc mua bán và sáp nhập, nó đã phát triển thành chuỗi rạp lớn thứ hai trên thế giới.
Một rạp phim của Regal.
Rạp đầu tiên của công ty là ở Florida, nơi Campbell cải tạo một nhà hát có sẵn bằng nhiều trang thiết bị mới và tăng hơn gấp đôi quy mô của nó.
Sau đó, các rạp của Regal bắt đầu phát triển, đặc biệt là ở các vùng ngoại ô và được biết đến là tương đối cao cấp so với nhiều đối thủ cạnh tranh nhờ đặt các quán cà phê và bánh quy bên trong. Đến năm 1995, Regal trở thành chuỗi rạp chiếu phim lớn thứ 9 tại Mỹ.
Năm 2001, với gần 4.000 phòng chiếu thuộc 328 rạp, Regal trở thành một trong số ít những chuỗi rạp lớn phải tuyên bố phá sản.
Năm 2002, tỷ phú Denver Philip Anschutz trở thành chủ sở hữu phần lớn của Regal Cinemas, United Artists Theatre và Edwards Theatre. Tất cả được kết hợp lại thành tập đoàn mẹ Regal Entertainment Group.
Tỷ phú Denver Philip Anschutz.
Năm 2008, Regal Entertainment mua lại chuỗi rạp chiếu Consolidated Theatres. Sau đó, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Regal thoái vốn tại một số rạp ở những khu vực mà họ có thể độc quyền.
Năm 2011, Regal là một trong nhiều công ty tiến hành giảm quy mô và sa thải nhiều nhà quản lý để cạnh tranh tốt hơn với những đối thủ như Netflix và Redbox.
Đến năm 2017, chuỗi Cineworld của châu Âu đã mua Regal với giá 3,6 tỷ USD, biến đây thành chuỗi rạp chiếu phim lớn thứ hai trên thế giới.
Trong năm 2020, do sự bùng phát của đại dịch Covid-19, Regal cùng nhiều rạp chiếu phim khác đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Giữa tháng 3, Regal đã phải đóng cửa vô thời hạn các rạp của mình để ngăn dịch bệnh lây lan.
Sau đó vài tháng, các rạp chiếu phim được mở cửa trở lại theo quy định của địa phương. Tuy nhiên, do vẫn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và đảm bảo an toàn trong mùa dịch nên lượng người ra rạp xem phim khá thấp.
Trong thông cáo báo chí, Giám đốc điều hành Mooky Greidinger nhắc đến việc thiếu hoặc hoãn chiếu các bộ phim bom tấn đã khiến tình hình kinh doanh trở nên ảm đạm hơn. Tuần trước, MGM đã đẩy lùi thời gian phát hành bộ phim James Bond "No Time to Die" từ tháng 11 năm nay cho đến tháng 4 năm sau.
Greidinger bày tỏ: "Bất chấp nỗ lực của chúng tôi, phản hồi tích cực của khách hàng và thực tế là đến nay chưa có bằng chứng liên kết bất kỳ ca mắc Covid-19 nào với các rạp phim, chúng tôi vẫn chưa được phép mở lại ở New York". Sau thông báo đóng cửa, giá cổ phiếu của Cinemark đã giảm hơn 1/3.
Mộc Tiên
Theo Tổ Quốc/BI